Hiệu trưởng các trường kiến nghị gì tại buổi đối thoại với Phòng GD&ĐT Ba Đình?

Năm 2025 là năm đầu tiên học sinh lớp 9 sẽ thi vào lớp 10 THPT theo chương trình GDPT2018, cần tăng cường bồi dưỡng GV về phương pháp, cách thức, nội dung ôn tập.

Chiều ngày 30/10, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình (Hà Nội) đã tổ chức Hội nghị Tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình với đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên ngành giáo dục quận năm học 2024-2025 với chủ đề: Việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm năm học 2024-2025 của ngành giáo dục và đào tạo quận Ba Đình”.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Lê Đức Thuận - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình cho biết, trong năm học 2023-2024 vừa qua, ngành giáo dục quận đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, tiên phong đổi mới, từng bước nâng thứ hạng giáo dục, đạt chỉ tiêu 13/13 lĩnh vực thi đua, đứng vị trí thứ 02/30 của quận, huyện, thị xã.

 Ông Lê Đức Thuận - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Thúy Quỳnh.

Ông Lê Đức Thuận - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Thúy Quỳnh.

Ông Thuận chia sẻ, năm học 2024-2025 mở ra với nhiều thuận lợi nhưng cũng nhiều khó khăn, thách thức mới với ngành giáo dục quận Ba Đình như: Công tác dạy thêm, học thêm có nơi còn chưa đúng quy định; đội ngũ giáo viên ở một số môn học Ngoại ngữ, Công nghệ, Tin học còn thiếu,...

Năm học 2024-2025 cũng là năm ngành giáo dục quận Ba Đình tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XXV Đảng bộ quận với nhiệm vụ trọng tâm: Giữ vững trong vị trí nhóm dẫn đầu của Thành phố; phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành chỉ tiêu 100% các trường thuộc quận đạt chuẩn quốc gia.

“Ngay từ đầu năm học, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình đã tham mưu Ủy ban nhân dân quận ban hành các văn bản chỉ đạo và Phòng Giáo dục và Đào tạo cũng trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn các trường thực hiện tốt công tác giáo dục của năm học 2024-2025.

Đồng thời, chỉ đạo các trường trực thuộc tổ chức hội nghị đối thoại giữa Bí thư cấp ủy - Hiệu trưởng nhà trường với đội ngũ giáo viên, phụ huynh học sinh với những chủ đề gắn với trọng tâm thực hiện nhiệm vụ năm học như: Thống nhất giải pháp để tiếp tục “Dạy thực chất - Học thực chất - Kiểm tra thực chất”; Xây dựng nhà trường “Dân chủ - Công khai - Đoàn kết - Đổi mới”; Tiếp tục Chuyển đổi số theo hướng “thực chất - hiệu quả”...”, vị Trưởng phòng cho biết.

Trao đổi tại hội nghị, cô Phạm Minh Thảo - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thành Công B (Ba Đình, Hà Nội) đặt ra câu hỏi: “Làm thế nào để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên Ngoại ngữ, Tin học tại các trường tiểu học, nhằm đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018?

Đặc biệt, trong bối cảnh các nhà trường hiện nay không được giao thêm chỉ tiêu biên chế và việc thu hút giáo viên hợp đồng đang gặp nhiều khó khăn do mức lương chưa đủ hấp dẫn? Kính mong Phòng Giáo dục và Đào tạo tham mưu giúp các nhà trường nhằm tháo gỡ những khó khăn để các trường có đủ giáo viên triển khai các bộ môn theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Hơn nữa, không những là có thể tuyển đủ mà giáo viên, còn phải đảm bảo chất lượng”.

 Cô Phạm Minh Thảo - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thành Công B (Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: Thúy Quỳnh.

Cô Phạm Minh Thảo - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thành Công B (Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: Thúy Quỳnh.

Cô Lê Hoàn Châu - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Công Trứ (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, năm 2025 là năm đầu tiên học sinh lớp 9 sẽ thi vào lớp 10 trung học phổ thông theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Do vậy, các trường trung học cơ sở trên địa bàn quận đặc biệt quan tâm đến vấn đề này. Mặc dù đã có sự chỉ đạo, hướng dẫn của Phòng Giáo dục và Đào tạo và giải pháp của các nhà trường, tuy nhiên, giáo viên, phụ huynh, học sinh vẫn còn nhiều lo lắng về kỳ thi này.

Trước thực tế đó, nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, đảm bảo chuẩn bị tốt cho kỳ thi, cô Lê Hoàn Châu đề xuất với Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình tăng cường công tác bồi dưỡng cho giáo viên dạy lớp 9 về phương pháp, cách thức, nội dung ôn tập thi vào trung học phổ thông.

Bên cạnh đó, xây dựng ngân hàng đề thi sưu tầm đề kiểm tra của các trường trung học cơ sở trên địa bàn sau mỗi kỳ kiểm tra định kỳ, để các trường học hỏi lẫn nhau. Qua đó, hỗ trợ các trường trong việc xây dựng nội dung giảng dạy, ôn tập cho học sinh.

 Cô Lê Hoàn Châu - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Công Trứ (Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: Thúy Quỳnh.

Cô Lê Hoàn Châu - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Công Trứ (Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: Thúy Quỳnh.

Chia sẻ tại hội nghị, cô Nguyễn Thị Thu Thủy - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Tri Phương (Ba Đình, Hà Nội) cũng cho biết, năm học 2024-2025 là năm học thứ 4 thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với cấp trung học cơ sở. Để thực hiện hóa mục tiêu đề cao tính thực tiễn, phát triển năng lực và phẩm chất người học của chương trình, yếu tố con người và cơ sở vật chất là rất quan trọng.

"Hiện nay, đội ngũ giáo viên ở các nhà trường đang rất tích cực tự học, tự bồi dưỡng để thực hiện đổi mới trong giảng dạy, kiểm tra và đánh giá, đặc biệt là ứng dụng chuyển đổi số trong công tác giảng dạy.

Bên cạnh đó, yếu tố về cơ sở vật chất cũng đóng vai trò then chốt để giúp các trường hoàn thành tốt nhiệm vụ. Mặc dù, những năm gần đây, các trường đã nhận được sự quan tâm, đầu tư, tuy nhiên, sự đầu tư chưa được đồng bộ, dẫn đến tồn tại một số khó khăn cho đội ngũ giáo viên trong công tác thực hiện nhiệm vụ", cô Thủy phân tích.

Trước thực tế đó, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Tri Phương đề xuất Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình tiếp tục tăng cường công tác bồi dưỡng, đổi mới phương pháp giảng dạy cho đội ngũ giáo viên trên địa bàn.

Bên cạnh đó, nữ hiệu trưởng cũng bày tỏ mong mỏi Ủy ban nhân dân quận Ba Đình chỉ đạo các phòng, ban, ngành trong quận tháo gỡ cho việc mua sắm trang thiết bị tại các nhà trường, đảm bảo đồng bộ trong việc đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy và học tại các cơ sở giáo dục.

 Cô Nguyễn Thị Thu Thủy - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Tri Phương (Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: Thúy Quỳnh

Cô Nguyễn Thị Thu Thủy - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Tri Phương (Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: Thúy Quỳnh

Chia sẻ với trăn trở của Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Tri Phương, lãnh đạo phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình cho biết, ngay từ đầu năm học 2024-2025, Phòng đã có công văn yêu cầu các trường trên địa bàn quận rà soát các thiết bị dạy học hiện có tại nhà trường.

Đồng thời, gửi công văn đề xuất lãnh đạo Ủy ban nhân dân quận Ba Đình bổ sung thêm trang thiết bị dạy học để phục vụ công việc giảng dạy, thực hiện triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.

“Các nhà trường trên địa bàn quận có nhu cầu đề xuất, đã gửi văn bản tới Ủy ban nhân dân quận Ba Đình, Phòng Tài chính - Kế hoạch, Phòng Giáo dục và Đào tạo đề xuất bổ sung trang thiết bị. Hiện tại, Phòng Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch để triển khai các đề xuất của các nhà trường”, vị lãnh đạo cho biết.

 Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Thúy Quỳnh.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Thúy Quỳnh.

Cũng trong buổi hội nghị, nhiều vấn đề đã được đại diện các nhà trường đặt ra và đã được lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình trao đổi, thông tin và giải đáp.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo cũng gợi ý, đưa ra nhiều giải pháp giúp các trường tháo gỡ những khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ năm học 2024-2025. Cụ thể, đó là những giải pháp nhằm từng bước tháo gỡ vấn đề thiếu giáo viên Ngoại ngữ, Tin học; nâng cao chất lượng thi trung học phổ thông; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học,...

Thúy Quỳnh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/hieu-truong-cac-truong-kien-nghi-gi-tai-buoi-doi-thoai-voi-phong-gddt-ba-dinh-post246640.gd
Zalo