Hồ Chí Minh - 'Người mang lại ánh sáng'
Hồ Chí Minh - con người vĩ đại của những quyết định lịch sử - ' là một biểu tượng kiệt xuất về quyết tâm của cả một dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của Nhân dân Việt Nam; góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội'!

Nhà sàn Bác Hồ trong Phủ Chủ tịch - nơi lưu giữ nhiều kỷ vật vô giá về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
“Người đi tìm hình của nước”
Đất nước cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX bao trùm trong màu xám xịt của đói nghèo, lạc hậu. Nhân dân chịu cảnh áp bức lầm than “một cổ hai tròng” thực dân - phong kiến, tưởng chừng không thể ngẩng đầu lên nổi. Trong khi, các phong trào đấu tranh kháng Pháp của các nhân sĩ yêu nước như Phan Bội Châu với phong trào Đông Du, Phan Chu Trinh với phong trào Duy Tân, hay khởi nghĩa Hoàng Hoa Thám... đều thất bại. Vận mệnh dân tộc bị đè nén dưới gông cùm nô lệ, đã đặt ra câu hỏi gay gắt về con đường tìm lại tên nước và phẩm giá dân tộc.
Từ làng Sen, cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã lớn lên bên vành nôi của lòng yêu nước nồng nàn. Đồng thời, tận mắt chứng kiến nỗi cay đắng cùng cực của đồng bào mình khi chịu tầng tầng áp bức và máu xương của cha anh đã đổ xuống trong các phong trào kháng Pháp. Những hiện thực trần trụi và đau thương ấy đã nung nấu trong Người quyết tâm mãnh liệt muốn ra nước ngoài, “sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”. Và rồi, một ngày tháng 6/1911, trên con tàu Amiran Latusơ Tơrêvin rời Bến Nhà Rồng, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành đã bước lên hành trình 30 năm đằng đẵng đi “tìm hình của nước”. Suốt thời gian ấy, Người đã bôn ba khắp bốn bể năm châu, qua “những đất tự do, những trời nô lệ”, mong tìm ra “thế đi đứng của toàn dân tộc” và để nói lên tiếng nói của người dân nô lệ đang quằn quại dưới ách cai trị của “mẫu quốc”.
Đó là một hành trình đầy dấn thân, mà từ đó Người đã tìm ra chân lý của sự thật, rằng “Dù có màu da khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà chỉ có một mối tình hữu ái thật mà thôi: Tình hữu ái vô sản”. Để khi Cách mạng Tháng Mười Nga 1917 bùng nổ và làm rung chuyển thế giới, thì âm vang của nó cũng đã tác động sâu sắc đến tư tưởng, nhận thức và thôi thúc Người nói lên tiếng nói đấu tranh. Ngày 18/6/1919, với tên gọi Nguyễn Ái Quốc, Người thay mặt Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, gửi tới Hội nghị Véc xây “Bản yêu sách của Nhân dân An Nam”. Bản yêu sách yêu cầu các nước tham dự Hội nghị Véc xây thừa nhận các quyền tự do, dân chủ và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam. Thế nhưng, bản yêu sách đã không được chấp nhận và do đó, bản chất giả dối, lừa bịp của “tự do”, “bình đẳng”, “bác ái” mà Pháp vẫn rao giảng cũng bị bóc trần.
Bước ngoặt quan trọng nhất trên hành trình tìm đường cứu nước của Người chính là “cuộc gặp lịch sử” giữa Nguyễn Ái Quốc với Chủ nghĩa Mác - Lênin, thông qua bản “Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” (hay Luận cương của Lênin). Từ những tư tưởng cơ bản của luận cương và thông qua “lăng kính” của chủ nghĩa yêu nước chân chính, Người đã tìm thấy con đường đúng đắn để giải phóng dân tộc ta khỏi ách đô hộ thực dân. “Cuộc gặp lịch sử” ấy càng thôi thúc Người tham gia công cuộc tranh đấu với nhiều hoạt động sôi nổi. Năm 1920, tại Đại hội Tua, Người tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Năm 1924, Người tham dự Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản và được chỉ định là Ủy viên Thường trực Bộ Phương Đông, trực tiếp phụ trách Cục Phương Nam. Năm 1925, Người tham gia thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức châu Á; xuất bản cuốn sách “Bản án chế độ thực dân Pháp”... Đặc biệt, để chuẩn bị cho việc thành lập Đảng Cộng sản tại Việt Nam, năm 1925 Người thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Quảng Châu (Trung Quốc) và Tổ chức Cộng sản Đoàn, đào tạo cán bộ để lãnh đạo Hội và truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam. Năm 1929, ba tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn ra đời tại Việt Nam. Được sự phân công của Quốc tế Cộng sản, ngày 3/2/1930 Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị thống nhất ba tổ chức trên, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Năm 1941, Người về nước triệu tập Hội nghị lần thứ 8 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, xác định đường lối đấu tranh giải phóng dân tộc. Đồng thời, chỉ đạo thành lập Hội Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh), tổ chức lực lượng vũ trang, xây dựng căn cứ địa cách mạng, lãnh đạo Nhân dân khởi nghĩa từng phần và tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 giành chính quyền trong cả nước. Ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, Người đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; tổ chức Tổng tuyển cử tự do trong cả nước, bầu Quốc hội và thông qua Hiến pháp dân chủ đầu tiên của Việt Nam. Quốc hội khóa I (năm 1946) Người được bầu làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đập tan âm mưu xâm lược của các thế lực thù địch, phản động, bảo vệ và giữ vững chính quyền cách mạng. Tại Đại hội lần thứ II của Đảng (năm 1951), Người được bầu làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc kháng chiến của Nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược đã giành thắng lợi vẻ vang, kết thúc bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” (năm 1954). Miền Bắc hoàn toàn giải phóng, Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch tiếp tục lãnh đạo Nhân dân ta thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam: Xây dựng CNXH ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ Nhân dân trong cả nước.
“Không có gì quý hơn độc lập, tự do”
Từ hành trình tìm đường cứu nước 30 năm, đến sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam - cơ quan đầu não của cách mạng Việt Nam; từ sáng lập Mặt trận Việt Minh, đến sự ra đời của quân đội Nhân dân Việt Nam - lực lượng tiến hành cách mạng; từ lãnh đạo Nhân dân tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền, đến lập ra một nhà nước mới - nhà nước của dân, do dân, vì dân; từ lãnh đạo Nhân dân tiến hành cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ chống Pháp, đến cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc..., có thể khẳng định, qua mỗi bước ngoặt lịch sử đều có vai trò đặc biệt quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh - con người của những quyết định lịch sử.
Như cách lý giải rất giàu hình ảnh và vô cùng sâu sắc của Stanley Karnow, tác giả cuốn sách nổi tiếng “Vietnam: A History”, thì cái tên Hồ Chí Minh mang hàm nghĩa là “Người mang lại ánh sáng” - thứ ánh sáng diệu kỳ tỏa ra từ đạo đức sáng ngời, từ chủ nghĩa yêu nước chân chính kết hợp nhuần nhuyễn với chủ nghĩa quốc tế vô sản. Cả cuộc đời cách mạng gần 80 năm, Người đã chiến đấu chống áp bức, bất công, đem lại cuộc sống ấm no cho Nhân dân, cho dân tộc, mưu cầu hạnh phúc cho nhân loại. Người đã hiến dâng cả cuộc đời cho dân tộc, cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Hồ Chí Minh không chỉ là một nhà tư tưởng lỗi lạc, mà còn là nhà hoạt động thực tiễn xuất sắc; không chỉ là một chính trị gia vĩ đại, mà còn là một nhà văn hóa kiệt xuất.
Cả cuộc đời Người đã dâng hiến cho dân tộc, với khao khát mãnh liệt là: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”. Chủ nghĩa thực dân - một trong những điều sỉ nhục lớn của loài người - đã đem xiềng xích, áp bức, đói nghèo, ngu dốt, bệnh tật... đè nặng lên số phận các dân tộc nhược tiểu. Giành lại tự do, độc lập là khát vọng cháy bỏng của các dân tộc bị áp bức trong thế kỷ XX. Hồ Chí Minh là một trong những biểu tượng cho ý chí và khát vọng đó. Người đã nêu lên một chân lý nổi tiếng: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Người được coi là một chiến sĩ đi tiên phong trong việc thức tỉnh dân tộc mình và các dân tộc bị áp bức vùng lên đấu tranh giành lại độc lập dân tộc và phẩm giá con người.
Trong lời giới thiệu cuốn “Hồ Chí Minh - một chân dung”, Charles Fenn đã viết: “Nếu chúng ta so sánh Hồ Chí Minh với các lãnh tụ nổi tiếng khác của thế kỷ XX, chúng ta không thể không có ấn tượng khi biết rằng trong một thời gian, Hồ Chí Minh đã đi đến nhiều nơi trên thế giới và đã bắt đầu in dấu ấn của mình lên các biến cố quốc tế trước khi cả Mao Trạch Đông, Găng đi, Nêru, Rudơven, Sớc sin hay Đờ Gôn được biết đến trên thế giới. Cuộc sống cá nhân mẫu mực, tính kiên định vì nền độc lập và tự do của Việt Nam, những thành quả phi thường của ông bất chấp sự khó khăn chồng chất, đã có thể đưa Hồ Chí Minh, trong sự phán xét cuối cùng của nhân loại, lên hàng đầu danh sách những lãnh tụ của thế kỷ XX”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, dân tộc ta, Nhân dân ta và vì hòa bình, tiến bộ xã hội trên thế giới. Người đã trải qua một cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hy sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ. Như khẳng định của cụ Bùi Bằng Đoàn khi nói về Người: “Thiết thạch nhất tâm phù chủng tộc/ Giang sơn vạn lý thủ thành trì/ Tri công quốc sự vô dư hạ/ Thao bút nhưng thành thoái lỗ thi” (Sắt đá một lòng vì chủng tộc/ Non sông muôn dặm giữ cơ đồ/ Biết Người việc nước không hề rảnh/ Vung bút thành thơ đuổi giặc thù).