Hiểu rõ về cấp độ gió bão, áp thấp nhiệt đới

Thiên tai đã và đang gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản của các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều người còn chủ quan hoặc chưa hiểu rõ về các loại hình thiên tai có nguồn gốc khí tượng thủy văn cụ thể như cấp độ gió bão, gió từ áp thấp nhiệt đới đến siêu bão mà sức tàn phá của nó ở mức rất nghiêm trọng.

Lực lượng Bộ đội biên phòng tỉnh Nghệ An hỗ trợ ngư dân chằng cột tàu thuyền tại nơi tránh trú bão. Ảnh: TTXVN phát

Lực lượng Bộ đội biên phòng tỉnh Nghệ An hỗ trợ ngư dân chằng cột tàu thuyền tại nơi tránh trú bão. Ảnh: TTXVN phát

Hiểu rõ tác động của từng cấp bão sẽ giúp người dân, cộng đồng chủ động trong các biện pháp ứng phó và có những kỹ năng phòng, chống các loại hình thiên tai nói chung, bão và áp thấp nhiệt đới nói riêng một cách kịp thời, hiệu quả, từ đó giảm thiểu rủi ro thiên tai ở mức thấp nhất.

Hiểu rõ cấp độ gió bão, bảo vệ tính mạng và tài sản của bản thân

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia (Cục Khí tượng Thủy văn - Bộ Nông nghiệp và Môi trường), việc hiểu rõ các cấp độ gió bão và tác động của nó là rất cần thiết để mỗi người dân có thể chủ động phòng tránh, bảo vệ tài sản và tính mạng của mình. Dưới đây là những nghiên cứu đã được ứng dụng trong các bản tin dự báo, cảnh báo bão và áp thấp nhiệt đới.

Áp thấp nhiệt đới: Dấu hiệu đầu tiên của thiên tai. Trước khi trở thành bão, một hình thái thời tiết thường gặp là áp thấp nhiệt đới. Đây là giai đoạn đầu tiên, nhưng cũng cần được lưu ý:

Áp thấp nhiệt đới cấp 6. Tốc độ gió từ 10,8 đến 13,8 mét/giây (tương đương 39 đến 49 km/giờ). Tác động khiến cây cối rung chuyển, người đi bộ bắt đầu khó khăn khi đi ngược gió. Biển động, bắt đầu gây nguy hiểm đối với tàu thuyền nhỏ.

Áp thấp nhiệt đới cấp 7. Tốc độ gió từ 13,9 đến 17,1 mét/giây (tương đương 50 đến 61 km/giờ). Tác động là gió mạnh hơn, gây khó khăn đáng kể cho người đi bộ. Biển động mạnh hơn, nguy hiểm gia tăng đối với tàu thuyền.

Đối với bão, khi gió đạt cường độ cao hơn, áp thấp nhiệt đới sẽ phát triển thành bão. Đây là lúc chúng ta cần đặc biệt cảnh giác.

Bão cấp 8. Tốc độ gió từ 17,2 đến 20,7 mét/giây (tương đương 62 đến 74 km/giờ). Tác động: Gió bắt đầu làm gãy cành cây, tốc mái nhà của những công trình yếu. Người đi bộ gần như không thể đi ngược gió. Biển động rất nhanh, tiềm ẩn nguy hiểm lớn cho tàu thuyền.

Bão - cấp 9. Tốc độ gió từ 20,8 đến 24,4 mét/giây (tương đương 75 đến 88 km/giờ). Tác động: Gió mạnh hơn, có thể làm đổ cây cối. Nhiều công trình yếu bắt đầu bị hư hại nặng hơn. Biển động rất mạnh, cực kỳ nguy hiểm cho tàu thuyền.

Khi bão đạt cấp độ mạnh, khả năng gây thiệt hại sẽ tăng lên đáng kể. Bão mạnh cấp 10. Tốc độ gió từ 24,5 đến 28,4 mét/giây (tương đương 89 đến 102 km/giờ). Tác động: Gió rất mạnh, có thể làm đổ cây cối, hư hại nhà cửa và cột điện. Đây là mức độ gây thiệt hại rất nặng nề. Biển động dữ dội, gây nguy hiểm lớn cho tàu thuyền.

Bão mạnh cấp 11. tốc độ gió từ 28,5 đến 32,6 mét/giây (tương đương 103 đến 117 km/giờ). Tác động: Gây ra thiệt hại nghiêm trọng đối với các công trình không kiên cố. Rất nguy hiểm cho tàu thuyền và cư dân ven biển. Cơ sở hạ tầng như mái nhà, cửa sổ có thể bị phá hủy nghiêm trọng.

Bão rất mạnh: Khi bão đạt đến cấp độ "rất mạnh", sức tàn phá của nó có thể gây ra những thảm họa lớn.

Bão rất mạnh cấp 12. Tốc độ gió từ 32,7 đến 36,9 mét/giây (tương đương 118 đến 133 km/giờ). Tác động: Sức phá hoại cực kỳ lớn. Gió có thể thổi bay cây cối, phá hủy hoàn toàn các công trình xây dựng không kiên cố, gây hư hại nặng nề ngay cả các tòa nhà lớn. Các tàu nhỏ nếu không được neo, đệm cẩn thận có thể bị đánh vỡ, nhấn chìm tại cảng, âu tàu.

Bão rất mạnh cấp 13. Tốc độ gió từ 37,0 đến 41,4 mét/giây (tương đương 134 đến 149 km/giờ). Tác động: Gió có sức phá hoại cực kỳ lớn, gây ra một số thiệt hại cho nhà ở và các công trình tiện ích. Sóng lớn và lũ lụt gần bờ biển phá hủy các công trình nhỏ, các công trình lớn có thể bị thiệt hại do mảnh vỡ va vào. Đánh đắm tàu biển có trọng tải lớn.

Bão rất mạnh cấp 14. Tốc độ gió từ 41,5 đến 46,1 mét/giây (tương đương 150 đến 166 km/giờ). Tác động: Tiếp tục gây sức phá hoại cực kỳ lớn. Sóng biển cực kỳ mạnh. Đánh đắm tàu biển có trọng tải lớn. Thảm họa hầu như không phòng tránh được, đòi hỏi công tác ứng phó khẩn cấp và sơ tán quy mô lớn.

Bão rất mạnh cấp 15. Tốc độ gió từ 46,2 đến 50,9 mét/giây (tương đương 167 đến 183 km/giờ). Tác động: Gây ra thiệt hại cực kỳ nghiêm trọng, gần như không có khả năng phòng tránh. Sức gió khủng khiếp có thể san phẳng nhiều khu vực.

Siêu bão: Đây là cấp độ cao nhất và nguy hiểm nhất của bão, có khả năng gây ra những hậu quả thảm khốc.

Siêu bão cấp 16. Tốc độ gió từ 51 đến 56 mét/giây (tương đương 184 đến 201 km/giờ). Tác động: Sức phá hoại cực kỳ lớn, vượt mọi tưởng tượng. Sóng biển cực kỳ mạnh, có thể đánh đắm các tàu biển có trọng tải lớn. Gây thiệt hại cực kỳ thảm khốc, đòi hỏi công tác ứng phó khẩn cấp và quy mô lớn.

Siêu bão cấp 17. Tốc độ gió từ 56,1 đến 61,2 mét/giây (tương đương 202 đến 220 km/giờ). Tác động: Mức độ phá hủy lớn nhất, sóng biển cực kỳ mạnh. Gây thiệt hại cực kỳ thảm khốc. Đây là cấp độ bão có thể gây ra những thảm họa nhân đạo và kinh tế trên diện rộng, yêu cầu sự chuẩn bị và ứng phó ở mức cao nhất từ chính quyền và cộng đồng.

Khuyến cáo ứng phó bão số 3

Công an xã Hải Thịnh (tỉnh Ninh Bình) huy động khoảng 30 cán bộ, phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ người dân đến nơi an toàn. Ảnh: Thái Thuần/TTXVN

Công an xã Hải Thịnh (tỉnh Ninh Bình) huy động khoảng 30 cán bộ, phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ người dân đến nơi an toàn. Ảnh: Thái Thuần/TTXVN

Trước ảnh hưởng của bão số 3, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã đưa ra những khuyến cáo đối với người dân và chính quyền các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão, khẩn trương chằng chống nhà cửa, không để đến sát giờ bão mới ứng phó. Nhiều video hướng dẫn cụ thể Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai đã được phát đi nhằm hỗ trợ người dân hành động kịp thời. Người dân tại các khu vực có nguy cơ chịu ảnh hưởng cần chủ động ứng phó ngay từ bây giờ, đặc biệt là việc gia cố nhà cửa và đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản.

Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, người dân không nên đợi đến khi bão áp sát mới triển khai phòng chống mà cần hành động sớm, tranh thủ thời tiết còn thuận lợi để gia cố nhà cửa, chằng chống mái tôn, che chắn cửa sổ, dọn dẹp vật dễ bị gió cuốn bay. Tại các vùng ven biển, việc neo đậu chắc chắn tàu thuyền, kiểm tra các điểm dễ hư hại trong nhà và có kế hoạch sơ tán người già, trẻ nhỏ nếu cần thiết là rất quan trọng.

Để hỗ trợ người dân, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai đã phát hành nhiều video hướng dẫn cụ thể về các biện pháp phòng chống bão, trong đó nhấn mạnh việc chằng chống mái nhà, buộc chặt bể nước trên sân thượng, kiểm tra hệ thống điện, cây cối quanh nhà và sẵn sàng các vật dụng thiết yếu như đèn pin, nước uống, thuốc men.

Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai cũng đã phát đi các video hướng dẫn người dân gia cố, bảo vệ nhà cửa trước bão.

Thắng Trung (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/giai-ma-muon-mat/hieu-ro-ve-cap-do-gio-bao-ap-thap-nhiet-doi-20250722122322204.htm
Zalo