Hình thành chuỗi liên kết, phát triển hợp tác xã bền vững
Tổ chức liên kết sản xuất thông qua mô hình hợp tác xã (HTX) được coi là giải pháp quan trọng để các địa phương huy động nguồn lực xã hội và tận dụng lao động tại chỗ cho sản xuất, giảm khâu trung gian, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững.

Cây quế đem lại giá trị kinh tế cao cho nông dân tỉnh Yên Bái.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, việc xây dựng các mô hình sản xuất theo chuỗi không chỉ cho hiệu quả kinh tế cao mà còn giúp nông dân thay đổi phương thức sản xuất, kiểm soát nguồn gốc và gia tăng giá trị sản phẩm.
Những mô hình hiệu quả
Yên Bái là một trong những địa phương sớm hình thành liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp. Toàn tỉnh đã xây dựng thành công 7 vùng sản xuất tập trung, như: sản xuất cây nguyên liệu gỗ 90.000 ha; quế 81.000 ha; sơn tra 12.000 ha; cây ăn quả các loại 25.000 ha; măng tre Bát Độ 6.000 ha; cây dược liệu các loại hơn 3.000 ha… cung cấp nguyên liệu ổn định cho hơn 30 doanh nghiệp và hơn 600 HTX chế biến, tiêu thụ nông sản toàn tỉnh.
Thăm HTX Quế hồi Việt Nam tại xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên, được nghe giới thiệu về giá trị gia tăng từ liên kết chuỗi, chúng tôi mới hiểu quyết tâm và hướng đi táo bạo của ban quản trị HTX. Tận dụng lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cây dược liệu, HTX vận động bà con tham gia trồng quế theo tiêu chuẩn hữu cơ, cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm với giá cao hơn giá thị trường từ 6 đến 10%. Hiện HTX tạo việc làm cho khoảng 50-60 lao động thời vụ, bình quân thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng.
Giám đốc HTX Nguyễn Bá Mão cho biết, nhờ có vùng nguyên liệu ổn định, đơn vị đã xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm quế hữu cơ quy mô hơn 14.000 m2, công suất 80-100 tấn quế tươi/tháng, xuất khẩu sang các thị trường Ấn Độ, Trung Đông, Mỹ, EU, Nhật Bản... Từ mối liên kết chuỗi này, HTX kiểm soát tốt chất lượng nguyên liệu đầu vào, đa dạng hóa sản phẩm nhằm tăng sản lượng xuất khẩu.
HTX Rau an toàn Tứ Xã, huyện Lâm Thao (tỉnh Phú Thọ) cũng là mô hình thành công, khi xác định liên kết chuỗi chính là chìa khóa để phát triển bền vững. Thành lập gần 10 năm, đến nay HTX có hơn 50 thành viên và hơn 50 hộ liên kết sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Liên kết sản xuất với HTX, nông dân được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch sản phẩm đúng quy trình, hạn chế rủi ro về dịch bệnh. Rau được ký hợp đồng bao tiêu ổn định với các trường học, doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng tiện ích,... Giám đốc HTX Nguyễn Văn Nghĩa cho biết, liên kết chuỗi giúp thay đổi nhận thức và cách thức sản xuất từ truyền thống sang hiện đại, từ đó nâng cao giá trị nông sản cho bà con.
Đa dạng nhiều hình thức liên kết
Để thúc đẩy hình thành mô hình liên kết sản xuất, chính quyền các địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ người dân; HTX thực hiện dồn điền đổi thửa, tích tụ tập trung ruộng đất, đồng thời đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại, giới thiệu các nông sản chủ lực, sản phẩm OCOP của địa phương tới người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Tỉnh Yên Bái đã hỗ trợ 21 dự án liên kết chuỗi giá trị, như: dự án hỗ trợ chăn nuôi cho hơn 100 cơ sở, tổng vốn hơn 24 tỷ đồng; hỗ trợ trồng, chăm sóc 1.425 ha rừng theo hướng bền vững (hơn 60 tỷ đồng)... Tại Phú Thọ, chỉ riêng năm 2024, ngân sách tỉnh đã hỗ trợ 8 dự án liên kết sản xuất với tổng số vốn 42,6 tỷ đồng. Qua đó, sản phẩm liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản đã đóng góp khoảng 5,5% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh.
Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam Đào Thế Anh khẳng định, việc tạo chuỗi liên kết với vai trò kết nối của HTX trong nông nghiệp là quy luật tất yếu của thị trường; giúp người nông dân, HTX và doanh nghiệp khai thác hiệu quả nguồn lực nội tại, nâng cao chất lượng nông sản và khả năng cạnh tranh khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Để liên kết chuỗi phát triển bền vững cần thúc đẩy hỗ trợ vốn cho HTX, ngay cả các HTX quy mô nhỏ cũng nên có chương trình hoạt động cụ thể.
Phát triển kinh tế tập thể, HTX được coi là tiền đề quan trọng để các chính sách an sinh xã hội ở địa phương được đẩy mạnh. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị ở địa phương đã giúp HTX phát huy vai trò tập hợp, hỗ trợ bà con thay đổi tư duy làm nông nghiệp theo hướng bền vững; từng bước áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập. Cục trưởng Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn Lê Đức Thịnh cho rằng, nhiều chương trình, dự án đã được triển khai hiệu quả, vì thế HTX đang trở thành một “địa chỉ” tin cậy để các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, Chính phủ đến gần hơn với người dân. Nhiều chuyên gia kinh tế khuyến cáo, để các chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai thực chất, hiệu quả và bền vững thì cần phát huy hơn nữa vai trò liên kết của tổ chức kinh tế tập thể, HTX.
Ông Thịnh cũng nhấn mạnh, nhờ sự xuất hiện của các HTX đã giúp cho các chương trình của nhà nước đầu tư hiệu quả hơn trong định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp. HTX được nhìn nhận sẽ có vai trò quan trọng để kết nối, hỗ trợ gần 10 triệu hộ nông dân nước ta tham gia sâu và có đóng góp quan trọng vào quá trình chuyển đổi xanh trong nông nghiệp. Đây cũng là một trong những định hướng quan trọng được Chính phủ đưa ra tại Diễn đàn Hợp tác xã Quốc gia 2025.
Xây dựng chuỗi liên kết đang chứng minh tính ưu việt trong phát triển kinh tế nông thôn. Với những gì ngành nông nghiệp hiện có từ liên kết chuỗi, đòi hỏi sự đa dạng trong lĩnh vực, ngành nghề, cơ quan quản lý nhà nước có cơ sở đưa ra các dự báo về nhu cầu thị trường; từ đó giảm rủi ro cho người sản xuất, nhà phân phối và doanh nghiệp khi thị trường trong nước, xuất khẩu nhiều biến động.