Hiệu quả từ quyết tâm không nói khó, không kể khổ, chỉ bàn làm

Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới đã xác định, đến năm 2030, xóa bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu. Thực hiện nghị quyết này, tỉnh Bắc Kạn đặt ra quyết tâm chính trị cao, yêu cầu các địa phương 'chỉ bàn làm, không bàn lùi', tạo nên kết quả nổi bật.

Cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Bắc Kạn giúp người dân xây nhà Đại đoàn kết tại thôn Thôm Ưng, xã Mỹ Thanh, huyện Bạch Thông. (Ảnh NGUYỄN HẢI)

Cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Bắc Kạn giúp người dân xây nhà Đại đoàn kết tại thôn Thôm Ưng, xã Mỹ Thanh, huyện Bạch Thông. (Ảnh NGUYỄN HẢI)

Đến tháng 7/2024, Bắc Kạn còn 18.067 hộ nghèo và 7.472 hộ cận nghèo, trong đó, 7.266 hộ nghèo, 937 hộ cận nghèo thiếu hụt về chất lượng nhà ở; 2.878 hộ nghèo và 215 hộ cận nghèo thiếu hụt về diện tích nhà ở. Tính ra, số nhà dột nát, nhà tạm cần phải làm mới, sửa chữa ngay lên tới khoảng 3.700 nhà. Rất nhiều khó khăn, thách thức đặt ra khi số hộ cần được hỗ trợ về nhà ở quá lớn, khiến nhiều cấp ủy, chính quyền băn khoăn.

Đánh giá tình hình, tháng 7/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn quyết định ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo khó khăn về nhà ở trong hai năm 2024 và 2025.

Đây là bước cụ thể hóa chủ trương “xóa bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu” theo Nghị quyết số 42-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Theo Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bắc Kạn Đỗ Thị Minh Hoa, đây là lần đầu tiên Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành một nghị quyết riêng để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo. Nghị quyết tạo ra bước chuyển trong tư duy, huy động được cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc với phương châm cốt lõi là không nói khó, không kể khổ, chỉ bàn làm, không bàn lùi.

Năm 2024, Công an tỉnh Bắc Kạn chủ trì, phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bắc Kạn tổ chức khảo sát, thẩm định, lựa chọn được 500 hộ đủ điều kiện được hỗ trợ về nhà ở theo hình thức lắp ghép, bảo đảm tiêu chí “3 cứng” (nền cứng, khung-tường cứng, mái cứng). Hầu hết các nhà diện được hỗ trợ đều ở vùng sâu, vùng xa, rất khó khăn trong vận chuyển vật liệu.

Dân cư sinh sống thưa thớt nên việc huy động sức người giúp dựng nhà cũng hạn chế. Tuy nhiên, với quyết tâm chính trị cao nhất, Đảng bộ Công an tỉnh đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, công an các huyện, thành phố phân công cán bộ, chiến sĩ tích cực hỗ trợ các hộ dân san gạt, làm nền móng, vận chuyển vật liệu và hỗ trợ lắp ghép, xây dựng nhà ở, khẩn trương hoàn thành vượt tiến độ kế hoạch đề ra để sớm bàn giao nhà cho nhân dân. Mục tiêu đề ra là hoàn thành vào ngày 31/12/2024, song đến hết tháng 9/2024, Công an tỉnh đã hoàn thành và bàn giao toàn bộ 500 nhà.

Pác Nặm là huyện khó khăn, xa xôi nhất của tỉnh Bắc Kạn, là một trong những huyện nghèo nhất cả nước, có số hộ cần hỗ trợ nhà ở rất lớn. Tính đến tháng 12/2024, toàn huyện có 895 nhà của hộ nghèo, cận nghèo cần được hỗ trợ xây mới, sửa chữa trong năm 2025. Theo đồng chí Dương Văn Tuyến, Bí thư Huyện ủy Pác Nặm, thực hiện nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Pác Nặm đã sớm ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo có khó khăn về nhà ở trên địa bàn huyện trong hai năm 2024 và 2025. Huyện cũng đưa nhiệm vụ này thành một chỉ tiêu, kế hoạch trọng tâm trong năm 2025 và xác định nhiệm vụ này rất khó khăn, nặng nề, phải nỗ lực hoàn thành với quyết tâm chính trị cao nhất.

Huyện đã tiến hành lồng ghép các nguồn lực, nhất là nguồn từ các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 và huy động nguồn xã hội hóa từ các tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp, cá nhân. Huyện cũng vận động sự tham gia đóng góp ngày công trực tiếp của cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang, đoàn viên, hội viên các tổ chức chính trị-xã hội và cộng đồng dân cư trong quá trình thực hiện để đạt hiệu quả cao nhất.

Sau gần bốn tháng ban hành kế hoạch, đến nay, Pác Nặm đã cơ bản xác định và đề xuất được nguồn lực để hoàn thành mục tiêu xóa 895 nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo. Trong đó, nguồn lực từ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững sẽ hỗ trợ cho 90 nhà; từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số hỗ trợ cho 246 nhà; từ nguồn xã hội hóa để thực hiện 390 nhà và Quỹ vì người nghèo hỗ trợ 169 nhà.

Để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tránh tình trạng cấp ủy “khoán” nội dung này cho chính quyền, hội, đoàn thể, Tỉnh ủy Bắc Kạn đã chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát từ cấp tỉnh tới cấp huyện và xã do đồng chí Bí thư cấp ủy làm Trưởng ban. Cùng với đó, tỉnh tập trung chỉ đạo tháo gỡ triệt để những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Theo Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Đỗ Thị Hiền, vướng mắc lớn nhất là việc còn nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số chưa có đất ở hoặc có đất nhưng chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; không có kinh phí để chuyển đổi mục đích sử dụng đất… Tình trạng này còn phổ biến do người dân đã sinh sống lâu đời nhưng không quan tâm việc xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và làm nhà ở nông thôn thì không phải xin giấy phép xây dựng nên không để ý tới việc chuyển mục đích sử dụng đất. Trong khi đó, để được thụ hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở thì bắt buộc người dân phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Trước tình trạng này, cụ thể hóa nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tháng 12/2024, Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn thông qua Nghị quyết quy định chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn. Theo đó, tỉnh hỗ trợ hoàn toàn kinh phí đo đạc, lập hồ sơ địa chính khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đối với người dân tộc thiểu số.

Đặc biệt, cá nhân là người dân tộc thiểu số không có đất ở thì được giao đất hoặc chuyển mục đích sử dụng đất từ loại đất khác sang đất ở trong hạn mức và được miễn tiền sử dụng đất. Trường hợp thiếu đất ở so với hạn mức giao đất thì được chuyển mục đích sử dụng đất từ loại đất khác sang đất ở và được miễn tiền sử dụng đất đối với diện tích trong hạn mức giao. Chính sách mới này của Bắc Kạn đã “cởi” được nút thắt lớn nhất bấy lâu nay gây cản trở tiến độ thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát của tỉnh.

Từ năm 2021 đến 2024, Bắc Kạn đã xóa được hơn 3.700 nhà tạm, nhà dột nát. Năm 2025, tỉnh đặt mục tiêu và đã cơ bản bố trí được nguồn lực để xóa khoảng 3.700 nhà tạm, dột nát. Chỉ tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong năm 2025 tương đương với kết quả của ba năm thực hiện trước đó cho thấy quyết tâm chính trị rất cao của tỉnh. Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đỗ Thị Minh Hoa cho biết thêm, với tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, năm 2024, toàn tỉnh đã xóa được hơn 1.800 nhà tạm, dột nát, nhiều nhất so với các năm trước. Điều đó cho thấy, nếu thật sự nỗ lực, quyết tâm thì dù vẫn còn khó khăn về nguồn lực nhưng việc hoàn thành xóa nhà tạm, dột nát là hoàn toàn khả thi.

Thực tiễn từ việc xóa nhà tạm, nhà dột nát ở Bắc Kạn cho thấy, việc ban hành nghị quyết chuyên đề chỉ đạo quyết liệt là cần thiết và đúng đắn. Cùng với đó phải có quyết tâm chính trị cao trong toàn hệ thống chính trị để đem lại hiệu quả thực chất, góp phần nâng cao chất lượng sống của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội bền vững.

TUẤN SƠN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/hieu-qua-tu-quyet-tam-khong-noi-kho-khong-ke-kho-chi-ban-lam-post853008.html
Zalo