Hồ chứa nước thành nơi chăn bò, dân lo cây chết khô góp tiền mua nước theo giờ

Nhiều hồ chứa nước ở Đắk Nông đã khô kiệt. Người dân phải góp tiền mua nước và san sẻ nguồn nước với nhau để cứu cây trồng.

Tháng tư, tiết trời khô hanh, nhiều hồ chứa nước ở Đắk Nông trơ đáy, nhiều rẫy cà phê bắt đầu héo úa vì thiếu nước.

Hồ chứa nước thành nơi chăn bò

Hì hục kéo ống bơm giữa hồ thôn Trung Sơn lên bờ, ánh mắt bà Lê Thị Liên (69 tuổi, ngụ xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) hằn đầy lo lắng.

 Hồ chứa nước thôn Trung Sơn thành nơi chăn bò. Ảnh: T.T

Hồ chứa nước thôn Trung Sơn thành nơi chăn bò. Ảnh: T.T

Theo bà Liên, hơn 2 ha cà phê trồng xen hồ tiêu của gia đình bà đều phụ thuộc vào nguồn nước tưới tại hồ thôn Trung Sơn. Thế nhưng, hồ này hiện đã cạn kiệt nước. Giữa lòng hồ, cỏ đã mọc xanh và trở thành bãi chăn thả bò.

Hiện, vợ chồng bà Liên phải tìm mua nước giếng khoan của những hộ xung quanh với giá 100.000 đồng/giờ bơm để tưới cây.

“Giờ hồ chứa không còn nước, để cứu cây thì phải mua nước giếng khoan. Thế nhưng, những hộ có giếng khoan cũng khó lòng đáp ứng đủ nhu cầu của bà con”, bà Liên lo lắng.

Cũng theo bà Liên, hai năm nay thời tiết nắng hạn bất thường, hồ thôn Trung Sơn đều bị cạn kiệt nước. Một số hộ xung quanh đã thuê thợ về khoan giếng dự phòng nhưng chẳng mấy hộ khoan có nước.

 Vợ chồng bà Liên cố tìm nước tưới. Ảnh: T.T

Vợ chồng bà Liên cố tìm nước tưới. Ảnh: T.T

“Có người may mắn khoan một lần đã có nước. Thế nhưng, có người khoan tới ba điểm vẫn không có nước. Ở đây đất khô cằn, việc khoan giếng cũng hên xui”, bà Liên nói.

Cạnh rẫy bà Liên, vợ chồng ông Lê Văn Hiếu (61 tuổi), cố gắng kéo ống, bơm chút nước còn sót lại trong ao của gia đình để tưới cà phê.

Theo ông Hiếu, đợt hạn năm ngoái, rẫy cà phê của gia đình ông thiếu nước nên năng suất sụt giảm, một số cây chết khô. Năm nay, nắng không gay gắt nhưng vẫn khan hiếm nguồn nước tưới.

“Tôi vét chút nước còn lại trong ao, ráng tưới được cây nào hay cây đó. Giờ là tưới đề cứu cây chứ không mong gì về năng suất nữa”, ông Hiếu nói.

 Ông Hiếu cố vét chút nước còn lại trong ao tưới cây. Ảnh: T.T

Ông Hiếu cố vét chút nước còn lại trong ao tưới cây. Ảnh: T.T

Cũng tại xã Đắk Gằn, mực nước hồ Đắk Láp đã bắt đầu chạm đáy. Dù vậy, do nhu cầu tưới nhiều, tại hồ nước này có khoảng 40 máy bơm ì ạch nhả khói, rền vang cả ngày lẫn đêm.

“Vài ngày nữa là hồ trơ đáy nên ai cũng tranh thủ để bơm nước tưới cây. Mấy ngày nay, ngày nào cũng có hàng chục máy bơm nổ máy”, ông Nguyễn Văn Hợi (47 tuổi) nói.

Theo lời ông Hợi, cây cà phê cần tổng cộng bảy đợt tưới. Hiện, người dân đang tưới đợt ba và đợt bốn nhưng nước hồ đã cạn, khó đáp ứng đủ nhu cầu tưới của người dân.

Rời xã Đắk Gằn, PV tiếp tục di chuyển về hồ Đắk Ken, thị trấn Đắk Mil, huyện Đắk Mil. Dù đã trưa, mực nước tại hồ này sắp cạn nhưng hàng chục máy bơm vẫn ì ạch cố hút chút nước còn lại để cấp lên nương rẫy. Để máy bơm bớt nóng, nhiều người dùng ô hoặc tấm tôn che lên mô tơ.

Còn tại hồ đội 40 (xã Đắk Lao), hiện đã khô kiệt. Mặt hồ giờ chỉ còn lại những gốc cây trơ trọi và những vết nứt chằng chịt.

Ở một góc hồ, một hố sâu được đào lên. Tại đây, có ống nhỏ tiếp nước từ nơi khác về nhưng có hơn chục máy bơm chờ sẵn để bơm nước. Lượng nước tiếp tế không đủ để cung ứng cho những chiếc máy bơm đang “khát nước”.

Vừa che lại tấm tôn trên máy bơm, ông Trần Nguyên Danh (67 tuổi), vừa nói hồ đội 40 đã khô kiệt nước gần một tháng qua.

Vì vậy, một đơn vị tư nhân đã bắc ống, dẫn nước từ hồ Tây (thị trấn Đắk Mil) về để bán lại cho bà con.

“Máy bơm nhỏ thì mua nước với giá 50.000 đồng/giờ bơm; máy bơm lớn thì mua 80.000 đồng/giờ bơm. Thế nhưng, giờ có tiền cũng không mua được nước vì nguồn cung không đủ”, ông Danh nói.

 Hàng chục máy bơm nằm chờ nước tại hồ đội 40. Ảnh: T.T

Hàng chục máy bơm nằm chờ nước tại hồ đội 40. Ảnh: T.T

Vẫn lời ông Danh, trong vùng ai cũng trồng cà phê, ai cũng cần nước tưới. Vì vậy, bà con phải chia nhau ra mua nước. Đồng thời, mọi người chỉ bơm cầm chừng, đủ để cứu cây chứ không dám bơm lâu vì sợ người khác không có nước tưới.

“Nếu đủ nước, tôi sẽ bơm khoảng bảy giờ liền. Còn bây giờ tôi chỉ bơm khoảng ba giờ để nhường lại cho hộ khác. Không phải chúng tôi không có tiền mua nước nhưng nếu mua quá lâu thì người khác không có để tưới”, ông Danh nói thêm.

Nguồn nước hạ nhanh

Theo ông Trương Xuân Hùng, Chủ tịch UBND xã Đắk Lao, trên địa bàn có bảy công trình thủy lợi nhưng hiện sáu công trình đã cạn kiệt nước. Ngoài ra, nhiều giếng khoan của người dân cũng cạn kiệt.

 Nhiều hồ chứa nước ở Đắk Nông đã trơ đáy. Ảnh: H.T

Nhiều hồ chứa nước ở Đắk Nông đã trơ đáy. Ảnh: H.T

Trước thực trạng trên, công ty thủy lợi đã điều tiết nước từ hồ Tây (thị trấn Đắk Mil) về các hồ, đập trên địa bàn xã Đắk Lao nhưng vẫn không đảm bảo được nhu cầu tưới của người dân.

Vẫn lời ông Hùng, hiện có khoảng 200 ha cà phê trên địa bàn xã bị thiếu nước, có hiện tượng héo úa. Nếu thời gian tới vẫn không có mưa, khoảng 700 ha cây trồng trên địa bàn xã Đắk Lao bị ảnh hưởng.

Còn theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) huyện Đắk Mil, hiện có chín công trình thủy lợi trên địa bàn đã cạn kiệt nguồn nước. Ngoài ra, dòng chảy các sông suối trên địa bàn tiếp tục giảm; nhiều sông suối nhỏ đã ở mức cạn kiệt, trữ lượng nước các hồ chứa thủy lợi còn lại khoảng 42% và hạ thấp rất nhanh.

Nếu thời tiết không thuận lợi, tiếp tục nắng nóng kéo dài, không có mưa thì trên địa bàn huyện sẽ xảy ra hạn hán, thiếu nước tưới cục bộ tại một số địa phương, đặc biệt tại các xã Đắk Lao, Đắk Gằn, Đắk R’la.

 Một hồ chứa nước tại xã Đắk Lao đã khô kiệt. Ảnh: T.T

Một hồ chứa nước tại xã Đắk Lao đã khô kiệt. Ảnh: T.T

Theo thống kê từ Sở NN&MT tỉnh Đắk Nông, hiện toàn tỉnh có 13 hồ thủy lợi đã cạn kiệt nước. Đặc biệt, việc suối Đắk Sôr (huyện Krông Nô) bắt đầu cạn nước, có thể gây ảnh hưởng tới 1.600 ha cây trồng.

Trước thực trạng trên, Sở NN&MT Đắk Nông yêu cầu điều tiết nước từ các hồ chứa khác về suối Đắk Sôr để chống hạn.

Sở NN&MT tỉnh Đắk Nông cũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ các trạm bơm chuyển nước, lắp đặt trạm bơm chống hạn tại xã Đắk Lao.

Bố trí lực lượng ngăn tranh chấp nguồn nước

Sở TN&MT tỉnh Đắk Nông yêu cầu lực lượng chức năng hai huyện Krông Nô và Đắk Mil tuyên truyền người dân sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Sở này cũng yêu cầu lực lượng chức năng bố trí nhân sự tại các điểm có nguy cơ xảy ra tranh chấp nguồn nước để giải quyết khi có tranh chấp, đảm bảo tình hình an ninh trật tự.

TIẾN THOẠI

Nguồn PLO: https://plo.vn/ho-chua-nuoc-thanh-noi-chan-bo-dan-lo-cay-chet-kho-gop-tien-mua-nuoc-theo-gio-post842444.html
Zalo