Hình thành những ngành công nghiệp mũi nhọn có khả năng cạnh tranh quốc tế
Chính phủ xác định triển khai 10 nhiệm vụ nhằm tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, đề cập nhiệm vụ hình thành các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn có năng lực cạnh tranh quốc tế.
Ngày 19/7/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 700/QĐ-TTg ban hành Danh mục nhiệm vụ triển khai Kế hoạch số 13-KH/TW ngày 28/11/2022 của Bộ Chính trị về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tại Quyết định, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã giao cho các Bộ ngành, địa phương liên quan triển khai thực hiện 10 nhiệm vụ chính để tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cụ thể:
Một, chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
Hai, xây dựng Luật Phát triển công nghiệp; trong đó lồng ghép các nhiệm vụ: Xây dựng tiêu chí để cơ cấu lại danh mục các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên giai đoạn năm 2021 - 2030 và giai đoạn 2031 - 2045; Rà soát, hoàn thiện các chính sách đối với các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên; Bố trí nguồn lực tương xứng để phát triển ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên;
Ba, nghiên cứu đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số;
Bốn, xây dựng Luật Năng lượng tái tạo;
Năm, xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp;
Sáu, chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tập trung vào phát triển công nghiệp trên nền tảng khoa học - công nghệ và hình thành các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn có năng lực cạnh tranh quốc tế;
Bảy, chương trình quốc gia về nâng cao năng lực độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường của nền sản xuất Việt Nam đến năm 2045;
Tám, chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035;
Chín, bộ tiêu chí đánh giá kết quả công nghiệp hóa, hiện đại hóa cấp quốc gia, cấp ngành và địa phương;
Mười, đề án thành lập Ủy ban Quốc gia về công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Ngày 28/11/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Kế hoạch số 13-KH/TW về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 17/11/2022), một số nhiệm vụ trọng tâm được nhấn mạnh, bao gồm:
Đẩy nhanh việc thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật chuyên ngành về phát triển công nghiệp quốc gia và các lĩnh vực công nghiệp đặc thù như công nghiệp công nghệ số, năng lượng tái tạo, điện lực, dầu khí, khoáng sản, công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp,...; các chiến lược, chương trình quốc gia, đề án liên quan về công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên.
Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện Nghị quyết 29 của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị. Kịp thời phát hiện, tuyên truyền, nhân rộng các mô hình mới, cách làm hay đạt hiệu quả cao, kịp thời chấn chỉnh những nơi làm chưa tốt trong quá trình thực hiện Nghị quyết.
Tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, toàn diện, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả Nghị quyết 29. Tăng cường đoàn kết, phát huy dân chủ; đổi mới mạnh mẽ tư duy; quyết tâm chính trị cao, có các giải pháp, lộ trình và phân công trách nhiệm cụ thể. Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; quyết tâm thực hiện thắng lợi toàn diện Nghị quyết,...