Hổ phách 100 triệu năm hé lộ dấu vết sóng thần thời khủng long
Bằng chứng về sóng thần thời khủng long được các nhà khoa học tìm thấy trong hổ phách Nhật Bản 100 triệu năm tuổi.

(Ảnh minh họa: IE/iStock)
Trong một phát hiện khoa học quan trọng, các nhà nghiên cứu tại Nhật Bản cho rằng họ đã tìm thấy bằng chứng về một trận sóng thần dữ dội cách đây hơn 100 triệu năm, được lưu giữ trong một mẫu hổ phách cổ khai quật tại miền Bắc Nhật Bản.
Mẫu hổ phách này được tìm thấy tại mỏ Shimonakagawa ở Hokkaido, có niên đại khoảng 116 đến 114 triệu năm, thuộc đầu kỷ Phấn Trắng. Khu vực này vào thời điểm đó là đáy biển sâu – điều kiện lý tưởng để bảo tồn nhựa cây hóa thạch.
Hổ phách – kho lưu trữ dấu vết sóng thần cổ đại
Theo bà Aya Kubota, nhà cổ sinh vật học tại Đại học Chuo (Tokyo, Nhật Bản) và là đồng tác giả nghiên cứu, việc xác định dấu vết của sóng thần trong hồ sơ địa chất thường rất khó khăn, vì dễ bị nhầm với tàn tích của các trận bão lớn.
Tuy nhiên, bằng cách kết hợp quan sát thực địa chi tiết và phân tích cấu trúc bên trong của hổ phách, nhóm nghiên cứu xác định sóng thần là nguyên nhân hợp lý nhất gây ra hiện tượng được quan sát.
Hổ phách thường hình thành khi nhựa cây rỉ ra từ vỏ cây và hóa cứng trong không khí. Tuy nhiên, trong trường hợp này, các mẫu hổ phách lại xuất hiện “cấu trúc ngọn lửa”, là dạng biến dạng hướng lên, thường hình thành khi vật liệu mềm bị chôn vùi đột ngột trước khi kịp cứng lại.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng hình ảnh huỳnh quang tia cực tím để quan sát các cấu trúc này. Kết quả cho thấy nhựa cây không tiếp xúc với không khí, mà bị cuốn đi bởi dòng nước mạnh và chôn vùi nhanh chóng dưới lớp trầm tích đáy biển, giúp bảo tồn nguyên vẹn cho tới ngày nay.
Manh mối từ đáy biển
Cùng lớp địa chất nơi tìm thấy hổ phách, các nhà khoa học còn phát hiện thêm nhiều dấu hiệu củng cố giả thuyết sóng thần, gồm trượt đất dưới biển do động đất, trầm tích bị xáo trộn, và đặc biệt là những thân cây khổng lồ bị mắc kẹt trong lòng đại dương.
Các thân cây này không mang dấu hiệu bị tích tụ dần hoặc xói mòn, cho thấy chúng bị cuốn xuống đáy biển một cách đột ngột, điều mà chỉ sóng thần mới có thể gây ra, chứ không phải bão lớn.
“Hổ phách mang lại một cái nhìn hiếm hoi, chính xác về các quá trình trầm tích,” bà Kubota chia sẻ với Live Science. Xem xét thêm về hổ phách hứa hẹn mở ra hướng nghiên cứu độc đáo về các hiện tượng địa chất trong quá khứ.
Theo IE/Live Science