Hình ảnh cao khiết và đẹp đẽ đích thực của đạo Phật

Thế hệ chúng ta phải đảm nhiệm trọng trách hiện đại hóa Phật giáo, thổi những luồng sinh khí mới vào cho đạo Phật để đạo Phật còn mãi là đạo Phật.

Tiếp nối thực hiện và khơi mở dòng sinh lực ấy là chúng ta thực hiện được hoài bão của chư Phật, được gần gũi với chư Phật hơn bao giờ hết và như thế chúng ta mới xứng đáng là người con của Đức Phật.

 Ảnh: Nicolas Postiglioni.

Ảnh: Nicolas Postiglioni.

Hãy can đảm nhìn thẳng vào sự thực, can đảm nhận thức những thực trạng không tốt đẹp, can đảm phát đại nguyện ly khai danh vọng, quyền lợi, dứt bỏ thành kiến và từ chối tâm niệm cầu an, để có thể tự nhận sứ mệnh hoằng dương Phật giáo một cách hăng hái và chân thành.

Đạo lý để giải quyết hiện thực khổ đau

Những học giả nghiên cứu về Phật học đã đồng ý với nhau rằng đạo Phật là một đạo lý hướng dẫn con người trong công việc giải quyết những vấn đề trọng đại của sự sống, nhất là vấn đề khổ đau. Edwand Conze, giáo sư triết học tại Đại học đường Londre, đã nói tới đạo Phật như một chủ nghĩa thực dụng.

Đức Phật đã từ chối không đưa các đệ tử đi sâu vào những suy luận siêu hình viển vông vô ích, và đã đưa mọi người trở về cuộc sống hiện thực để giải quyết những khổ đau hiện thực. Khổ đau là một thực tại quá hiển nhiên, quá to lớn; con người không có thể nhắm mắt phủ nhận nó để đi giải quyết những vấn đề xa xôi bằng một công cụ trí thức kém cỏi bao phủ bởi những từng lớp vô minh và dục vọng tích tập bao đời bao kiếp.

Hình ảnh của những vị Tăng sĩ sống một cuộc đời khổ hạnh, tam thường bất túc, mang bình bát đi sâu vào thôn lạc, vào sự sống của quần chúng, hình ảnh của những Đức Bồ tát như Trì Địa, Quan Thế Âm, Địa Tạng, Thường Bất Khinh với ý thức rõ rệt về những khổ đau của kiếp người và về bổn phận phụng sự và khai thị đạo lý giải thoát giác ngộ cho nhân loại, là những hình ảnh linh động nhất của đạo Phật trong buổi ban đầu của lịch sử Phật giáo.

Qua sự tôn sùng của quần chúng, những hình ảnh ấy bây giờ đã trở nên thiêng liêng quá và xa cách con người quá. Các bậc Bồ tát kia hầu như đã trở nên những vị thần linh đẹp đẽ với đầy đủ quyền lực thiêng liêng. Người tín đồ bây giờ nhận thức các Ngài qua những bức tranh diễn tả những dung mạo tuyệt vời, những xiêm y đẹp đẽ, những châu ngọc quý giá đeo đầy vai đầy cổ.

Cố nhiên tôn sùng hình thức phải đưa đến chỗ thần quyền hóa và mỹ lệ hóa như vậy. Nhưng kỳ thực, các vị ấy là những con người giản dị nhất, nghèo nàn nhất và với lòng thương và trí tuệ của những con người đã tự thực hiện Phật chất gần gũi chúng ta nhất. Hãy nghĩ đến Đức Trì Địa Bồ tát với manh áo nâu giản dị đang bắc lại một chiếc cầu tre vừa bị nước lụt cuốn đi.

Hãy hình dung Đức Địa Tạng Bồ tát sống trong cảnh tối tăm của thế giới u tối để gần gũi và cứu độ cho những con người khổ đau sa đọa. Ta hãy liên tưởng đến những người thợ đang cặm cụi làm việc trong các hầm mỏ, tay cầm đèn, tay cầm dụng cụ. Và hãy liên tưởng đến những người sống trọn đời trong thế giới của những người đau bệnh cầu mong làm nhẹ một phần nào những khổ đau to lớn của cuộc đời.

Hãy nghĩ đến hình bóng một con người trì chí, nhẫn nại, đi khắp hang cùng ngõ hẻm, sơn lâm thành thị, để khai thị cho con người biết khả năng vô biên sẵn có của họ: "Tôi không dám khinh Ngài, Ngài sẽ thành Phật."

Hình ảnh của Bồ tát Thường Bất Khinh là hình ảnh của một con người đã tìm ra được kho vàng và hân hoan đi mách bảo cho mọi người nghèo khổ hãy lấy về chi dụng; dù bị mọi người chửi mắng đánh đập, vẫn không lấy làm khổ nhục. Hãy nghĩ đến Đức Bồ tát Quan Thế Âm, một con người luôn luôn có mặt bên cạnh những đau khổ của con người, có mặt để tìm cách an ủi và cứu độ.

Những hình ảnh ấy đẹp tuyệt vời trong giá trị đạo đức và nhân bản của nó, nhưng chúng ta có thể vì chỉ biết tôn sùng hình thức nên đã không thể nhập được một cách thâm thiết. Những hình ảnh ấy phải ngự trị trên ngai vàng của tâm hồn ta, đơn sơ nhưng cao khiết và đẹp đẽ.

Có sự hiện diện của những hình ảnh ấy trong tâm hồn ta, ta sẽ để lòng rung động theo một niềm cảm thương vô biên; niềm cảm thương này sẽ biến cải ta trọn vẹn và đưa ta đến vũ trụ cao khiết của thông cảm, của yêu thương và của hy sinh.

Thích Nhất Hạnh/Thaihabooks/NXB Văn hóa dân tộc

Nguồn Znews: https://znews.vn/hinh-anh-cao-khiet-va-dep-de-dich-thuc-cua-dao-phat-post1485336.html
Zalo