Chuyên gia lý giải hiện tượng phía bắc tâm bão số 3 giảm mưa, trời hửng nắng
Chuyên gia thời tiết lý giải hiện tượng trong khi Thanh Hóa, Nghệ An mưa như trút, nhiều nơi bị cô lập vì sạt lở thì phía bắc tâm bão số 3 mưa nhẹ, trời hửng nắng.
Chiều nay, bão số 3 Wipha đã suy yếu và đổ bộ đất liền các tỉnh Ninh Bình-Thanh Hóa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/giờ), giật cấp 10. Trong 24 giờ tới, bão tiếp tục suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau thành vùng áp thấp trên khu vực Thượng Lào.
Sáng nay trước khi cơn bão số 3 đổ bộ đất liền nước ta, trong khi Thanh Hóa, Nghệ An mưa như trút, nhiều nơi bị cô lập vì sạt lở, ngập lụt thì thời tiết Hà Nội và một số tỉnh, thành miền Bắc mưa lất phất, gió nhẹ. Đầu giờ chiều có thời điểm, một số nơi hửng nắng.
Về đặc trưng mưa của bão số 3, ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, vùng mây tập trung chính ở phần hoàn lưu phía Tây và phần phía Tây Nam của bão, nên từ hôm qua 21/7, khi bão ở phía Bắc vịnh Bắc Bộ thì các tỉnh Đông Bắc, vùng ven biển, khu vực phía Nam của vùng đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có Hà Nội đã mưa to.
Khi tâm bão di chuyển đến vùng biển ven bờ Hưng Yên - Ninh Bình, vùng mưa chính sẽ ở các tỉnh Ninh Bình, Hưng Yên, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hà Nội. Các tỉnh ở phần hoàn lưu phía Bắc của bão vẫn còn mưa gián đoạn nhưng lượng mưa không lớn như khu vực phía Nam hoàn lưu bão. Thậm chí, ở Hà Nội, nhiều lúc trời hửng nắng.

Trưa nay, nhiều khu vực ở Hà Nội trời hửng nắng. (Ảnh: Minh Đức)
Tuy nhiên, theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, theo dõi trên ảnh vệ tinh, số liệu định vị sét và ảnh ra đa thời tiết cho thấy, vùng mây ở phía bắc hoàn lưu cơn bão vẫn tiếp tục tồn tại trên các phường xã tại Hà Nội: xã Yên Bài, Đoài Phương, Phúc Thọ, Ba Vì, Ô Diên... và các phường Phú Thượng, Xuân Đỉnh, Đông Ngạc, Nghĩa Đô... Vùng mây này tiếp tục tồn tại trong vài giờ tới và có xu hướng dịch chuyển theo cơn bão.
Trong 4 giờ tới, các phường thuộc nội thành Hà Nội nói trên có mưa, mưa rào và có thể có dông. Vùng mưa dông có thể mở rộng sang các phường khác thuộc nội thành Hà Nội. Trong cơn mưa khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Dự báo từ chiều tối 22/7 đến sáng 23/7, khu vực Thanh Hóa, Nghệ An, phía Nam Phú Thọ và Sơn La mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 40-100mm, có nơi trên 200mm. Nguy cơ mưa cường suất lớn trên 150mm chỉ trong 3 giờ.
Từ chiều tối 22/7 đến chiều 23/7, các nơi khác ở Bắc Bộ và Hà Tĩnh có mưa, mưa vừa, cục bộ mưa to với lượng mưa 20-40mm, có nơi trên 100mm.
Chiều tối và đêm 22/7, cao nguyên Trung Bộ và Nam Bộ mưa rào và dông rải rác, cục bộ mưa to với lượng mưa 10-30mm, có nơi trên 70mm.