Hiệu quả từ những dự án trên vùng biên giới

25 năm qua, Nông-Lâm trường 196 (Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 338, Quân khu 1) đã triển khai nhiều dự án thiết thực, góp phần cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn.

Chúng tôi đi trên con đường mới được bê tông hóa đến Nông-Lâm trường 196. Hai bên đường là những rừng thông, bạch đàn, keo lá tràm rợp bóng mát, tạo cảm giác trong lành và dễ chịu. Thượng tá Phạm Quốc Tuấn, Giám đốc Nông-Lâm trường 196 cho biết: "Đường vào đơn vị mới được nâng cấp, cứng hóa bằng bê tông nên đi lại thuận tiện. Trước đây là đường đất, mưa xuống lầy lội, đi từ Nông-Lâm trường 196 ra thị trấn Cao Lộc (huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) phải mất gần 3 giờ đồng hồ với quãng đường hơn 30km".

Hơn 25 năm trước, Trung đoàn 196 trong đội hình Sư đoàn 338 (Quân khu 1) chuyển sang làm nhiệm vụ kinh tế-quốc phòng (KT-QP), mang phiên hiệu Nông-Lâm trường 196 và hành quân về vùng biên giới huyện Cao Lộc.

 Cán bộ, nhân viên Nông - Lâm trường 196 tham gia gặt lúa giúp nhân dân xã Xuất Lễ (Cao Lộc, Lạng Sơn).

Cán bộ, nhân viên Nông - Lâm trường 196 tham gia gặt lúa giúp nhân dân xã Xuất Lễ (Cao Lộc, Lạng Sơn).

Nông-Lâm trường 196 đảm nhận tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, triển khai các dự án KT-QP trên địa bàn 10 xã thuộc 3 huyện: Cao Lộc, Lộc Bình, Tràng Định của tỉnh Lạng Sơn, với chiều dài biên giới hơn 100km. Nông-Lâm trường được cấp trên cho thành lập 6 đội, đảm nhiệm các xã, cụm xã trong khu KT-QP. Các đội thực hiện "4 cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào) và "3 bám" (bám đơn vị; bám địa bàn; bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, địa phương) để nắm tình hình, tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương trong xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; hướng dẫn, hỗ trợ đồng bào các dân tộc chăn nuôi, trồng trọt, tham gia các dự án trồng và bảo vệ rừng...

Vượt qua nhiều con dốc và đi giữa những rừng thông đang kỳ cho khai thác nhựa, chúng tôi đến Đội 5 (Nông-Lâm trường 196). Trung tá Bàn Văn Thảo, Đội trưởng Đội 5 cho biết: Vừa qua, Đội huy động hàng chục ngày công của cán bộ, nhân viên giúp nhân dân địa phương phòng, chống và khắc phục hậu quả mưa lũ do hoàn lưu bão số 3 gây ra. Bên cạnh đó, Đội còn bảo đảm an toàn cho các công trình quốc phòng trên địa bàn; nắm chắc tình hình an ninh chính trị, phối hợp với các cơ quan quân sự, Bộ đội Biên phòng, kiểm lâm... để tham mưu với Đảng ủy, UBND xã Mẫu Sơn (huyện Lộc Bình) xử lý các tình huống kịp thời. Cán bộ, nhân viên của Đội thường xuyên đến từng hộ dân tuyên truyền, hướng dẫn, giúp đỡ về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, khai thác nhựa thông và kiểm tra rừng trong vùng dự án.

"Từ năm 2001 đến nay, Nông-Lâm trường 196 đã triển khai, hoàn thành gần 100 dự án, bao gồm: Trồng rừng phòng hộ, phủ xanh đồi trọc; chăn nuôi gia súc, gia cầm; hỗ trợ sản xuất; xây dựng đập chứa nước, kênh mương nội đồng; hệ thống đường giao thông nông thôn; hệ thống nước sạch sinh hoạt; các dự án xây dựng bản tái định cư biên giới; giảm nghèo bền vững... Riêng dự án trồng rừng phòng hộ thực hiện từ năm 2001 đến 2013 được hơn 1.990ha và đã bàn giao cho các hộ gia đình quản lý, chăm sóc, khai thác. Các dự án làm đường giao thông tiêu biểu có tuyến đường Ba Sơn-Pò Mã, Nà Mìu-Bó Pằm, Nóc Mò-Nà Mìu.

Các dự án nước sạch với tổng chiều dài hàng chục ki-lô-mét cung cấp nước sinh hoạt cho hàng nghìn hộ dân thuộc các xã hưởng thụ dự án ở các huyện: Cao Lộc, Lộc Bình, Tràng Định và các bản tái định cư vùng biên giới như Pò Nhùng, Co Sâu, Bắc Lệ và Nà Phát. Đơn vị triển khai hiệu quả các dự án hỗ trợ hộ nghèo như dự án trồng lúa lai, ngô lai, cây ăn quả và dự án hỗ trợ chăn nuôi, cấp cho các hộ trâu, bò, dê, lợn, gà 6 ngón.

Thông qua những dự án này, các hộ gia đình tham gia đã nhận được giống và nguồn vốn ban đầu để phát triển kinh tế gia đình, đồng thời học hỏi và áp dụng các kỹ thuật cơ bản về trồng trọt, chăn nuôi. Nhờ đó, đến nay, phần lớn hộ gia đình đã có thu nhập tương đối cao, riêng thu nhập từ rừng trồng mỗi hộ đạt khoảng 50-100 triệu đồng/năm. Bà con đã có cuộc sống tốt hơn, xây dựng nhà cửa, mua sắm trang thiết bị, tiện nghi sinh hoạt; 100% trẻ em trong độ tuổi đều được đi học”, Thượng tá Phạm Quốc Tuấn cho biết thêm.

Bài và ảnh: ĐOÀN QUỐC - DƯƠNG ĐỘI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/hieu-qua-tu-nhung-du-an-tren-vung-bien-gioi-799874
Zalo