Hình phạt tử hình: Chưa thể bỏ hết, cần có quá trình vận động, thuyết phục

Việc sửa Bộ luật Hình sự theo hướng tiếp tục giảm hình phạt tử hình là phù hợp với xu thế tiến bộ chung của nhân loại.

Bộ Công an đang chủ trì nghiên cứu, tham mưu sửa đổi Bộ luật Hình sự. Tiến độ dự án luật này đang được đẩy lên rất nhanh, với một số sửa đổi lớn như giảm bớt số tội danh có mức án cao nhất là tử hình, đồng thời bổ sung hình phạt tù chung thân không xem xét giảm án. Chiều 22-4, Trường Đại học Luật thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức buổi tọa đàm xung quanh chủ đề này.

 Tọa đàm về hình phạt tử hình và hình phạt tù chung thân trên thế giới và những giá trị tham khảo cho Việt Nam, được tổ chức tại Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội, ngày 22-4.

Tọa đàm về hình phạt tử hình và hình phạt tù chung thân trên thế giới và những giá trị tham khảo cho Việt Nam, được tổ chức tại Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội, ngày 22-4.

Thực tiễn quốc tế…

Giới thiệu tổng quát về thực tiễn quốc tế, GS Vũ Công Giao cho biết các nghiên cứu trên thế giới đều thống nhất rằng hình phạt tử hình là hình phạt nghiêm khắc nhất, khi tước bỏ tính mạng, quyền sống, quyền thiêng liêng của con người. Hình phạt tử hình khi đã áp dụng và thi hành thì không thể phục hồi, nếu sau đó phát hiện có oan, sai.

Những nước còn duy trì hình phạt này cho rằng hình phạt tử hình có hiệu quả răn đe vượt trội so với các hình phạt khác. Ngược lại, các nước đã bỏ hình phạt tử hình cũng như các phong trào vận động bãi bỏ hình phạt này thì cho rằng không có căn cứ nào cho thấy duy trì hình phạt tử hình thì tội phạm ít hơn.

Ở khía cạnh ràng buộc quốc tế, Công ước quốc tế về các quyền dân sự chính trị năm 1966 (ICCPR, Việt Nam là một bên tham gia) khuyến cáo hình phạt tử hình chỉ nên áp dụng với tội nghiêm trọng nhất, nhưng không giải thích kỹ hơn. Đến năm 2018, Hội đồng Nhân quyền của Liên Hợp Quốc (LHQ) – cơ quan theo dõi việc thực thi ICCPR đưa ra bình luận chung, trong đó khuyến cáo hình phạt tử hình chỉ áp dụng với tội giết người có chủ ý, đồng thời nói rõ không nên áp dụng với các tội về kinh tế, tội phạm phi bạo lực, không áp dụng tử hình với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mang thai, người tâm thần…

Về thực tiễn quốc tế, đến nay có 112 quốc gia xóa bỏ hoàn toàn hình phạt tử hình, 32 nước vẫn còn quy định trong luật nhưng trên thực tế không áp dụng. Còn trong khu vực ASEAN, Campuchia, Philippines, Timor Leste đã bỏ hoàn toàn; Brunei, Lào, Myanmar đã bỏ trên thực tế 10 năm nay; còn lại Việt Nam, Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan vẫn còn tuyên án và thi hành án…

Trong bối cảnh toàn cầu và khu vực như vậy, GS Vũ Công Giao đánh giá việc Việt Nam sửa BLHS theo hướng giảm bớt hình phạt tử hình là phù hợp với xu thế chung.

… và diễn biến chính sách hình sự trong nước

Còn về tình hình trong nước, PGS Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao, nguyên Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương cho biết trong thời chiến, pháp luật hình sự quy định rất nhiều tội có hình phạt cao nhất là tử hình. Sang thời bình, pháp luật được hoàn thiện dần, nhưng hình phạt tử hình vẫn được quy định nhiều, như trong BLHS 1985 là với 44 tội danh, đến năm 1999 còn 29 tội.

Quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền, nhận thức về tội phạm và hình phạt cũng như chính sách hình sự tiến bộ hơn. Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị năm 2005 về cải cách tư pháp ra đời đã thúc đẩy nhận thức mới, tiến bộ hơn, trong đó yêu cầu “hạn chế áp dụng hình phạt tử hình theo hướng chỉ áp dụng đối với một số ít loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”.

Theo ông Độ, Hiến pháp 2013 ra đời sau đó đã đặt vấn đề quyền con người ở vị trí rất cao, làm cơ sở cho việc sửa đổi luật hình sự, tố tụng hình sự theo hướng giảm chỉ còn 18 tội có hình phạt tử hình, đồng thời quy trình, thủ tục tuyên án tử hình, rà soát, kiểm tra, trước khi ra quyết định thi hành án chặt chẽ hơn rất nhiều.

“Số tội có quy định hình phạt tử hình vẫn nhiều, nhưng tuyên án trên thực tế nằm ở các tội giết người, ma túy, tham nhũng. Những năm gần đây có tuyên án tử hình với người phạm tội tham nhũng; hiếp dâm trẻ em cũng có án tử hình, nhưng đều là hiếp rồi giết, tức vẫn về tội giết người” – ông Độ cho biết.

Về thi hành án tử hình, vừa là người hoạt động thực tiễn, vừa là chuyên gia đầu ngành về tư pháp hình sự, PGS Trần Văn Độ cho biết sau khi sửa luật tố tụng năm 2015 thay đổi hình thức thi hành án từ xử bắn sang tiêm thuốc nhân đạo hơn, thì mất hai năm đầu lúng túng.

“Lúc đó chúng ta nghĩ đơn giản, nhưng khi nhập thuốc thì bị từ chối vì người ta nói thuốc sản xuất ra để cứu người chứ không phải để giết người. Sau đó ta tự nghiên cứu sản xuất được” – ông chia sẻ.

Dù vậy, ông cho biết chi phí thi hành án tử hình rất tốn kém. Việc thi hành án bằng tiêm thuốc đòi hỏi phải đầu tư các nhà thi hành án theo cụm, cùng với đó là đội ngũ chuyên môn. Mỗi lần thi hành án đều phải tổ chức dẫn giải, cần nhiều nhân lực. Tổng chi phí thi hành một bản án tử hình có thể lên tới 300 triệu đồng.

 PGS Trần Văn Độ chia sẻ việc mình đã mạnh dạn không tuyên hình phạt tử hình trong một vụ án đặc biệt nghiêm trọng mà ông là thẩm phán chủ tọa.

PGS Trần Văn Độ chia sẻ việc mình đã mạnh dạn không tuyên hình phạt tử hình trong một vụ án đặc biệt nghiêm trọng mà ông là thẩm phán chủ tọa.

Là người kiên trì vận động cải cách tư pháp, PGS Trần Văn Độ cho rằng hậu quả xã hội của hình phạt tử hình cần nhìn rộng, không chỉ với tử tù mà cả gia đình, dòng họ. “Gia đình, dòng họ có người thân bị tử hình thì không dám ngước mặt lên, con cái cũng không còn ý chí phấn đấu”.

Còn về hiệu quả và tính răn đe, ông nói: “Hơn 30 năm làm công tác tòa án thấy hình phạt tử hình chẳng giải quyết vấn đề gì cả. Khi nào xét xử các bị cáo về tội danh có hình phạt tối đa là tử hình tôi đều hỏi khi phạm tội họ có nghĩ là sẽ bị tử hình không? Họ đều nói là không biết. Mà không biết, không nghĩ đến thì hình phạt làm gì còn tính răn đe”.

Cần vượt qua tâm lý nhạy cảm

Từ góc độ lý luận, GS Võ Khánh Vinh lưu ý hình phạt tử hình không chỉ là vấn đề pháp lý, hình sự mà còn được quan sát, phân tích ở khía cạnh chính trị, nhân văn, tôn giáo, văn hóa. Tử hình không chỉ là vấn đề của pháp luật hình sự mà còn của luật tố tụng, luật về thi hành án.

Vậy nên, định hướng sửa BLHS giảm bớt hình phạt tử hình là rất đáng ủng hộ, nhưng cần nghiên cứu đa ngành, liên ngành mới toàn diện được. Cùng với đó, cần đồng thời với rà soát tổng thể pháp luật liên quan, chính sách hình sự liên quan, tố tụng và thi hành án.

Về những ý kiến rằng nhân lần sửa luật này, nên bỏ hẳn hình phạt tử hình, GS Trần Văn Độ cho rằng rất khó. “Xã hội ta vẫn nặng tâm lý trả thù. Như vụ Lê Văn Luyện giết người dã man, có đại biểu quốc hội thậm chí còn đề nghị sửa luật để có thể tử hình người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng khi mới 16 tuổi”.

GS Vũ Công Giao, người rất muốn bỏ hình phạt tử hình cũng thừa nhận khó khăn này. Ông cho biết năm 2009 ông từng triển khai một dự án nghiên cứu về hình phạt tử hình. Một bảng câu hỏi điều tra dư luận được thiết kế kỹ lưỡng, nhưng đưa ra các chuyên gia phản biện thì đều được nhận xét là hỏi như vậy thì không ai trả lời đâu. “Người dân vẫn công lý báo thù, ăn miếng trả miếng lắm” – ông Giao nói.

Còn GS Võ Khánh Vinh cho rằng cần vận động, thúc đẩy để các cơ quan chức năng tự tin, cởi mở hơn, công khai hơn các thảo luận về chính sách hình sự, trong đó có vấn đề hình phạt tử hình.

Cho đến nay, nhìn chung cơ quan chức năng vẫn cho rằng là nhạy cảm, nên không có những nghiên cứu khoa học thực chứng. Chẳng hạn không có những báo cáo thống kê về số lượng bản án tuyên hình phạt tử hình, tình hình thi hành án, tương quan giữa án tử hình với các hình phạt khác.

Ông nói: “Hình phạt tử hình bị nhạy cảm hóa, trở thành vấn đề chính trị. Chúng ta muốn cải cách thì phải vượt lên chính mình. Làm sao để rồi có thể tự tin công khai như các nước, tạo điều kiện cho các thảo luận khoa học và thậm chí xã hội. Qua đó có thể thúc đẩy nhận thức tiến bộ, vị tha, nhân văn hơn trong chính sách hình sự nói chung, bao gồm hình phạt tử hình”.

Nghĩa Nhân

Nguồn PLO: https://plo.vn/hinh-phat-tu-hinh-chua-the-bo-het-can-co-qua-trinh-van-dong-thuyet-phuc-post846094.html
Zalo