Hitachi trở lại đỉnh cao nhưng không phải nhờ điện lạnh
Hitachi đã nhanh chóng lấy lại vị thế của mình sau khi tập trung nguồn lực vào các công nghệ mới nổi như AI và năng lượng sạch.
Theo FT, Hitachi trở thành một trong những công ty hưởng lợi lớn nhất từ sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo và năng lượng sạch. Tập đoàn này nhanh chóng lọt vào top 5 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất Nhật Bản sau cuộc cải tổ mạnh mẽ.
Tập đoàn sản xuất 114 năm tuổi đã “đền đáp” các nhà đầu tư vì sự tin tưởng và ủng hộ quá trình chuyển đổi thành nhà cung cấp phần mềm công nghiệp, với vốn hóa thị trường tăng gấp 3 lần, chạm ngưỡng 118 tỷ USD.
Cú lột xác ngoạn mục
Hitachi từng đứng trên bờ vực phá sản vào năm 2009. Sau hơn một thập kỷ, công ty đang thực hiện các bước tiếp theo để đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng và tập trung vào lĩnh vực có tiềm năng phát triển tốt.
Ngày 16/12, Hitachi bổ nhiệm Toshiaki Tokunaga, một cựu quản lý với 34 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ làm giám đốc điều hành tiếp theo. Ông có nhiệm vụ duy trì động lực tăng trưởng cho các mảng chủ chốt của tập đoàn và mang về lợi nhuận tương xứng.
“Hitachi từng là một nhà sản xuất gặp nhiều khó khăn. Giờ đây, cổ phiếu của họ trở thành một loại tài sản có mức tăng trưởng tốt và được nhiều nhà đầu yêu thích”, Masakazu Takeda, Giám đốc đầu tư tại Sparx Asset Management cho biết.
Hiệu suất vượt trội của Hitachi đã làm nổi bật hướng đi khác nhau của các tập đoàn điện tử từng thống trị Nhật Bản, bao gồm Sony, Panasonic và Toshiba. Họ đều cố gắng thay đổi chiến lược sau khi chịu sự cạnh tranh gay gắt trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn và đồ tiêu dùng từ các đối thủ nước ngoài.
Từng được biết đến là nhà sản xuất mọi thứ, Hitachi đã thu hẹp quy mô và chỉ tập trung vào số hóa cơ sở hạ tầng cũng như mạng lưới điện.
“Các nhà đầu tư tin rằng kế hoạch tái cơ cấu tại Hitachi là có thật. Tiếp theo, chúng ta sẽ đưa câu chuyện này lên một tầm cao mới”, Chủ tịch Toshiaki Higashihara cho biết trong một cuộc phỏng vấn với FT.
Hitachi đã hợp nhất, giảm từ hơn 1.000 công ty con vào năm 2015 xuống 614 đơn vị ở thời điểm hiện tại. Trong đó, các bộ phận không đem lại lợi nhuận như hóa chất, máy móc xây dựng đã được bán lại với tổng giá trị khoảng 3.300 tỷ Yên (19,5 tỷ USD).
Số tiền thu về đã được Hitachi dành vào hoạt động tái đầu tư khi mua lại phần lớn mảng kinh doanh lưới điện của công ty ABB với giá 6,8 tỷ USD vào năm 2020 và nhà cung cấp phần mềm GlobalLogic với giá 9,6 tỷ USD một năm sau đó.
Trong năm 2024, lợi nhuận ròng của gã khổng lồ Nhật Bản dự kiến đạt 600 tỷ Yên (3,9 tỷ USD), gấp đôi mức trung bình trong thập kỷ trước, ngay cả khi doanh thu vẫn giữ nguyên.
Bí mật thành công của Hitachi
Một trong những chìa khóa thành công của Hitachi là sự thay đổi phong cách quản trị và Lumada, nền tảng IoT dành cho các nhà khai thác cơ sở hạ tầng. Bộ phận này chiếm 41% doanh thu của công ty trong năm nay, mặc dù chỉ mới được thành lập vào năm 2016.
Pelham Smithers, một nhà phân tích độc lập cho biết thay đổi trên rất đáng chú ý vì nó làm nổi bật sự đóng góp của mảng phân tích dữ liệu vào cú lột xác ngoạn mục của Hitachi.
“Những công ty như Tesla và Microsoft đã truyền bá cơ hội kiếm tiền từ dữ liệu. Hitachi là ví dụ điển hình cho cách tiếp cận đó tại Nhật Bản”, nhà phân tích Pelham Smithers nói.
Tuy vậy, một số nhà đầu tư đang thận trọng hơn khi giá cổ phiếu của Hitachi tăng mạnh trong khoảng thời gian gần đây. Họ cho biết doanh nghiệp này vẫn phải đối mặt với tình trạng chậm trễ và chi phí vượt quá mức, gây khó khăn cho các dự án kỹ thuật mới.
Ngoài ra, lượng đơn hàng tồn đọng ngày càng tăng trong mảng sản xuất máy biến áp và tàu điện cũng gây ra rủi ro lớn.
Bất chấp việc phần lớn nhân viên của Hitachi làm việc bên ngoài Nhật Bản và 62% doanh thu đến từ hoạt động kinh doanh ở nước ngoài, tập đoàn này vẫn phải bổ nhiệm CEO là người trong nước. Điều này phần nào minh chứng cho việc họ chưa sẵn sàng với một số cải cách nội bộ sâu rộng.
“Hitachi vẫn là một công ty Nhật Bản và có mối quan hệ sâu sắc với chính phủ. Nếu chúng tôi muốn vươn ra toàn cầu, tập đoàn sẽ cần một CEO là người nước ngoài. Tuy nhiên, điều đó phải mất nhiều năm nữa”, Chủ tịch Toshiaki Higashihara nói.