Hiệu quả từ những công trình thủy lợi ngăn mặn giữ ngọt ở ĐBSCL

Trong những năm gần đây, các công trình thủy lợi được đầu tư tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã phát huy hiệu quả rõ rệt, giúp người dân vượt qua khó khăn do tình trạng xâm nhập mặn vào mùa khô.

Một trong những công trình thủy lợi siêu khổng lồ tại ĐBSCL được Bộ Nông nghiệp – phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp – Môi trường) đầu tư tại tỉnh Kiên Giang là hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé với tổng mức đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng. Công trình được kỳ vọng kiểm soát nguồn nước mặn, lợ, ngọt, tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái (ngọt, mặn – lợ, ngọt – lợ luân phiên) cho vùng hưởng lợi hơn 384.000 ha của 5 tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng.

Cống Âu thuyền Ninh Quới

Cống Âu thuyền Ninh Quới

Từ khi đưa vào vận hành từ mùa khô năm 2021 đến nay, hệ thống cống Cái Lớn – Cái Bé đã góp phần điều tiết nguồn nước, kiểm soát mặn hiệu quả, phục vụ tốt cho các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái ngọt, ngọt - lợ luân phiên, mặn – lợ. Kiên Giang là tỉnh được hưởng lợi nhiều nhất từ siêu công trình này vì có đến 7/15 huyện thuộc vùng Dự án với diện tích hơn 247.000 ha, chiếm 64,1% diện tích 5 tỉnh thuộc vùng Dự án hệ thống công trình thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé. Địa phương đã tiết kiệm được hàng chục tỷ đồng mỗi năm do không phải đắp hàng trăm đập tạm để kiểm soát mặn, vừa giảm ô nhiễm môi trường, vừa không ảnh hưởng đến giao thông thủy do việc đắp đập tạm gây ra, góp phần tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp – Môi trường tỉnh Kiên Giang nhận xét: "Qua việc vận hành từ năm 2021, chúng ta đã kiểm soát tốt mặn – ngọt để đảm bảo các mô hình sản xuất. Từ thời điểm cống vận hành đến nay thì chưa ghi nhận thiệt hại của bà con trong quá trình sản xuất. hai nữa là đã ổn định các mô hình hiệu quả, qua đó có 5 dạng mô hình hiệu quả đã được nhân rộng, đặc biệt một số mô hình bà con nông dân đánh giá cao nhưu mô hfnih tôn – lúa, chuyên canh 2 vụ lúa, phát triển cây ăn trái chuyên canh cũng như mô hình khóm – cau – dừa ở gò quao và châu thành".

Cống âu Rạch Mọp được vận hành tạm thời giúp kiểm soát nước mặn và trữ nước ngọt

Cống âu Rạch Mọp được vận hành tạm thời giúp kiểm soát nước mặn và trữ nước ngọt

Tuy không phải là tỉnh ven biển nhưng hằng năm vào mùa khô, tỉnh Hậu Giang cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng. Cùng với hệ thống thủy lợi Cái Lớn- Cái Bé thì Công trình Cống Âu thuyền Ninh Quới được xây dựng trên tuyến kênh xáng Quản Lộ - Phụng Hiệp, thuộc huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu đã góp phần rất lớn trong việc điều tiết, kiểm soát nước ngọt và nước mặn phục vụ trồng lúa và nuôi trồng thủy sản của người dân ở vùng giáp ranh các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang.

Ông Phạm Văn Nho, nông dân ở xã Hỏa Tiến, thành Phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, bộc bạch: Vùng đất ông đang ở trước đây phần lớn được trồng khóm do nhiễm phèn và hàng năm phải chống chọi với mặn xâm nhập. Vậy mà giờ đây không chỉ trồng lúa, người dân còn trồng được cây ăn trái cho thu nhập khá.

Cống Cái Lớn

Cống Cái Lớn

Kết quả này có được là nhờ các công trình thủy lợi do Trung ương đầu tư đã phát huy hiệu quả, sự chủ động của các ngành chức năng, của người dân trong công tác phòng chống hạn, mặn xâm nhập…

“Nhiều năm trước đây thì ở đây bà con làm cây lúa thì nó bị ảnh hưởng nguồn nước mặn, nó xèo nhưng mà hiện nay nó hỗng còn nữa. Từ khi làm cái đập Cái Lớn- Cái Bé thì bà con cũng nắm bắt được chuyển đổi cây trồng. Bà con ở đây tự tin là nguồn nước mặn này là Nhà nước sẽ khống chế được không cho lên. Nói chung là năm nay cái lúa Đông xuân của bà con người ta cũng không ngại gì cái vụ nước mặn”, ông Nho cho hay.

Ngoài các công trình thủy lợi lớn do Trung ương đầu tư, những năm qua, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cũng đã tập trung hoàn thiện hệ thống thủy lợi tại địa phương nhằm để phát triển sản xuất, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp.

Cống Cái Bè

Cống Cái Bè

Tỉnh Bạc Liêu đã đầu tư kinh phí xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi, ô đê bao khép kín tại nhiều vùng để chủ động điều tiết nước, ngăn mặn, trữ ngọt đảm bảo sản xuất hiệu quả mô hình lúa- tôm trên 40.000ha đất.

Ông Huỳnh Thanh Toàn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu cho biết, là địa phương nằm ở cuối nguồn nước ngọt, bao đời nay nông dân nơi đây chỉ chuyên nuôi tôm, tuy nhiên những năm gần đây nhờ có hệ thống đê bao khép kín nên nông dân đã chuyển sang thực hiện mô hình lúa- tôm trên 7.000ha cho thu nhập cao.

“UBND tỉnh đầu tư cái ô đê bao khép kín này là 21 cái cống thì tổng chi phí thực hiện của cái Dự án này là 114 tỷ đồng. Tất cả các cống này đóng mở theo lịch điều tiết của Ban chỉ đạo điều tiết nước thị xã Giá Rai rất là hiệu quả. Như vậy bình quân 1ha cho 1 vụ lúa và 2 vụ tôm thì 1 năm sau khi trừ hết chi phí thu được hơn 100 triệu đồng thì nông dân rất phấn khởi”, ông Toàn bày tỏ.

Tại tỉnh ven biển Sóc Trăng, Cống âu Rạch Mọp với tổng mức đầu tư 900 tỷ đồng cũng đã hoàn thành và đưa vào vận hành tạm thời để thực hiện công tác phòng, chống hạn mặn phục vụ sản xuất, dân sinh mùa khô năm 2024-2025.

Nông dân tỉnh Bạc Liêu thu nhập cao từ mô hình lúa- tôm nhờ có hệ thống đê bao khép kín

Nông dân tỉnh Bạc Liêu thu nhập cao từ mô hình lúa- tôm nhờ có hệ thống đê bao khép kín

Bước đầu công trình đã giúp kiểm soát mặn, giữ ngọt tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững cho vùng diện tích tự nhiên trên 19.000 ha trên địa bàn huyện Kế Sách, Châu Thành, Long Phú, TP. Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. Giảm thiểu ảnh hưởng do hạn mặn gây ra và tạo nguồn hỗ trợ cấp nước ngọt ứng phó trong các đợt mặn lên cao trên sông Hậu cho diện tích tự nhiên trên 36.700 ha địa bàn huyện Kế Sách, Châu Thành tỉnh Sóc Trăng và huyện Châu Thành, thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang. Công trình này cũng sẽ giúp tăng khả năng luân chuyển dòng chảy; nâng cao hiệu quả thau chua, rửa phèn và tiêu thoát nước, cải thiện môi trường vùng dự án.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng ông Trần Văn Lâu cho rằng: "Cống âu Rạch Mọp hoàn thành, đưa vào sử dụng góp phần rất lớn trong trữ ngọt, phục vụ sản xuất của người dân. Ngoài ra như cầu của tình còn rất lớn để đầu tư xây dựng cống để đảm bảo về chiến lược nguồn nước lâu dài. Được đầu tư hệ thống như vậy thì Sóc Trăng sẽ đảm bảo được nguồn nước, trữ ngọt để phục vụ cho người dân và phát triển sản xuất, góp phần phát triển kinh tế của tỉnh trong thời gian tới".

ĐBSCL với hệ thống giao thông thủy lợi chẳng chịt và trước diễn biến phức tạp, khắc nghiệt và khó lường của thời tiết thì việc chủ động xây dựng đầu tư hệ thống thủy lợi khép kín với quy mô lớn, tầm nhìn xa đã và đang giúp người dân vùng sông nước ĐBSCL chủ động được sản xuất, nuôi trồng thủy sản, tự tin đầu tư phát triển các mô hình mới, làm giàu cho gia đình và xã hội.

Tấn Phong-Thạch Hồng-Lam Hiếu/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/hieu-qua-tu-nhung-cong-trinh-thuy-loi-ngan-man-giu-ngot-o-dbscl-post1187903.vov
Zalo