Hiệu trưởng chia sẻ về ưu thế nổi trội của 2 bộ sách từ NXBGDVN
Theo lãnh đạo nhiều trường phổ thông, sách giáo khoa của NXB Giáo dục Việt Nam có cấu trúc chặt chẽ, bám sát CTGDPT 2018 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Mỗi đơn vị xuất bản sách giáo khoa đều có thế mạnh và đặc điểm riêng. Tuy nhiên, với vai trò là đơn vị chủ lực, đồng hành cùng giáo dục phổ thông trong nhiều thập kỷ, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vẫn giữ vị trí then chốt trong việc bảo đảm cung ứng sách giáo khoa ổn định, đầy đủ và có hệ sinh thái hỗ trợ học tập đồng bộ.
Hệ thống sách giáo khoa, tài liệu tham khảo đa dạng
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Đỗ Thành Thiện - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Vĩnh Thạnh (huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ) nhận định, trong bối cảnh thị trường sách giáo khoa hiện nay ngày càng đa dạng với sự tham gia của nhiều nhà xuất bản, việc phần lớn các trường học trên cả nước vẫn lựa chọn sử dụng sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là một minh chứng rõ cho sự uy tín, chất lượng và tính phù hợp của sản phẩm do đơn vị này phát hành.

Thạc sĩ Đỗ Thành Thiện - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Vĩnh Thạnh (huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ). Ảnh: NVCC
Theo thầy Thiện, nhiều giáo viên trực tiếp giảng dạy đánh giá sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thể hiện nhiều ưu điểm nổi bật, không chỉ về mặt nội dung mà còn ở cách trình bày và khả năng tiếp cận với đối tượng người học ở các độ tuổi khác nhau.
“Theo tôi, nếu xét theo về mức độ thống nhất và đồng bộ trong các cấp học, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vẫn là đơn vị có thể cung cấp đầy đủ sách giáo khoa cho tất cả các môn học, từ lớp 1 đến lớp 12, cùng với hệ thống sách bổ trợ, sách giáo viên, tài liệu hướng dẫn đi kèm. Đây là điều mà không phải nhà xuất bản nào cũng đáp ứng được”, thầy Thiện nêu quan điểm.
Thầy Thiện bày tỏ, một trong những điểm mạnh của sách giáo khoa Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là nội dung được biên soạn một cách bài bản, logic và khoa học. Mỗi bài học đều được thiết kế theo hướng phát triển năng lực, gắn với thực tiễn và phù hợp với tâm lý, nhận thức của học sinh ở từng cấp học. Trong đó, nội dung không quá nặng nhưng vẫn đảm bảo tính đầy đủ, chuẩn xác và hệ thống. Các kiến thức được trình bày từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp, giúp học sinh dễ tiếp thu và giáo viên dễ dàng triển khai bài giảng.
“Do đó, việc lựa chọn sử dụng sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam không phải là ngẫu nhiên, mà là kết quả của một quá trình đánh giá nghiêm túc từ phía các trường học, giáo viên và học sinh trên cả nước. Trong điều kiện chương trình giáo dục phổ thông mới đang được triển khai, việc lựa chọn bộ sách có nội dung phù hợp, trình bày dễ tiếp cận, hệ thống đồng bộ và mang tính nhân văn là hết sức cần thiết”, thầy Thiện nêu quan điểm.

Một tiết học diễn ra tại Trường Trung học phổ thông Vĩnh Thạnh (huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ). Ảnh: NTCC
Chia sẻ với phóng viên, thầy Long Văn Phú - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Ngân Sơn (huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn) cho biết, với kinh nghiệm tiếp cận các bộ sách giáo khoa khác nhau, tôi nhận thấy sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vẫn giữ được những lợi thế đáng kể so với các nhà xuất bản khác trên thị trường hiện nay.
Theo thầy Phú, quá trình sử dụng các bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo cho thấy những điểm mạnh nổi bật về nội dung, hình thức, tính ổn định và khả năng triển khai hiệu quả trong thực tiễn dạy học.
Về nội dung, các bộ sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có cấu trúc chặt chẽ, hệ thống kiến thức được tổ chức một cách logic và bám sát chương trình giáo dục phổ thông mới do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Các bài học được thiết kế phù hợp với đặc điểm tâm lý lứa tuổi học sinh, chú trọng sự phân định rõ giữa kiến thức trọng tâm và hoạt động trải nghiệm, vận dụng. Đặc biệt, nội dung bài học không quá dài, không tạo áp lực quá tải mà thay vào đó là hướng dẫn học sinh tiếp cận kiến thức một cách nhẹ nhàng, dễ hiểu, qua đó giúp giáo viên thuận tiện hơn trong tổ chức dạy học.
“Không chỉ có nội dung hợp lý, sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam còn ghi điểm nhờ phần trình bày khoa học, rõ ràng. Với kinh nghiệm lâu năm trong xuất bản giáo dục, đơn vị này thể hiện thế mạnh trong việc lựa chọn ngôn ngữ phù hợp với từng cấp học, thiết kế bố cục bài học mạch lạc và trực quan. Hệ thống hình ảnh, sơ đồ, bảng biểu minh họa sinh động, hỗ trợ tích cực cho quá trình tiếp thu kiến thức. Các bài tập được xây dựng có sự phân tầng rõ ràng theo mức độ nhận thức từ nhận biết, thông hiểu đến vận dụng và vận dụng cao, tạo điều kiện để giáo viên dễ dàng phân hóa học sinh trong lớp”, thầy Phú nêu quan điểm.
Thầy Phú bày tỏ, mặc dù chưa có khảo sát toàn diện, nhưng từ thực tế giảng dạy của trường, nhìn chung, học sinh nhìn dễ tiếp cận nội dung sách, không gặp nhiều khó khăn trong việc hiểu bài hay thực hiện các yêu cầu học tập. Giáo viên cũng được hỗ trợ bởi một hệ sinh thái tài liệu phong phú gồm sách giáo viên, tài liệu tập huấn, bài giảng mẫu, phiếu học tập giúp tiết kiệm thời gian chuẩn bị bài giảng mà vẫn đảm bảo chất lượng dạy học.
Đồng quan điểm trên, thầy Lê Văn Chung - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Cổ Loa (huyện Đông Anh, Hà Nội) nhận định, trong bối cảnh giáo dục Việt Nam không ngừng chuyển mình theo hướng phát triển năng lực người học, sách giáo khoa vẫn là công cụ giảng dạy và học tập chủ đạo, giữ vai trò quan trọng trong việc cụ thể hóa mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông.
Theo thầy Chung, trong nhiều năm qua, sách giáo khoa do Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành đã thể hiện vai trò then chốt trong việc đồng hành cùng giáo viên và học sinh trên cả nước.

Hiện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có 2 bộ sách là Kết nối tri thức và cuộc sống, Chân trời sáng tạo. Ảnh minh họa: website NXBGDVN
“Trước hết, những nỗ lực của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam trong việc đảm bảo tính hệ thống và thống nhất của các bộ sách giáo khoa rất đáng để ghi nhận. Việc liên thông nội dung giữa các cấp học và môn học được thiết kế một cách chặt chẽ, khoa học, giúp học sinh dễ tiếp thu và giáo viên thuận lợi trong quá trình giảng dạy.
Đội ngũ tác giả tham gia biên soạn là những nhà khoa học, giảng viên, giáo viên có chuyên môn sâu, giàu kinh nghiệm, nhờ đó bảo đảm chất lượng nội dung về mặt học thuật, phương pháp sư phạm và phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của học sinh. Bên cạnh đó, các bộ sách mới theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đã có bước chuyển tích cực khi hướng đến phát triển phẩm chất, năng lực học sinh thay vì chỉ truyền thụ kiến thức thuần túy.
Ngoài ra, hệ thống phân phối sách rộng khắp cả nước từ thành thị đến nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa giúp đảm bảo học sinh ở mọi địa phương đều tiếp cận được sách giáo khoa trước thềm năm học mới”, thầy Chung nêu quan điểm.
Cần cảnh giác với sách giả, sách nhái trôi nổi trên thị trường
Một trong những vấn đề nổi cộm hiện nay là tình trạng sách giáo khoa giả, sách nhái gắn mác Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam xuất hiện tràn lan trên thị trường. Những ấn phẩm in lậu này thường có chất lượng kém, thiếu trang, sai nội dung, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc học tập của học sinh và uy tín của nhà xuất bản.
Theo Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Vĩnh Thạnh (huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ), sách giả, sách nhái thường được in ấn trái phép tại các cơ sở không có giấy phép hoạt động, sau đó phân phối thông qua các kênh không chính thống như chợ sách cũ, các sạp hàng nhỏ lẻ gần trường học, thậm chí bán trực tiếp trên mạng xã hội hoặc các sàn thương mại điện tử với mức giá rẻ hơn đáng kể so với sách thật.
“Biểu hiện dễ nhận thấy của sách giả bao gồm: giấy in mỏng, dễ rách, màu sắc không đồng đều, chữ in bị mờ hoặc lem nhòe; nội dung sai lệch, thiếu trang, lộn thứ tự; tem chống giả bị làm nhái hoặc không thể quét mã xác thực; bìa sách sai màu, thiếu logo hoặc các chi tiết đặc trưng của sách gốc. Những cuốn sách này thường được bày bán công khai, gây nhầm lẫn cho phụ huynh, học sinh và giáo viên trong quá trình lựa chọn tài liệu giảng dạy và học tập.
Thực tế cho thấy, trong những năm gần đây, cơ quan chức năng đã liên tiếp phát hiện và xử lý nhiều vụ việc liên quan đến in lậu sách giáo khoa”, thầy Thiện cho biết.
Thầy Thiện bày tỏ, tình trạng sách giả, sách nhái không chỉ làm ảnh hưởng đến uy tín của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam mà còn tạo ra những hệ lụy khó lường đối với chất lượng giáo dục, khiến học sinh phải tiếp cận với tài liệu sai lệch, từ đó ảnh hưởng đến kết quả học tập. Do đó, cùng với việc nâng cao chất lượng nội dung và hình thức sách giáo khoa, Nhà nước cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi in ấn, phát hành sách giả, đồng thời khuyến cáo phụ huynh và học sinh mua sách tại các địa chỉ uy tín, có hóa đơn, tem nhãn đầy đủ để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Bày tỏ quan điểm về thực trạng trên, thầy Chung bày tỏ: “Thực trạng này không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho phụ huynh mà còn đặt ra thách thức lớn cho công tác quản lý xuất bản phẩm. Đặc biệt, tại các vùng sâu, vùng xa, nơi người dân ít có điều kiện kiểm chứng thì sách giả càng dễ len lỏi qua các kênh phân phối không chính thống.
Để ngăn chặn sách giả, Nhà nước cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở in ấn, phát hành vi phạm. Đồng thời, phụ huynh và nhà trường nên mua sách giáo khoa từ các đại lý chính thức hoặc qua các kênh phân phối được Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam công bố. Bên cạnh đó, nhà xuất bản cũng cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ xác thực như mã QR, tem chống giả để người dùng có thể kiểm tra nguồn gốc sản phẩm một cách dễ dàng”.