Hồ Ba Bể - Viên ngọc xanh giữa đại ngàn Việt Bắc

 Hồ Ba Bể trong xanh bốn mùa.

Hồ Ba Bể trong xanh bốn mùa.

Vẻ đẹp kỳ ảo của hồ Ba Bể

 Hướng dẫn viên Đồng Thị Hòa giới thiệu cho du khách về giá trị tâm linh tại đền An Mạ thuộc Khu du lịch Ba Bể.

Hướng dẫn viên Đồng Thị Hòa giới thiệu cho du khách về giá trị tâm linh tại đền An Mạ thuộc Khu du lịch Ba Bể.

Trong chuyến hành trình khám phá hồ nước ngọt lớn nhất Việt Nam, MC Dương Hồng Phúc cùng ê-kíp chương trình “Check in Việt Nam” (phát sóng trên VTV2) đã thực hiện loạt phim “Sắc màu Ba Bể”. Ngay khi đặt chân đến, MC Hồng Phúc không khỏi ngỡ ngàng trước không khí trong lành, cảnh sắc hoang sơ và cảm nhận rõ rệt linh khí hội tụ từ đất trời nơi đây. Theo anh, hồ Ba Bể mang nét đẹp “có một không hai” với giá trị địa chất, địa mạo độc đáo, gắn liền với chiều sâu văn hóa, lịch sử và những huyền tích dân gian, tiêu biểu là câu chuyện về đảo Bà Góa giữa lòng hồ.

Trên mặt hồ xanh thẳm phủ sương mờ, thuyền độc mộc nhẹ lướt, hướng dẫn viên Đồng Thị Hòa của Khu du lịch Ba Bể say sưa kể về truyền thuyết hồ Ba Bể. Câu chuyện mang sắc màu huyền thoại, gắn với sự tích hai mẹ con bà góa dùng vỏ trấu hóa thuyền cứu người. Sau trận đại hồng thủy vùng đất hóa thành hồ, còn nền nhà của họ trở thành đảo Bà Góa. Tên gọi Ba Bể (theo tiếng Tày là Slam Pé) cũng từ đó mà nên, tượng trưng cho ba nhánh hồ Pé Lầm, Pé Lù, Pé Lèng hợp thành.

Mỗi sáng mùa xuân, mặt hồ phẳng lặng in bóng dãy núi đá vôi sừng sững, rừng cây xanh mướt đầy sức sống. Về mặt khoa học, hồ Ba Bể là kết quả của quá trình kiến tạo địa chất cuối kỷ Cambri, tạo nên khối nước khổng lồ rộng khoảng 500ha, dài hơn 08km, sâu trung bình từ 20 – 25m. Không chỉ mang giá trị cảnh quan, hồ còn là nơi sinh sống của nhiều loài thủy sinh quý hiếm, đồng thời là không gian gắn bó với cuộc sống văn hóa, sinh kế của đồng bào Tày, Nùng sinh sống ven hồ.

Hướng dẫn viên Đồng Thị Hòa cho biết: Năm 1995, hồ Ba Bể được công nhận là một trong 20 hồ nước ngọt đặc biệt của thế giới tại Hội nghị Hồ nước ngọt tổ chức tại Mỹ. Năm 2004, nơi đây trở thành Vườn di sản ASEAN và đến năm 2011, tiếp tục được công nhận là Khu Ramsar – vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế.

Ông Hoàng Ngọc Thấm, Giám đốc Ban Quản lý Khu du lịch Ba Bể chia sẻ: Hồ Ba Bể không chỉ là một thắng cảnh thiên nhiên mà còn là nguồn cảm hứng bất tận trong thi ca, hội họa. Đây là nơi mang đến cảm giác bình yên, thơ mộng cho du khách. Chúng tôi đang nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị thiên nhiên, văn hóa của hồ để phục vụ phát triển du lịch bền vững.

Tạo đà cho “viên ngọc xanh” tỏa sáng

 MC Dương Hồng Phúc (Đài Truyền hình Việt Nam) giới thiệu về điệu múa bát của Bắc Kạn tại Khu du lịch Ba Bể.

MC Dương Hồng Phúc (Đài Truyền hình Việt Nam) giới thiệu về điệu múa bát của Bắc Kạn tại Khu du lịch Ba Bể.

Nhằm biến tiềm năng thành động lực phát triển, Tỉnh ủy Bắc Kạn đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU về phát triển du lịch giai đoạn 2021–2025, định hướng đến năm 2030, xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó lấy hồ Ba Bể làm trọng tâm.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh đang tập trung triển khai nhiều giải pháp như: Đầu tư hạ tầng kỹ thuật, phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng, thiết lập các tuyến điểm, xây dựng kế hoạch quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực và đẩy mạnh kết nối giao thông. Các dự án hạ tầng lớn như đường thành phố Bắc Kạn – hồ Ba Bể – Na Hang (Tuyên Quang), đường vòng quanh hồ, đường Quảng Khê – Khang Ninh và đường Chợ Mới – thành phố Bắc Kạn đang được gấp rút triển khai. Trong đó, tuyến Bắc Kạn – Ba Bể dự kiến sẽ hoàn thành toàn tuyến trong quý II/2025, rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển từ Hà Nội đến hồ Ba Bể.

 Đua thuyền kayak trong sự kiện “Sắc thu hồ Ba Bể”.

Đua thuyền kayak trong sự kiện “Sắc thu hồ Ba Bể”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thanh Thủy, Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội nhận định: Hồ Ba Bể sở hữu vẻ đẹp nguyên sơ và giá trị đặc biệt, đủ sức hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, để “cất cánh”, khu vực này cần thêm những chính sách, cơ chế và nguồn lực mạnh mẽ hơn.

Hồ Ba Bể, “viên ngọc xanh” giữa đại ngàn, là niềm tự hào của người dân Bắc Kạn. Trong bối cảnh đất nước đang bước vào thời kỳ phát triển mạnh mẽ với nhiều đổi thay, viên ngọc ấy không chỉ cần được gìn giữ, mà còn phải được “mài giũa” để tỏa sáng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương./.

Xuân Nghiệp

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/ho-ba-be-vien-ngoc-xanh-giua-dai-ngan-viet-bac-post70059.html
Zalo