Hiệu trưởng Stanford gây sốt với bài phát biểu tại lễ tốt nghiệp của sinh viên
MỸ- 'Các em hãy đón nhận tương lai của mình với lòng biết ơn, sự lạc quan và cảm thông với nỗi đau khổ của người khác', hiệu trưởng Đại học Stanford nhắn nhủ sinh viên tốt nghiệp năm 2024.
“Hãy để thầy bắt đầu bằng lời chúc mừng chân thành nhất tới những sinh viên tốt nghiệp năm 2024 và gia đình của các em. Đây là một năm đầy thử thách, điều này khiến cho thành công của các em càng trở nên đáng nhớ hơn.
Những năm tháng đại học của các em đã được đánh dấu bằng các sự kiện lịch sử thế giới: Bắt đầu vào đỉnh điểm của đại dịch, kết bạn với Stanford lần đầu tiên qua Zoom. Năm vừa qua cũng là một năm đầy thử thách và khó lường đối với thế giới. Những cuộc chiến tranh đã gây ra nỗi đau mất mát và căng thẳng dữ dội. Sáng nay, chúng ta đều có mặt ở đây để ăn mừng thành tích của các em bất chấp một môi trường khó khăn như vậy.
Chúng tôi sẽ dựa vào các em- những giá trị, niềm đam mê, sự kiên trì và sức mạnh cá tính của các em- để làm cho thế giới của chúng ta tốt đẹp hơn. Khi học tại Stanford, các em đã có được các công cụ và kỹ năng phân tích để giúp hiểu thế giới, phân tích những thiếu sót hiện hành và tìm ra các giải pháp giúp mọi việc tốt hơn. Trường đại học đã cố gắng cung cấp những kỹ năng để các em lắng nghe và học hỏi lẫn nhau. Thầy khuyên các em nên tiếp tục cởi mở với những quan điểm khác - đừng để niềm tin của bản thân ngăn cản khả năng lắng nghe và học hỏi của mình.
Các em hãy đón nhận tương lai của mình với lòng biết ơn, sự lạc quan và cảm thông với nỗi đau khổ của người khác.
Các em nên cảm thấy biết ơn gia đình và cộng đồng Stanford vì một nền giáo dục xuất sắc đã trang bị cho các em vào hành trình khám phá và học tập - chìa khóa cho một cuộc sống trọn vẹn và sự nghiệp bổ ích.
Những cảm xúc chân thành và sự bày tỏ lòng biết ơn sẽ mang lại sự gắn kết và xây dựng một xã hội mạnh mẽ hơn. Những mối ràng buộc xã hội này rất cần thiết trong bối cảnh chia rẽ và phân cực hiện nay.
Lòng biết ơn cũng giúp chống lại chủ nghĩa siêu cá nhân cho rằng thành công của một người chỉ là kết quả từ nỗ lực của chính họ. Tất nhiên, các em đã cống hiến rất nhiều nỗ lực và thành công, nhưng những nỗ lực đó nằm trong bối cảnh những gì người khác đã xây dựng và không thể đạt được nếu không có sự giúp đỡ và hỗ trợ của các cá nhân và tổ chức.
Lòng biết ơn khuyến khích sự có đi có lại, với tất cả những lợi ích xã hội mà nó mang lại. Những người biết ơn có được sức khỏe thể chất và tinh thần tốt hơn, hạnh phúc hơn, giảm trầm cảm và giảm chủ nghĩa vật chất. Một trong những hậu quả của đại dịch là làn sóng cô lập, vì chúng ta lo lắng rằng việc ở gần nhau có thể có nguy cơ lây truyền vi rút. Sự có đi có lại và lòng biết ơn mang lại phương tiện để xây dựng lại mạng lưới lành mạnh dựa trên niềm tin về một xã hội tốt đẹp hơn.
Bây giờ, hãy cho phép thầy nói về sự lạc quan. Trong bối cảnh các sự kiện thế giới hiện tại, có vẻ ngây thơ khi cho rằng các em nên ra ngoài với tinh thần lạc quan. Ở đây, thầy nghĩ kiến thức về lịch sử mang lại biện minh cho sự lạc quan, và thầy phát biểu với tư cách là một nhà sử học về La Mã cổ đại.
Thầy không có ý giảm thiểu những bi kịch trong bốn năm qua, nhưng sẽ là sai lầm nếu lý tưởng hóa hay lãng mạn hóa quá khứ bằng một câu chuyện buồn bã về sự suy tàn và vô vọng.
Về hầu hết các thước đo về mức độ hạnh phúc, thế hệ của các em sẽ vượt xa người La Mã cổ đại và người Mỹ cách đây 100 năm, và thậm chí còn đi trước thế hệ của chính thầy.
Các em có khả năng sống lâu hơn tổ tiên của mình, tỷ lệ nghèo đói và mù chữ đã giảm đáng kể. Cùng với những thay đổi mạnh mẽ đó là việc loại bỏ gần như hoàn toàn chế độ nô lệ pháp lý, vốn rất phổ biến trong thời kỳ tiền hiện đại. Nhìn lâu dài về lịch sử, đây là những thay đổi hoàn toàn đáng kinh ngạc, và nguyên nhân cơ bản của những cải tiến này là do giáo dục, sự khám phá và phổ biến kiến thức mới mà Stanford đang có những đóng góp đáng kể.
Thầy cũng muốn tránh chủ nghĩa toàn thắng. Cùng với những phát triển tích cực, chưa từng có đó đã xuất hiện những thách thức to lớn: Suy thoái môi trường, vũ khí chiến tranh có sức tàn phá ồ ạt và sự bất bình đẳng giàu nghèo ngày càng lớn. Lợi ích của tiến bộ công nghệ chưa được phân bổ đồng đều. Nhưng những vấn nạn dai dẳng này nên được đặt trong bối cảnh của những tiến bộ to lớn.
Thầy lạc quan rằng thế hệ của các em sẽ đối mặt với những thử thách bằng kiến thức và tinh thần mà các em đã có được tại Stanford.
Thầy xin chúc các em thành công!”