Hiệu quả về đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp ở huyện Gio Linh

Ngày 8/8/2017, tại hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ huyện Gio Linh khóa XVI ban hành Kết luận số 10-KL/HU về thực hiện 'Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp huyện giai đon 2017-2020, định hướng đến năm 2025' (đề án). Trong những năm qua, các cấp, ngành đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện và đã được những kết quả tích cực.

Người dân huyện Gio Linh trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC - Ảnh: T.T

Người dân huyện Gio Linh trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC - Ảnh: T.T

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Gio Linh Võ Đắc Hóa cho hay: “Thực hiện Kết luận số 10-KL/HU của BCH Đảng bộ và Nghị quyết số 03/NQHĐND của HĐND huyện về thông qua đề án, UBND huyện đã ban hành Quyết định số 2206/QĐ-UBND ngày 14/8/2017 về việc phê duyệt đề án để chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện. Ngay sau đó, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị lập kế hoạch triển khai thực hiện đề án; tập trung tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Qua đó, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về cơ cấu lại ngành nông nghiệp; phát huy tinh thần, vai trò gương mẫu trong thực hiện, vận động Nhân dân thực hiện đề án đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên”.

Đến nay, có 7/8 mục tiêu của đề án đạt và vượt kế hoạch đề ra. Các lĩnh vực trong sản xuất nông nghiệp được cơ cấu lại theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Tỉ trọng ngành nông nghiệp trong nền kinh tế đạt trên 26%.

Tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm nghiệp đạt trên 3%/năm. Sản lượng lương thực có hạt năm 2024 đạt gần 50.000 tấn, giá trị sản phẩm trồng trọt, nuôi trồng thủy sản trên một đơn vị diện tích đạt trên 80 triệu đồng/ ha. Tỉ lệ che phủ rừng đạt khoảng 54%. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 55 triệu đồng.

Hằng năm, UBND huyện chỉ đạo, tổ chức thực hiện xây dựng các mô hình nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản; đẩy mạnh áp dụng đồng bộ các giải pháp khoa học kỹ thuật mới, chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng cánh đồng lớn sản xuất lúa chất lượng cao; kêu gọi các doanh nghiệp liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, tổ chức lại sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, VietGap, nông nghiệp hữu cơ, góp phần tăng năng suất sản lượng cây trồng. Nhờ vậy, năng suất lúa năm 2024 đạt trên 57 tạ/ha, tăng hơn 10 tạ/ ha so với năm 2017.

Trong những năm qua, UBND huyện Gio Linh đã chỉ đạo phục hồi diện tích cây hồ tiêu trên địa bàn và xây dựng mô hình tưới tiết kiệm, sản xuất tiêu hữu cơ, hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất cây hồ tiêu.

Đồng thời, hướng dẫn người dân sản xuất theo quy trình chỉ dẫn địa lý, sản phẩm đưa ra thị trường có chọn lọc phân loại, đóng gói nhỏ gọn với đầy đủ thông tin. Nhờ vậy, các sản phẩm bước đầu tiếp cận thị trường ngoại tỉnh, được khách hàng đánh giá cao.

Đối với lĩnh vực chăn nuôi theo hướng trang trại ngày càng phát triển với trên 150 mô hình, trong đó có 9 trang trại đạt tiêu chí trang trại theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT, có 2 doanh nghiệp đang đầu tư chăn nuôi heo công nghệ cao với quy mô lớn ở xã Trung Sơn.

Song song đó, huyện chú trọng nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm lâm nghiệp thông qua việc trồng rừng theo hướng thâm canh, rừng chứng chỉ FSC. Đến nay, huyện có trên 1.000 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC. Bình quân hằng năm, toàn huyện trồng trên 650 ha rừng tập trung. Huyện Gio Linh đã hoàn thành việc chuyển đổi trên 1.696 ha rừng phòng hộ ít xung yếu sang phát triển rừng sản xuất.

Là địa phương có thế mạnh về biển, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp thường xuyên khuyến khích ngư dân đầu tư nâng cấp, cải hoán tàu thuyền có chiều dài từ 15 m trở lên để đảm bảo đánh bắt xa bờ và lắp thiết bị giám sát hành trình, mua sắm ngư lưới cụ, phát triển các nghề mới để khai thác thủy sản.

Đồng thời, tích cực tham gia thực hiện chương trình khai thác vùng biển xa; hướng dẫn các ngư dân thực hiện nghiêm túc các quy định về chống khai thác IUU. Hiện nay, toàn huyện có 862 tàu thuyền cơ giới khai thác thủy sản và dịch vụ với tổng công suất trên 101.000 CV.

Nhằm hỗ trợ nông dân về mọi mặt trong sản xuất, kinh doanh, huyện Gio Linh cũng chú trọng việc phát triển kinh tế tập thể. Hiện toàn huyện có 35 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, 120 tổ hợp tác với trên 7.000 thành viên. Một số HTX liên kết với doanh nghiệp để thực hiện dịch vụ từ đầu vào sản xuất đến đầu ra tiêu thụ sản phẩm, điển hình như: HTX Phước Thị, Quang Hạ, An Mỹ, Cẩm Phổ, Nhĩ Trung...

Đáng chú ý, có 7 HTX được UBND tỉnh công nhận HTX kiểu mới. Kinh tế trang trại phát triển khá về số lượng. Toàn huyện hiện có 9 trang trại đạt tiêu chí theo Thông tư 02/2020/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Tổng vốn sản xuất của các trang trại, mô hình kinh tế theo hướng trang trại đạt trên 44,2 tỉ đồng.

Các cơ sở hoạt động sản xuất trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn đã tạo ra thu nhập đáng kể cho người lao động, trung bình khoảng 5 triệu đồng/người/tháng. Nhiều mặt hàng đã có sức cạnh tranh trên thị trường như: mộc mỹ nghệ, đá xây dựng.

Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Gio Linh Nguyễn Văn Giảng, qua đánh giá tổng kết Đề án “Cơ cấu lại ngành nông nghiệp huyện giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025”, BCH Đảng bộ huyện khóa XVII nhìn nhận, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận thì sản lượng khai thác, nuôi trồng thủy sản chưa đạt.

Việc triển khai thực hiện đề án vẫn còn một số hạn chế như: công tác quy hoạch vùng sản xuất tập trung quy mô lớn còn chậm; số lượng sản phẩm đạt OCOP còn ít; công tác dồn điền đổi thửa, tập trung ruộng đất, xây dựng cánh đồng mẫu lớn chưa cao; việc huy động, lồng ghép các nguồn lực để đầu tư cho cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới còn dài trải...“Vì vậy, BCH Đảng bộ huyện đặt ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục thực hiện đề án đến năm 2030 với những chỉ tiêu cụ thể.

Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp huyện theo hướng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của huyện. Không ngừng nâng cao thu nhập, chất lượng sống cho người lao động nông nghiệp và người dân nông thôn. Nâng cao chất lượng sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giá trị. Ứng dụng khoa học công nghệ và sản xuất, phục vụ phát triển ngành nông nghiệp. Chú trọng phát triển kinh tế nông thôn theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”, ông Giảng cho biết thêm.

Trần Thanh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/hieu-qua-ve-day-manh-co-cau-lai-nganh-nong-nghiep-o-huyen-gio-linh-191485.htm
Zalo