Hiệu quả từ mô hình Chính quyền thân thiện
Đến nay, 100% đơn vị cấp xã trong tỉnh đã hoàn thành việc ra mắt, đưa vào hoạt động mô hình Chính quyền thân thiện.
Hiệu quả từ mô hình tiếp tục khẳng định cam kết của tỉnh trong việc đổi mới mạnh mẽ lề lối làm việc của chính quyền cấp xã từ “mệnh lệnh hành chính” sang “phục vụ, hướng dẫn, vận động, thuyết phục” người dân, doanh nghiệp, nâng chất cải cách hành chính (CCHC) về mọi mặt.
Vì dân phục vụ…
Điểm chung của mô hình Chính quyền thân thiện trong CCHC ở các đơn vị cấp xã là cán bộ công chức luôn nằm lòng phương châm “4 xin”, “4 luôn”, “5 không”. Trong đó, “4 xin” là: xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép. “4 luôn” là: luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ. “5 không” là: không cửa quyền, hách dịch, gây khó khăn, phiền hà; không quan liêu vô cảm, vô trách nhiệm; không tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm; không xu nịnh, chạy chọt, gian dối; không lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thực thi công vụ.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh (ngụ xã Long Phước, huyện Long Thành), việc giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) hiện nay rất thuận lợi. Cán bộ, công chức tại bộ phận một cửa và chính quyền luôn nhiệt tình hỗ trợ, hướng dẫn chi tiết các TTHC cần thiết; đối với những thủ tục đơn giản có thể được giải quyết ngay mà không cần phải chờ đợi lâu.
Đến cuối tháng 8-2024, công tác CCHC trong toàn tỉnh tiếp tục bám sát kế hoạch, mục tiêu đề ra trong năm 2024. Trong đó, cải cách thể chế được quan tâm chỉ đạo quyết liệt; việc ban hành, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện nghiêm túc, kịp thời. Kiểm soát TTHC, hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết TTHC thực hiện theo quy định, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn được duy trì ở mức cao, đạt trên 97%…
Đây cũng là chia sẻ của ông Trần Minh Tuấn (ngụ xã Phú Đông, huyện Nhơn Trạch). Ông Tuấn bộc bạch: “Các TTHC đơn giản đều được cán bộ, công chức ở Bộ phận Tiếp nhận, trả kết quả của xã giải quyết ngay, thậm chí có thủ tục giải quyết chưa đến 2 giờ. Mô hình Chính quyền thân thiện thực sự hiệu quả, vì lợi ích người dân; giúp chúng tôi càng tin tưởng hơn vào chính quyền”.
Trong lễ ra mắt thí điểm mô hình Chính quyền thân thiện tại phường Tân Phong (thành phố Biên Hòa), vợ chồng anh Nguyễn Xuân Tuyến - chị Lưu Thị Hạnh thực sự xúc động khi được lãnh đạo tỉnh, thành phố và phường chúc mừng, chia sẻ niềm vui.
“Ngày cơ quan chức năng trao giấy chứng nhận kết hôn cho vợ chồng tôi có sự chứng kiến của lãnh đạo địa phương khiến chúng tôi rất vui” - chị Hạnh chia sẻ.
Gắn kết chính quyền với công dân
Theo Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, xây dựng mô hình Chính quyền thân thiện là nhiệm vụ quan trọng của hệ thống chính trị các cấp, nhằm phát huy dân chủ, chủ động nắm bắt tình hình đời sống, tâm tư nguyện vọng, giải quyết kịp thời kiến nghị, vấn đề bức xúc của nhân dân, thực hiện công khai, minh bạch các chủ trương, quyết định có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người dân, doanh nghiệp.
Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, đến cuối tháng 8-2024, 100% (170/170) đơn vị cấp xã đã hoàn thành việc ra mắt mô hình Chính quyền thân thiện và hiệu quả thực tiễn đã được người dân, doanh nghiệp đánh giá cao.
Chủ tịch UBND phường Tân Phong Nguyễn Thị Thanh Thủy cho hay, Tân phong là một trong những phường có diện tích lớn của thành phố Biên Hòa, dân số hơn 70 ngàn người, trong đó hơn 50% là lao động từ nhiều nơi khác đến. Để thực hiện mô hình Chính quyền thân thiện, cả hệ thống chính trị địa phương hành động theo phương châm “Chân thành, tích cực, thận trọng, kiên trì, tế nhị, hiệu quả”, hướng đến sự hài lòng của người dân, làm hết việc chứ không kể hết giờ và gắn kết giữa chính quyền với công dân.
Tại xã Phú Đông, thực hiện chỉ đạo của tỉnh và huyện Nhơn Trạch, cán bộ ở Bộ phận Một cửa của xã khi thực hiện nhiệm vụ CCHC đã thấm nhuần phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”; “nghe dân nói”, “nói dân hiểu”, “hướng dẫn dân làm”, “làm dân tin” và phương châm “chân thành, tích cực, thận trọng, kiên trì, tế nhị, hiệu quả”, hướng đến sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.