Hiệu quả từ mô hình tiết kiệm 'nuôi heo' tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Từ chỗ xa lạ thậm chí còn có chút 'ngại' khi nói đến bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện tuy nhiên khi tham gia mô hình 'Tổ phụ nữ nuôi heo đất tiết kiệm tham gia BHXH tự nguyện, bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình' (mô hình), hội viên hội phụ nữ xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang đã dần thay đổi cách nghĩ về chính sách BHXH. Theo đó, mọi người không chỉ tham gia cho bản thân mà còn là những tuyên truyền viên nòng cốt vận động, tuyên truyền người dân tham gia BHXH, BHYT.

Mô hình được Hội LHPN xã Trường Long A ra mắt vào tháng 8/2023 và chọn thực hiện thí điểm tại ấp Trường Hưng, với 10 hội viên tham gia. Chia sẻ về quá trình tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình của mình, bà Nguyễn Thị Kim Sa, ấp Trường Hưng thẳng thắn chia sẻ: Tuy không đi làm công ăn lương nhưng thu nhập từ quán nước cũng ổn định, bản thân lại có sức khỏe tốt, ít khi ốm đau nên tôi không nghĩ đến mua thẻ BHYT. Mua BHXH tự nguyện thì càng không nghĩ đến vì nghĩ đến thời gian tham gia lâu mới được hưởng lương hưu nên có chút “ngại”. Tuy nhiên khi là tham gia mô hình được nghe và tư vấn chi tiết về những lợi ích của chính sách BHXH, BHYT tôi quyết định tham gia cả hai.

“Không ai dám chắc mình có thể khỏe và tự lo cho mình mãi được nhất là khi về già thì BHYT, lương hưu là hai thứ vô cùng quý giá. Thật may vì tôi được tuyên truyền đúng lúc và vẫn còn kịp để tham gia để sau này có lương hưu an dưỡng tuổi già”, chị Sa giãi bày.

Cũng theo chị Sa khi tham gia vào mô hình, Hội LHPN xã Trường Long A hỗ trợ mỗi thành viên 1 con heo đất, kèm với số vốn tiết kiệm trao tặng ban đầu là 50.000 đồng. Sau đó, các hội viên sẽ tự tiết kiệm chi tiêu sinh hoạt từ 10.000-20.000 đồng mỗi ngày để tham gia bảo hiểm, với mức thấp nhất hàng tháng là 297.000 đồng. Các chị em cũng có thể tiết kiệm nhiều hơn tùy vào thu nhập và chọn mức đăng ký theo quý hoặc năm…

Tương tự chia sẻ về hoàn cảnh của mình, bà Huỳnh Thị Kim Hằng, hội viên Chi hội Phụ nữ ấp Trường Hưng giãi bày, hoàn cảnh gia đình khó khăn, chồng đi làm thuê làm mướn, tôi ở nhà nội trợ. Nhưng để không là gánh nặng của các con sau này, tôi chọn giải pháp mỗi ngày tiết kiệm 20.000 đồng tiền đi chợ hàng ngày “nuôi heo” tiết kiệm. Nhờ tham gia mô hình này, đến nay, vợ chồng tôi đã có “thâm niên” gần 1 năm đóng BHXH tự nguyện và BHYT. Thực sự, nếu tích lũy hiệu quả thì khi lớn tuổi rồi, sẽ an tâm cho sức khỏe và bản thân hơn”.

Để có sự thay đổi về nhận thức của các hội viên về chính sách BHXH, BHYT, bà Trần Thị Bích Thủy, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Trường Hưng, tổ trưởng mô hình, cho biết: “Sau buổi sinh hoạt chi hội định kỳ hàng tháng, các chị em họp tổ phụ nữ nuôi heo đất tiết kiệm để cùng khui heo. Chị em rất vui, tự đếm số tiền của mình tiết kiệm được sau 1 tháng dành dụm, để tham gia BHXH tự nguyện, BHYT, với quyết tâm đảm bảo sức khỏe và có lương hưu khi về già”.

Chia sẻ thêm về công tác tuyên truyền, bà Võ Thị Mỹ Duyên, Chủ tịch Hội LHPN xã Trường Long A, cho hay: “Bên cạnh việc tuyên truyền, giải thích, phân tích rõ lợi ích của BHXH tự nguyện, BHYT mang lại cho bản thân, gia đình, xã hội để mỗi hội viên tham gia, chúng tôi còn phối hợp với chính quyền địa phương, BHXH huyện tăng cường lan tỏa chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước bằng nhiều hình thức. Mặt khác, huy động sự chung tay hưởng ứng của hội viên, phụ nữ để tạo sự tích lũy lâu dài, an tâm cuộc sống khi đã lớn tuổi…”.

Niềm vui của hội viên khi nuôi heo đất tiết kiệm tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.

Niềm vui của hội viên khi nuôi heo đất tiết kiệm tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.

Cũng theo bà Duyên, ban đầu tham gia mô hình, nhiều chị chỉ chọn tham gia BHYT, còn ngán ngại với BHXH tự nguyện vì đóng tiền thời gian dài mới đủ điều kiện hưởng. Sau khi nghe nhân viên BHXH tư vấn, giải thích cặn kẽ về ý nghĩa của chính sách, thấy được những lợi ích thiết thực, lâu dài khi tham gia BHXH tự nguyện, an tâm khi về già có lương hưu hàng tháng, còn được cấp thẻ BHYT miễn phí trong suốt quá trình hưởng lương hưu, nên các thành viên trong tổ tích cực tham gia.

Từ việc tuyên truyền rõ những lợi ích, sự cần thiết, tính nhân văn khi tham gia BHYT, BHXH tự nguyện, mà đến nay, sau gần 1 năm triển khai thực hiện mô hình, đã thu hút được thêm 10 hội viên, nâng tổng số lên 20 hội viên tham gia tổ phụ nữ nuôi heo đất tiết kiệm. Đa số thành viên là phụ nữ làm nghề nông, nội trợ, mua bán nhỏ,… Theo đó, hàng tháng, mỗi chị tiết kiệm được từ 300.000 - 600.000 đồng. Với cách làm này, các thành viên duy trì thực hiện đạt 100%, không có trường hợp ngừng tham gia.

Qua hiệu quả tích cực sau gần 1 năm triển khai thực hiện, Hội LHPN xã Trường Long A dự kiến vào tháng 8 tới, sẽ nhân rộng mô hình “Tổ phụ nữ nuôi heo đất tiết kiệm” này tại ấp Trường Hiệp A. Theo Hội LHPN huyện Châu Thành A, Hậu Giang, 6 tháng đầu năm nay, các cấp hội trong huyện vận động hội viên, phụ nữ đến hạn và tham gia mới được 4.433 thẻ BHYT, tham gia BHXH tự nguyện với 334 sổ.

“Bằng cách thức tham gia đơn giản, tiện lợi, tiết kiệm chủ động, phù hợp theo từng điều kiện kinh tế của hội viên, mô hình không chỉ giúp chị em hội viên có ý thức tiết kiệm, yên tâm hơn khi về già sẽ có lương hưu và thẻ BHYT, mà còn góp phần cùng với các cấp hội trong huyện nâng tỷ lệ hội viên tham gia BHYT, BHXH tự nguyện và thực hiện tốt công tác an sinh xã hội tại địa phương”, bà Nguyễn Thị Kim Cương, Chủ tịch Hội LHPN huyện Châu Thành A, Hậu Giang khẳng định.

Khanh Lê

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/hieu-qua-tu-mo-hinh-tiet-kiem-nuoi-heo-tham-gia-bao-hiem-xa-hoi-bao-hiem-y-te-10287071.html
Zalo