Hiệu quả từ tuyên truyền, dân vận trong phát triển nông nghiệp
Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, công tác tuyên truyền và dân vận đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Từ đó huy động được đông đảo tầng lớp nhân dân đồng sức, đồng lòng chung tay xây dựng nông thôn mới cũng như hoàn thành các mục tiêu phát triển nông nghiệp mà tỉnh đặt ra.
Vận động nông dân chuyển đổi tư duy trong sản xuất
Nhận thức được tầm quan trọng, vai trò của nông nghiệp đối với phát triển kinh tế địa phương, thời gian qua, nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn luôn được tỉnh Đồng Nai quan tâm bố trí; các chính sách, chương trình lớn về hỗ trợ đã được ban hành sẽ từng bước đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được xác định là một trong những nhiệm vụ đột phá trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 Nghị quyết tỉnh Đảng bộ Khóa XI và được cụ thể hóa thông qua Kế hoạch số 110-KH/TU Ban chấp hành Đảng Bộ tỉnh Đồng Nai.
Theo bà Hồ Thị Sự, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, trong thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú đến cán bộ, hội viên, nông dân. Cụ thể, nhiệm vụ trọng tâm là tuyên truyền, vận động nông dân chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang tư duy kinh tế nông nghiệp, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, đa dạng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh nông sản sạch và phù hợp với yêu cầu của thị trường.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh thông tin, hiện ngành nông nghiệp đã phối hợp cùng với các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh nỗ lực triển khai, hỗ trợ và đồng hành cùng người nông dân, doanh nghiệp trong việc xây dựng phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Trên cơ sở này, trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả nhất định. Cụ thể, đến nay đã xây dựng hình thành 9 mô hình sản xuất nông nghiệp đạt chứng nhận hữu cơ, với quy mô 28,7ha và gần 1.000ha cây trồng theo hướng hữu cơ.
Việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân sản xuất nông nghiệp theo hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm được xem là những giải pháp hiệu quả để vừa nâng cao giá trị nông sản, vừa thay đổi phương thức canh tác theo hướng bảo vệ môi trường. Qua công tác tuyên truyền, vận động, cũng góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, năm 2023, hội nông dân các cấp trong tỉnh đã tổ chức được gần 7,8 nghìn cuộc tuyên truyền với hơn 238.000 lượt cán bộ, hội viên, nông dân. Tổ chức 6 lớp tập huấn sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn...
Lồng ghép “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới
Thời gian qua, Đảng bộ tỉnh Đồng Nai luôn xác định công tác dân vận có vai trò quan trọng đặc biệt trong việc phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc để thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh nói chung cũng như thực hiện các chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn nói riêng.
Bên cạnh tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tư duy sản xuất, tỉnh cũng kết hợp, vận dụng nhiều phương thức khác như phối hợp với các cơ quan báo chí nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả kết nối vùng, phát triển ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó, tuyên truyền qua các diễn đàn nông nghiệp. Cụ thể, các cơ quan, ban ngành đã phối hợp trong việc vận động, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân, tổ chức diễn đàn nông nghiệp, phổ biến các chính sách của Trung ương, của tỉnh về phát triển nông nghiệp.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh, Liên minh hợp tác xã, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, báo, đài… tổ chức nhiều đợt tuyên truyền các mô hình sản xuất - kinh doanh giỏi, sử dụng giống mới, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, các mô hình nông nghiệp thông minh, mang lại hiệu quả sản xuất cao. Các đơn vị như Chi cục Trồng trọt, bảo vệ thực vật và thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh) cũng đã tổ chức tập huấn, tuyên truyền về nông nghiệp đô thị tại 7 địa phương vùng tây nam tỉnh Đồng Nai.
Đối với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, hệ thống dân vận tăng cường công tác giám sát, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và tích cực tham gia công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Theo đó, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã được triển khai rộng rãi, huy động được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia thông qua công tác tuyên truyền.
Đơn cử, trên địa bàn huyện Thống Nhất, nhờ vận dụng khéo léo và linh hoạt phong trào thi đua “Dân vận khéo”, vì vậy phong trào đã đi vào đời sống, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân trong quá trình triển khai các chính sách nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Toàn huyện Thống Nhất đã xây dựng được 155 mô hình điển hình “Dân vận khéo”, trong đó có nhiều mô hình về nông nghiệp, nông thôn. Cụ thể, huyện đã phát động 5 đợt ra quân làm công tác dân vận gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao tại các xã, huy động tổng nguồn lực 5 tỷ đồng, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu nông thôn mới nâng cao.
Trong giai đoạn 2020 - 2023, tại huyện Thống Nhất đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình thông qua các mô hình cụ thể trên từng lĩnh vực khác nhau như: “Vận động hội viên, nông dân chăn nuôi theo mô hình VietGAP, mô hình vận động thành lập câu lạc bộ Năng suất cao, tổ hợp tác, hợp tác xã của Hội Nông dân xã Gia Kiệm, xã Hưng Lộc, xã Gia Tân 1, xã Gia Tân 3... Việc lồng ghép công tác dân vận khéo vào xây dựng nông thôn mới đã phát huy hiệu quả, giá trị đối với huyện có đông đồng bào tôn giáo như huyện Thống Nhất.