Hiệu quả vốn ưu đãi phát triển kinh tế
Đồng hành cùng thanh niên, những năm qua, Huyện đoàn Lục Nam tích cực phối hợp hỗ trợ thanh niên tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, qua đó giúp nhiều bạn trẻ khởi nghiệp, làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Trợ lực lúc khó khăn
Chúng tôi vừa đến thăm mô hình nuôi chim cu gáy của anh Nguyễn Văn Hiểu (SN 1992), thôn Phú Yên 2, xã Tam Dị. Trong câu chuyện, anh Hiểu kể, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, đầu năm 2018, anh trở về địa phương. Đang lúc không biết làm gì để phát triển kinh tế, một lần tham gia hoạt động đoàn, anh được một số đoàn viên chia sẻ về mô hình nuôi chim cu gáy nên ấp ủ ý tưởng làm giàu từ con vật này. Vốn ít, ban đầu anh chỉ làm chuồng rộng vài chục m2, nuôi 100 đôi chim bố mẹ.
Năm 2022, được Đoàn xã giúp tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (200 triệu đồng), anh Hiểu đầu tư mở rộng chuồng nuôi lên 300 m2. Hiện với 1,2 nghìn chim bố mẹ, mỗi năm anh bán từ 14 đến 15 nghìn con chim thương phẩm, thu lãi gần 300 triệu đồng. Hiện, anh Hiểu và một số bạn trẻ nuôi chim ở trong xã ấp ủ liên kết thành lập hợp tác xã để hỗ trợ nhau cùng làm kinh tế.
Qua thống kê, toàn huyện Lục Nam có 21 thanh niên phát triển kinh tế được vay 1,9 tỷ đồng từ nguồn vốn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp của tỉnh và Trung ương; gần 1,1 nghìn thanh niên được tiếp cận vốn vay ưu đãi từ Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) huyện. Nhờ sự năng động, dám nghĩ dám làm, nhiều thanh niên đã khởi nghiệp thành công. Điển hình, từ 100 triệu đồng vốn vay ưu đãi của Phòng giao dịch NHCSXH huyện, đầu năm 2023, chị Hoàng Thị Ngân (SN 1992), thôn Vũ Trù Làng, xã Vũ Xá mạnh dạn triển khai mô hình trồng rau an toàn với diện tích 7,2 nghìn m2.
Ngay năm đầu triển khai, mô hình cho lợi nhuận gần 150 triệu đồng. Tương tự, từ 200 triệu đồng vốn vay hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, bác sĩ đông y Trịnh Văn Hoàn (SN 1990), thôn Trại Va, xã Đông Phú đầu tư nâng cấp hệ thống lò chưng cất tinh dầu từ các loại cây dược liệu, cây lấy gỗ, tạo việc làm cho 6 lao động, thu nhập từ 6-8 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, anh Hoàn liên kết với 30 hộ dân trong xã trồng hơn 20 ha long não, đàn hương, trầm hương, vừa giúp bà con phát triển kinh tế, vừa bảo đảm nguồn cung cấp nguyên liệu trong tương lai.
Nâng hiệu quả nguồn vốn
Theo Phòng giao dịch NHCSXH huyện Lục Nam, đến nay tổng dư nợ các chương trình tín dụng của huyện đạt hơn 905,5 tỷ đồng với gần 16 nghìn khách hàng vay vốn. Số khách hàng trong độ tuổi thanh niên có hơn 1 nghìn với tổng dư nợ hơn 68,5 tỷ đồng. Các chương trình tín dụng lớn do Đoàn Thanh niên nhận tín chấp như: Sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, hộ nghèo, mới thoát nghèo, giải quyết việc làm…
Ông Đàm Ngọc Nga, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện cho biết: “Đa số khách hàng thanh niên đều có kiến thức kinh doanh, năng động và sử dụng vốn hiệu quả. Từ mở rộng sản xuất, nhiều thanh niên làm kinh tế giỏi tạo việc làm cho gia đình và thuê thêm lao động trên địa bàn”. Mặc dù vậy, hiện số thanh niên có nhu cầu vay vốn lớn song nguồn vốn vay Đoàn Thanh niên quản lý chỉ đáp ứng khoảng 40-50%. Một số trường hợp sau khi tiếp cận nguồn vốn ưu đãi còn lúng túng trong sử dụng dẫn đến nợ quá hạn…
Để hỗ trợ tốt hơn cho thanh niên lập thân, khởi nghiệp từ vốn tín dụng chính sách, thời gian tới, Huyện đoàn Lục Nam chủ động phối hợp với Phòng giao dịch NHCSXH huyện, các xã, thị trấn rà soát, đề xuất UBND huyện bố trí nguồn lực nhiều hơn nữa để cho vay. Đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, giới thiệu nghề... cho đoàn viên thanh niên. “Để nguồn vốn phát huy hiệu quả, chúng tôi sẽ chú trọng công tác kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở đoàn tổ chức bình xét đối tượng được hưởng thụ bảo đảm công khai, minh bạch. Quan tâm giúp các trường hợp được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách kịp thời đầu tư sản xuất, kinh doanh có hiệu quả”, đồng chí Nguyễn Văn Mạnh, Phó Bí thư Huyện đoàn Lục Nam cho biết.
Bài, ảnh: Sỹ Quyết