Hiệu quả tuyên truyền qua phiên tòa xét xử lưu động
Các phiên tòa xét xử lưu động không chỉ mang tính chất răn đe, nghiêm trị đối tượng phạm tội mà còn là hình thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật hiệu quả, góp phần tích cực trong công tác phòng, chống tội phạm.
Mới đây, tại Trung đoàn 990 (Bộ CHQS tỉnh Kon Tum), Tòa án quân sự Khu vực 1 phối hợp với Viện Kiểm sát quân sự Khu vực 52 mở phiên tòa lưu động xét xử sơ thẩm vụ án hình sự “Cố ý gây thương tích” đối với các bị cáo Trần Văn Giang và Nguyễn Hữu Hoàn. Phiên tòa có sự theo dõi của đông đảo cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ và nhân dân 9 xã, thị trấn vùng sâu, vùng xa của huyện Sa Thầy (Kon Tum).
Theo cáo trạng, ngày 13-6-2023, đang trong thời gian nghỉ phép tại gia đình tại xã Ia Chim, TP Kon Tum, bị cáo Trần Văn Giang (Binh nhất, Đội 1, Đại đội Trinh sát, Phòng Tham mưu, Bộ CHQS tỉnh Kon Tum) và Nguyễn Hữu Hoàn (người dân) chở nhau cùng đi hòa giải mâu thuẫn cho bạn gái của Giang với Trần Nguyễn Hoàng Kim.
Tại đường Nguyễn Thị Cương, nhóm của Trần Nguyễn Hoàng Kim (trong đó có: Lê Thành Thiên, Nguyễn Hoàng Long, Cao Bá Tiến, Đào Lê Huy, Đường Chấn Sơn, Trần Nguyễn Hoàng Khiêm, Lê Nam Tiến) đang hẹn nhóm của Trịnh Minh Thảo để giải quyết mâu thuẫn trước đó. Thấy nhóm Giang tiến đến, Thiên và Long nhầm tưởng là người của nhóm Thảo nên đã cầm dao rượt đuổi. Giang và Hoàn bỏ chạy đến nhà của Nguyễn Viết Toàn để mượn một con dao tự chế, sau đó quay lại tìm nhóm Kim. Trong quá trình rượt đuổi, đánh nhau, hai xe máy trong nhóm của Kim mất lái, lao lên vỉa hè dẫn đến bị thương tích nặng. Đào Lê Huy, Cao Bá Tiến, Đường Chấn Sơn, Trần Nguyễn Hoàng Khiêm bị thương tích với tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể lần lượt là 56%; 12%; 11% và 5%.
Tại phiên tòa, hội đồng xét xử đã chú trọng phân tích nguyên nhân, điều kiện phạm tội, kiến nghị giải pháp phòng ngừa tội phạm trên địa bàn và tại các cơ quan, đơn vị. Bản án 6 năm 2 tháng tù dành cho bị cáo Trần Văn Giang, 5 năm tù cho bị cáo Nguyễn Hữu Hoàn được dư luận đồng tình ủng hộ.
Quá trình xét xử, hội đồng xét xử luôn tạo điều kiện để những người tham dự phiên tòa tiếp cận và nâng cao trình độ nhận thức về pháp luật. Binh nhất A Tú, chiến sĩ Tiểu đoàn 304, Trung đoàn 990 bày tỏ: “Thông qua phiên tòa xét xử lưu động đã giúp tôi và đồng đội rút ra những bài học, hiểu biết cặn kẽ hơn về pháp luật; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và tinh thần thượng tôn pháp luật đối với mỗi công dân”. Việc đưa vụ án ra xét xử lưu động ở nơi xảy ra vụ án vừa mang tính chất tuyên truyền, giáo dục vừa có tác dụng đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc chính sách đại đoàn kết các dân tộc của Đảng, Nhà nước và nâng cao tinh thần cảnh giác trong nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.