Hồ sơ Pandora: Cảnh báo về thế giới phẳng thông tin

Hồ sơ Pandora, Panama, Paradise,... đều có thể bị khui thì còn thứ gì trên đời không thể tiết lộ?

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thiên đường thuế là mỹ từ mang hàm ý ca ngợi những nơi không đánh thuế hoặc đánh thuế rất thấp đối với tài sản của tất cả những ai có nhu cầu sơ hữu ở quốc gia sở tại.

Từ Panama đến quần đảo Virgin (Anh), Cayman; Thụy Sĩ, Monaco, Dubai, Singapore sang tận Paradise (Mozambique) đều là những nơi trốn thuế, rửa tiền lý tưởng. Ngoài thuế, các địa điểm này phải tọa lạc kín đáo và đặc biệt, cơ chế bảo mật thông tin chặt chẽ là thứ thu hút dòng tiền “bẩn” lẫn “sạch”.

Không phải ai có tên trong Hồ sơ Pandora hay Panama, Paradise đều có dấu hiệu phạm tội, như các tỷ phú không muốn bị lộ thông tin về bản thân. Song, tất cả có điểm chung nhằm mục đích tránh nộp thuế tài sản.

Cơ chế bảo mật của Pandora được xem là bất khả chiến bại, mọi thông tin về chủ tài khoản, tài sản được mã hóa nhiều lớp, nhưng phổ biến nhất là thông qua công ty bình phong, có đầy đủ ban bệ, chức danh, nhưng tất cả đều được bịa ra.

Hệ thống ảo được dựng lên để che đậy các giao dịch “gắn mác” hoạt động kinh doanh, được chính quyền sở tại bảo vệ. Bằng cách này những thiên đường thuế giàu lên.

Hồ sơ Pandora cho thấy không thứ gì có thể dấu diếm được trong thế giới phẳng thông tin như ngày nay, mọi chuyện có thể xảy ra, và chắc chắn đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Trong môi trường Internet, thông tin chính là tiền, là lợi thế cạnh tranh, là vũ khí chống lại nhau, ai nắm được thông tin kẻ đó là bá chủ. Điều này giải thích vì sao Big Tech ngày càng ngang ngạnh, không hề e sợ quyền lực chính trị.

Bạn có biết vì sao Google có thể gợi ý sát nách món hàng mà ta tìm kiếm, nó có thể ghi nhớ một ngày, một tháng, một năm qua ai đó quan tâm thứ gì, các đề xuất cứ bám theo khách hàng như có người điều khiển ý nghĩ của chúng ta.

Đó chính là một khía cạnh rất đơn giản khi thông tin của khách hàng đã giao nộp cho các công ty công nghệ trong nhiều năm. Chẳng riêng gì Google hay Facebook khai thác, bọn họ có thể bán đứng thông tin cho bên thứ 3, thứ 4,…mục đích không chỉ là quảng cáo!

Thông qua kiểm soát thông tin của tầng lớp tinh hoa, chính trị gia, tỷ phú,… các đầu sỏ thông tin, tư bản dữ liệu sẽ thò bàn tay lông lá uốn nắn chính sách sao cho thu được nhiều lợi nhuận nhất.

Đơn cử, hàng loạt lãnh đạo ở 90 quốc gia có mặt trong Hồ sơ Pandora sẽ đối diện với cơn giận của người dân, làm tấm bia đỡ đạn cho các đảng phái chính trị đối lập.

Họ có thể ngã ngựa, thay đổi cả nội các, đường hướng chính trị một quốc gia, đều là những ảnh hưởng tất nhiên xảy ra. Vì vậy, ai đạo diễn vụ rò rỉ này? Mục đích cuối cùng là gì? Mãi mãi không thể trả lời.

Đây là lời cảnh báo đầy sức nặng với các nhà lãnh đạo, rằng đừng làm điều gì dại dột, tài sản bất minh không có cách gì che dấu nổi. Nếu “nhúng chàm” không sớm thì muộn cũng phát lộ.

Theo Trương Khắc Trà/diendandoanhnghiep.vn

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-quoc-te/ho-so-pandora-canh-bao-ve-the-gioi-phang-thong-tin-339930.html
Zalo