Hiệu ứng từ việc FED cắt giảm lãi suất

Như đã đưa tin, sau hơn 4 năm, lần đầu tiên Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định cắt giảm lãi suất qua đêm với mức cắt giảm gấp đôi dự báo của giới phân tích, gây bất ngờ cho thị trường. Động thái này ngay lập tức đã gây ra hiệu ứng lan tỏa không chỉ đối với nền kinh tế Mỹ mà còn đối với nhiều quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.

Câu chuyện thời điểm

Fed có 2 nhiệm vụ theo luật định. Nhiệm vụ đầu tiên yêu cầu phải thực hiện các hành động cần thiết để duy trì Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) - thước đo lạm phát - ở mức 2% hàng năm. Nhiệm vụ thứ hai là thực hiện các biện pháp cần thiết để duy trì tỷ lệ việc làm ở mức tối đa (mặc dù ngân hàng trung ương không đưa ra mục tiêu tỷ lệ thất nghiệp, nhưng con số này được duy trì ở mức 4 - 4,5%). Sự kết hợp của các yếu tố liên quan đến đại dịch, bao gồm các biện pháp kích thích của chính phủ Mỹ, lãi suất thấp kỷ lục và sự gián đoạn chuỗi cung ứng đã đẩy CPI hàng năm lên mức cao nhất trong 40 năm là 8% vào năm 2022. Điều này đã thúc đẩy một trong những chiến dịch tăng lãi suất mạnh mẽ nhất trong lịch sử của Fed, đưa lãi suất quỹ liên bang lên mức cao nhất trong 2 thập kỷ là 5,33% vào tháng 8/2023 và duy trì ở mức này cho đến ngày 18/9.

Chủ tịch FED Jerome Powell lý giải nguyên nhân FED cắt giảm lãi suất.

Chủ tịch FED Jerome Powell lý giải nguyên nhân FED cắt giảm lãi suất.

Fed hiện đang đảo ngược các nỗ lực làm chậm nền kinh tế vì CPI đang trong mức mục tiêu 2% (theo số liệu gần đây nhất là 2,5%). Thêm vào đó, thị trường việc làm đã hạ nhiệt phần nào với tỷ lệ thất nghiệp hiện ở mức 4,2%, sau khi đạt mức 3,7% hồi đầu năm. Chủ tịch Fed Jerome Powell từng nói rằng nguy cơ thị trường việc làm tiếp tục xấu đi đã tăng lên, đó là lý do dẫn tới việc cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản.

Chừng nào CPI tiếp tục xu hướng giảm, các nhà đầu tư nên tập trung vào những số liệu về việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp, được công bố vào thứ Sáu đầu tiên của mỗi tháng. Nếu nền kinh tế tạo ra ít việc làm hơn so với kỳ vọng của các nhà kinh tế hoặc nếu tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục tăng cao hơn, nhiều khả năng sẽ có thêm nhiều đợt cắt giảm lãi suất.

Đằng sau một chu kỳ cắt giảm

Ngoài các lần cắt giảm khẩn cấp trong thời kỳ COVID-19, lần cuối cùng Fed cắt giảm lãi suất 50 điểm là vào năm 2008 trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Dù việc giảm lãi suất đã được một số ít nhà đầu tư dự đoán trước, nhưng quyết định này vẫn gây bất ngờ khi hiện không có dấu hiệu suy thoái hay khủng hoảng tài chính xảy ra. Nhiều nhà kinh tế không khỏi tự hỏi liệu có phải các quan chức Fed biết được điều gì mà thị trường toàn cầu không biết. Suy cho cùng, việc Fed hạ lãi suất xuống phạm vi 4,75% - 5% là mức thường dành cho suy thoái hoặc khủng hoảng.

Nhà kinh tế học David Roche, người sáng lập Global Strategy, cho biết: "Đợt cắt giảm 'khổng lồ' này đánh dấu một bước tiến tới chính sách tiền tệ theo chủ nghĩa dân túy của Fed. Tất nhiên các thị trường - vốn có ngưỡng chịu đau bằng 0 - muốn như vậy. Nhưng nền kinh tế (Mỹ) được cân bằng tốt sẽ không cần điều đó”. Tuy nhiên, Roche tự hỏi: “Liệu quyết định này có sáng suốt không khi nó nhấn mạnh quá nhiều vào mục tiêu việc làm của Fed hơn là mục tiêu lạm phát. Quyết định đó làm dấy lên nghi ngờ về những gì Fed biết về thị trường lao động mà chúng ta không biết. Và nó chỉ ra rằng Fed đặt mức lãi suất cân bằng thấp hơn nhiều so với mức mà động lực của nền kinh tế Mỹ có thể biện minh”.

Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng tại Moody's Analytics, lưu ý rằng đợt cắt giảm hôm 18/9 “có vẻ quá mạnh tay, trừ phi bạn biết nền kinh tế sẽ bắt đầu suy giảm mạnh hơn nữa”.

Nhà kinh tế học Ryan Sweet tại Oxford Economics tự hỏi liệu có phải Fed đang thừa nhận rằng lẽ ra họ nên nới lỏng chính sách tiền tệ sớm hơn? Ông nói: “Fed không muốn thừa nhận những sai lầm về chính sách, nhưng quyết định về đợt cắt giảm lớn vào tháng 9 có thể có liên quan tới việc ngân hàng trung ương này nhận thấy họ đã phản ứng chậm trong cuộc họp trước. Do đó, quyết định vào tháng 9 là một đòn phủ đầu nhằm tăng khả năng ngân hàng trung ương có thể hạ cánh mềm”.

Nhóm của Powell đã thừa nhận sau khi công bố quyết định cắt giảm lãi suất rằng lạm phát vẫn “cao hơn một chút” so với vùng thoải mái 2% của Fed (tháng 7 vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng 2,5% so với cùng kỳ). Lập luận của Fed rằng “rủi ro để đạt được mục tiêu về việc làm và lạm phát gần như cân bằng” có thể sẽ có tính thuyết phục hơn nếu 1 trong số 12 thành viên được bỏ phiếu của Fed không phản đối. Thống đốc Michelle Bowman, thành viên của FOMC, muốn cắt giảm 0,25 điểm phần trăm, đây là lần đầu tiên kể từ năm 2005, quan điểm của một thống đốc Fed bất đồng với đa số thành viên còn lại. Nhiều người cảm thấy bối rối tại sao đội ngũ của ông Powell quyết định cắt giảm tới 50 điểm cơ bản trong khi vẫn đảm bảo với thị trường toàn cầu rằng mọi thứ trong nước đều ổn.

Tác động tới thị trường

Dù đằng sau quyết định mạnh tay cắt giảm lãi suất của Fed là gì, quyết định này cũng đã ngay lập tức gây tác động tới các thị trường. Việc cắt giảm lãi suất không chỉ tác động đến thị trường tài chính mà còn kích thích đà tăng giá của nhiều loại hàng hóa, từ kim loại quý đến năng lượng và nông sản.

Khi lãi suất giảm, chi phí vay vốn giảm xuống, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong việc mở rộng sản xuất và tiêu dùng. Điều này dẫn đến sự gia tăng nhu cầu về nguyên liệu thô và hàng hóa trên thị trường toàn cầu. Bên cạnh đó, lãi suất thấp cũng làm giảm sức hấp dẫn của các tài sản sinh lãi cố định như trái phiếu, khiến nhà đầu tư chuyển sang các tài sản khác như hàng hóa và kim loại quý.

Lần đầu tiên sau 4 năm, FED quyết định cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản.

Lần đầu tiên sau 4 năm, FED quyết định cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản.

Việc cắt giảm lãi suất cũng làm suy yếu đồng USD, khiến các nhà đầu tư đổ xô đến vàng như tài sản trú ẩn an toàn, không chỉ để ứng phó với sự thay đổi chính sách của Fed mà còn với tình hình kinh tế đang xấu đi. Sau quyết định của Fed, trong tuần này, giá vàng đã đạt mức cao kỷ lục. Theo Kitco, giá vàng tương lai hiện đang hướng tới những kỷ lục mới. Mike McGlone - chiến lược gia hàng hóa cấp cao tại Bloomberg Intelligence - nhận định vàng đạt mức 3.000 USD/ounce chỉ là vấn đề thời gian. Dầu thô và các hàng hóa khác, thường được định giá bằng USD dự kiến cũng sẽ hưởng lợi khi Fed hạ lãi suất.

Bên cạnh đó, việc đồng USD suy yếu cũng mở ra dư địa phục hồi và gia tăng sức hấp dẫn cho đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi trong đó có VNĐ. Thị trường hiện kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất hơn 100 điểm cơ bản trong năm nay và thêm 100 điểm cơ bản nữa vào năm sau, điều này đã khiến đồng VND tăng gần 4% kể từ cuối tháng 6, trong khi đồng Ringgit Malaysia, Baht Thái và Rupiah Indonesia tăng giá từ 7-10%. Hầu hết các đồng tiền ở khu vực châu Á đã phục hồi mạnh trong tháng 8 so với USD và xu hướng này duy trì trong tháng 9. Các nhà phân tích của ngân hàng Barclays nhận định: “Chúng tôi không loại trừ một đợt giảm giá nữa của USD trong những tuần tới, và áp lực giảm giá của USD so với các đồng tiền ở châu Á nói chung sẽ duy trì”.

Phản ứng của các ngân hàng trung ương châu Á

Từ đầu năm nay, hầu hết các ngân hàng trung ương tại châu Á muốn hạ lãi suất để thúc đẩy tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế, nhưng không dễ thực hiện việc này trước khi Fed hành động. Việc Fed bắt đầu chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ với quyết định hạ lãi suất 0,5 điểm phần trăm vào tuần trước đã giúp các ngân hàng trung ương châu Á thoải mái hơn trong việc đưa ra quyết định tương tự.

Ngày 18/9, chỉ vài giờ trước khi Fed thông báo về quyết định của mình, Ngân hàng Indonesia (BI) đã cắt giảm 25 điểm cơ bản của lãi suất mua lại đảo ngược kỳ hạn 7 ngày, xuống còn 6%. Đây là bước nới lỏng đầu tiên của BI kể từ đầu năm 2021. Như Thống đốc BI Perry Warjiyo đã nói: “Hướng đi của lãi suất Quỹ Liên bang đang trở nên rõ ràng hơn, đồng rupiah tương đối ổn định và thậm chí còn mạnh hơn”.

Do tầm quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc đối với khu vực, ngân hàng trung ương nước này là tâm điểm của giới quan sát sau quyết định của Fed, vốn sẽ giúp Trung Quốc có thêm dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ tăng trưởng nền kinh tế. Tuy nhiên, trái với kỳ vọng, hôm 20/9, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, tức ngân hàng trung ương) quyết định tiếp tục duy trì lãi suất cơ bản ở mức 3,35% với các khoản vay kỳ hạn 1 năm và 3,85% với khoản vay kỳ hạn 5 năm. Nhưng đến ngày 24/9, PBoC cho biết ngân hàng này sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) 0,5 điểm phần trăm, hạ lãi suất chính sách và lãi suất chuẩn thị trường. Theo PBoC, động thái này sẽ bơm khoảng 1.000 tỷ nhân dân tệ (141,7 tỷ USD) thanh khoản dài hạn vào thị trường tài chính. Ngay sau đó, ngày 25/9, PBoC cũng thông báo đã giảm lãi suất từ 2,3% xuống 2% đối với các khoản vay trung hạn (MLF) kỳ hạn một năm trị giá 300 tỷ nhân dân tệ (42,66 tỷ USD) cho một số tổ chức tài chính.

Ngoài Indonesia và Trung Quốc, nhiều ngân hàng trung ương châu Á khác dường như vẫn chưa vội hành động. Lý giải điều này, Ông Qian Wang - nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại công ty quản lý đầu tư của Mỹ Vanguard - cho biết: “Các ngân hàng trung ương châu Á có dư địa để giảm lãi suất, nhưng họ chưa cần phải làm vậy. Họ vẫn chờ theo dõi thêm bước đi của Fed và biến động bên ngoài. Vì vậy, họ muốn di chuyển với tốc độ chậm hơn”.

Chuyên gia Adarsh Sinha, đồng Giám đốc chiến lược ngoại hối và lãi suất khu vực châu Á tại Bofa Global Research ở Hong Kong (Trung Quốc), nhận định hầu hết các ngân hàng trung ương thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ bước vào “chu kỳ cắt giảm khá từ từ”. Tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của ASEAN dự kiến ở mức 4,7% trong năm 2025, tuy nhiên một số nước thành viên có thể sẽ đạt mức tăng trưởng cao hơn. Dựa trên những kỳ vọng đó, ông Sinha cho rằng các ngân hàng trung ương ASEAN không nên cắt giảm lãi suất quá 0,25 điểm phần trăm mỗi quý. So với Fed, mức cắt giảm như vậy sẽ là chậm hơn, nhưng phù hợp với tình hình tại Đông Nam Á. Bofa Global Research ước tính Fed sẽ cắt giảm lãi suất 0,75 điểm phần trăm vào cuối năm nay và 1,25 điểm phần trăm trong năm 2025.

Chuyên gia Sinha đánh giá Malaysia sẽ là một ngoại lệ trong số các nước ASEAN. Ông dự báo ngân hàng trung ương nước này sẽ giữ nguyên lãi suất ở mức 3% cho đến hết năm sau, do lạm phát đang ổn định và tăng trưởng kinh tế tốt. Vì vậy, các nhà hoạch định chính sách Malaysia không cần phải bắt đầu cắt giảm lãi suất ngay lập tức.

Giới phân tích nhìn nhận, động thái cắt giảm lãi suất vừa qua của Fed chắc chắn sẽ có tác động đáng kể tới triển vọng thị trường tài chính toàn cầu nói riêng và thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới. Quyết định của Fed cũng tạo thêm không gian để Việt Nam điều chỉnh chính sách tiền tệ.

Ông Suan Teck Kin, Giám đốc Khối nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu thuộc Ngân hàng UOB (Singapore) nhận định, quyết định mới nhất của Fed là một bất ngờ so với dự báo của UOB về kịch bản cắt giảm lãi suất trong bối cảnh kinh tế vẫn khá ổn định và lạm phát đang hạ nhiệt. UOB kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ duy trì lãi suất chính sách chủ chốt trong phần còn lại của năm 2024 vì lo ngại rủi ro về lạm phát.

Chuyên gia Suan Teck Kin đánh giá: “Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ áp dụng cách tiếp cận có mục tiêu hơn để hỗ trợ các cá nhân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng trong khu vực của họ, thay vì triển khai một công cụ rộng rãi trên toàn quốc như cắt giảm lãi suất. Do đó, chúng tôi dự đoán Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức 4,5% như hiện tại, trong khi tập trung vào việc tạo điều kiện cho tăng trưởng tín dụng và các biện pháp hỗ trợ khác”.

Trong khi đó, các chuyên gia thuộc Dragon Capital cũng nhận định, quyết định của Fed sẽ mang lại những tác động tích cực rõ rệt cho chính sách tiền tệ của Việt Nam, trong đó áp lực lên tỷ giá hối đoái sẽ được giảm bớt. Ngoài ra, việc Fed cắt giảm lãi suất cũng tạo tiền đề cho lãi suất huy động và cho vay tại Việt Nam ổn định hơn, góp phần thúc đẩy giải ngân cho đầu tư công và tăng trưởng tín dụng cho doanh nghiệp, hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ.

Khánh An (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/hieu-ung-tu-viec-fed-cat-giam-lai-suat-i745623/
Zalo