Hiểu về hạnh phúc

Hạnh phúc không chỉ là cảm giác thoáng qua mà là một trạng thái sâu sắc, được xây dựng từ sự hòa hợp giữa bản thân, cộng đồng và thiên nhiên.

Giữa nhịp sống hiện đại, hạnh phúc ngày càng trở thành một chủ đề được bàn luận nhiều hơn. Có người định nghĩa hạnh phúc là những niềm vui nhỏ bé hàng ngày, có người lại tìm kiếm một trạng thái tinh thần sâu sắc và trường tồn.

Qua các cuộc hội thảo với khoảng một trăm các nhà nghiên cứu, học giả uy tín từ khắp nơi trên thế giới khi GS.TS Hà Vĩnh Thọ còn làm Giám đốc Chương trình Trung tâm Tổng hạnh phúc quốc gia của Bhutan, ông chỉ ra, hạnh phúc thực sự được tìm thấy trong sự hài hòa của ba yếu tố, tạo nên nền tảng cho một cuộc sống tốt đẹp, có ý nghĩa, vượt qua những cảm xúc thoáng qua.

GS. TS Hà Vĩnh Thọ, Nguyên Giám đốc Chương trình Trung tâm Tổng hạnh phúc quốc gia của Bhutan. Ảnh: Hoàng Anh

GS. TS Hà Vĩnh Thọ, Nguyên Giám đốc Chương trình Trung tâm Tổng hạnh phúc quốc gia của Bhutan. Ảnh: Hoàng Anh

Yếu tố thứ nhất là sống hòa hợp và quan tâm đến bản thân. Điều này có nghĩa là sống đúng với các giá trị, ý tưởng và khát vọng cao nhất của mình. Nó bao gồm việc biết cách quản lý cảm xúc khó khăn và phát triển các đặc điểm tích cực.

Hai là sống hòa hợp và quan tâm đến người khác và xã hội. Những mối quan hệ mạnh mẽ, dựa trên sự tin tưởng với gia đình, đồng nghiệp và xã hội là nền tảng cho một cuộc sống viên mãn.

Ba là sống hòa hợp và quan tâm đến thiên nhiên và hành tinh. Trong bối cảnh khủng hoảng sinh thái hiện nay, việc sống cân bằng với hành tinh là điều cần thiết vì sự tồn tại của con người gắn liền với sức khỏe của hệ sinh thái.

Theo ông Thọ, định nghĩa về một mối quan hệ tốt đẹp có thể được hiểu khác nhau tùy thuộc vào từng nền văn hóa. Ở các xã hội phương Tây, trọng tâm có thể đặt nhiều hơn vào cá nhân. Ngược lại, các xã hội truyền thống như châu Á hoặc châu Phi thường nhấn mạnh vào sự an lành của cộng đồng.

Cả hai khía cạnh này đều quan trọng và việc tìm kiếm sự cân bằng giữa chúng là vô cùng cần thiết. Cách thức đạt được sự cân bằng này có thể khác nhau tùy thuộc vào văn hóa, nhưng cả sự an lành cá nhân và cộng đồng đều quan trọng. Nếu hy sinh hoàn toàn bản thân để phục vụ người khác thì sẽ không hiệu quả. Tương tự, nếu chỉ chú trọng vào bản thân mà quên đi người khác thì cũng không mang lại kết quả tốt đẹp.

Trong các xã hội phương Đông, sự kết nối với thiên nhiên đã ăn sâu vào văn hóa. Họ coi cây cối, núi non và sông ngòi như những thực thể sống. Ngược lại, các xã hội phương Tây thường xem thiên nhiên như những vật thể không có sự sống. Tuy nhiên, ngay cả ở phương Tây, nếu không học cách sống hòa hợp với thiên nhiên, con người cũng sẽ tự gây hại cho chính mình.

Do đó, dù có sự khác biệt về văn hóa, ba khía cạnh cơ bản của hạnh phúc vẫn luôn cần được cân bằng.

Người lao động tham gia hoạt động team-building. Ảnh: Vạn Đắc Phúc

Người lao động tham gia hoạt động team-building. Ảnh: Vạn Đắc Phúc

Thu hẹp phạm vi để so sánh điều này ở Bhutan và Việt Nam, những nơi mà vị giáo sự đã rất thành công trong việc triển khai các dự án có ứng dụng Tổng hạnh phúc quốc gia, ông cho rằng, điều khác biệt nằm ở lịch sử và quy mô quốc gia. Bhutan là một đất nước rất nhỏ, với dân số chưa đến 1 triệu người, trong khi Việt Nam có dân số khoảng 100 triệu. Bhutan nổi tiếng là một quốc gia hòa bình và không có chiến tranh trong lịch sử hiện đại, trong khi Việt Nam đã trải qua nhiều cuộc đấu tranh lịch sử.

Tuy vậy, cả hai nước đều có những giá trị chung, vì đều chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của truyền thống Phật giáo. Dù nền kinh tế phát triển theo những cách rất khác nhau, Bhutan và Việt Nam không có sự khác biệt lớn về văn hóa và chuẩn mực xã hội. Khi tôi nói về khái niệm hạnh phúc quốc gia tổng thể ở Việt Nam, hầu như mọi người đều đón nhận một cách dễ dàng, không gặp phải nhiều sự phản đối hay khó khăn trong việc tiếp thu ý tưởng này.

“Gần đây, chúng tôi tổ chức một hội thảo lớn ở Bhutan về Tổng hạnh phúc quốc gia trong lĩnh vực giáo dục. Đoàn đại biểu lớn nhất đến từ Việt Nam với hơn 70 người, trong khi các quốc gia khác chỉ có một vài người tham gia. Tôi thấy rằng người Việt Nam khá dễ dàng hiểu và đồng cảm với các ý tưởng về Tổng hạnh phúc quốc gia”, ông cho biết.

Điều này có thể bắt nguồn từ việc Việt Nam đã có sự phát triển kinh tế nhanh chóng và thành công đáng kể trong bối cảnh toàn cầu hóa. Nhưng đồng thời, nhiều người bắt đầu tự hỏi "Chúng ta đã mất đi những gì".

Việt Nam đã có sự phát triển kinh tế nhanh chóng và thành công đáng kể trong bối cảnh toàn cầu hóa. Nhưng đồng thời, nhiều người bắt đầu tự hỏi "Chúng ta đã mất đi những gì?".

GS.TS Hà Vĩnh Thọ, Nguyên Giám đốc Chương trình Trung tâm Tổng hạnh phúc quốc gia của Bhutan.

Mặc dù sự phát triển thể hiện rõ ràng qua các tòa nhà cao tầng, đường cao tốc, và mức sống được cải thiện, nhưng nhiều người vẫn cảm thấy những giá trị, mối quan hệ gia đình, và ước mơ đã bị đánh mất. Ông Thọ ngạc nhiên trước mong muốn mãnh liệt của mọi người trong việc tìm lại những giá trị đó.

Lý giải mong muốn đi tìm câu trả lời mãnh liệt của họ, ông Thọ cho rằng, sự phát triển vật chất có vai trò quan trọng. Tuy nhiên, hạnh phúc thực sự đến từ việc cân bằng giữa việc đáp ứng các nhu cầu vật chất và các nhu cầu phi vật chất như tâm lý, cảm xúc và tinh thần.

Nếu các nhu cầu vật chất không được đáp ứng, như thiếu thốn đồ ăn thức uống, thì không thể nào hạnh phúc được. Nhưng ngay cả khi những nhu cầu này đã được thỏa mãn, hạnh phúc vẫn còn xa vời khi còn nhiều nhu cầu khác chưa được quan tâm, chẳng hạn như an toàn về mặt cảm xúc, chất lượng của các mối quan hệ, giá trị và lý tưởng cao cả. Những điều này lại thường bị lãng quên.

“Khi quá tập trung vào nhu cầu vật chất, chúng ta có thể bỏ qua nhu cầu tâm lý và tinh thần, dẫn đến cảm giác trống rỗng. Dù làm việc chăm chỉ và hưởng thụ tiện nghi, cuộc sống vẫn có thể thiếu sự thỏa mãn thực sự”, vị giáo sư nhận định.

Đây là một hiện tượng khá mới mẻ. Thế hệ trước bận rộn chiến đấu và xây dựng đất nước, không có thời gian tự hỏi những thứ sâu xa. Nhưng ngày nay, nhiều người trẻ, dù đã đủ đầy về vật chất và giữ vị trí cao trong xã hội, đang tìm kiếm điều gì đó sâu sắc hơn.

Theo GS.TS Hà Vĩnh Thọ, dù làm việc chăm chỉ và hưởng thụ tiện nghi, cuộc sống vẫn có thể thiếu sự thỏa mãn thực sự. Ảnh: Hoàng Anh

Theo GS.TS Hà Vĩnh Thọ, dù làm việc chăm chỉ và hưởng thụ tiện nghi, cuộc sống vẫn có thể thiếu sự thỏa mãn thực sự. Ảnh: Hoàng Anh

Khi được hỏi “chúng ta đã quên mất điều gì trên hành trình hướng đến một xã hội hạnh phúc và thịnh vượng”, ông Thọ nhấn mạnh tầm quan trọng của chỉ số Tổng hạnh phúc quốc gia.

Vị vua thứ tư của Bhutan từng nhấn mạnh, Tổng hạnh phúc quốc gia (GNH) quan trọng hơn Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Ý tưởng này tuy đơn giản nhưng vô cùng sâu sắc: tăng trưởng kinh tế và phát triển công nghệ chỉ là phương tiện, không phải là mục tiêu cuối cùng. Mục tiêu cuối cùng mà mọi người hướng đến là một cuộc sống hạnh phúc và thịnh vượng, và tiền bạc chỉ là một trong những công cụ để đạt được điều đó.

Tuy nhiên, sai lầm mà xã hội hiện đại thường mắc phải là nhầm lẫn giữa phương tiện và mục đích, coi tăng trưởng kinh tế như là mục đích cuối cùng, coi GDP là thước đo duy nhất cho sự thành công của xã hội.

Nhưng nếu nhìn vào thực tế, lấy Hoa Kỳ làm ví dụ thì tăng trưởng kinh tế liên tục trong khi hạnh phúc và sự thịnh vượng của người dân lại không tăng tương ứng. Thực tế, trong những năm gần đây, mức độ hạnh phúc của đã giảm, dẫn đến sự thất vọng và tức giận vì người ta không cảm thấy hạnh phúc hơn dù kinh tế có phát triển.

Trong một bài phát biểu năm 1968, Robert Kennedy từng nhấn mạnh: “GDP đo lường mọi thứ một cách nhanh gọn, ngoại trừ những gì làm cho cuộc sống trở nên đáng giá”. GDP bỏ qua sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, suy thoái môi trường, bất bình đẳng thu nhập và các vấn đề liên quan. GDP cũng không tính đến các hoạt động phi tài chính của con người cần thiết cho hạnh phúc như tình bạn, tình yêu, đi bộ trong thiên nhiên. Nó cũng bỏ qua các công việc không được trả lương như nội trợ hay làm tình nguyện.

Năm 2011, chính phủ Bhutan đã trình bày khái niệm Tổng hạnh phúc quốc gia tại Liên Hợp Quốc, và một nghị quyết đã được thông qua mang tên "Hạnh phúc và thịnh vượng: Hướng tới một mô hình phát triển mới". Vào năm 2012, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đã yêu cầu Bhutan tổ chức một cuộc họp cấp cao để triển khai khái niệm này.

Chỉ số Tổng Hạnh phúc quốc gia được dùng để đánh giá các điều kiện tạo nên hạnh phúc ở cả cấp độ quốc gia lẫn doanh nghiệp. Dù không thể đo lường hạnh phúc một cách trực tiếp, nhưng các yếu tố đóng góp vào nó có thể đo lường. Chín lĩnh vực được tập trung bao gồm: an lạc tinh thần, sức khỏe thể chất, sử dụng thời gian, giáo dục, bảo tồn và đa dạng văn hóa, sức sống cộng đồng, quản trị tốt, bảo tồn và đa dạng sinh thái, mức sống.

Đặng Hoa

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/hieu-ve-hanh-phuc-d38912.html
Zalo