Hiệu quả từ chương trình giáo dục tài chính cho học sinh

Việc trang bị kỹ năng về quản lý tài chính không còn quá xa lạ đối với học sinh THPT. Điều này không chỉ giúp các em biết sống trách nhiệm, trân quý giá trị lao động, biết chia sẻ với gia đình mà còn là nền tảng quan trọng giúp các bạn trẻ biết lập kế hoạch ngân sách cho cuộc sống ở hiện tại và tương lai.

Giảng viên Học viện Ngân hàng - Phân viện Phú Yên trang bị kiến thức về tài chính thông minh cho học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ. Ảnh: NHƯ THANH

Giảng viên Học viện Ngân hàng - Phân viện Phú Yên trang bị kiến thức về tài chính thông minh cho học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ. Ảnh: NHƯ THANH

Giáo dục tài chính thông minh

Không quá gò bó với các lý thuyết về tài chính cá nhân, chương trình giáo dục Tài chính thông minh vừa được Học viện Ngân hàng - Phân viện Phú Yên (BAP) phối hợp cùng Trường THPT Nguyễn Huệ tổ chức đã thu hút sự tham gia nhiệt tình của học sinh.

Chương trình được triển khai bằng hình thức thuyết trình, tổ chức cho các em tham gia trò chơi. Học sinh trong lớp được chia thành từng nhóm, lên ý tưởng với các chủ đề khác nhau xung quanh vấn đề tài chính cá nhân. Các thành viên cùng thảo luận và đưa ra các quyết định về việc làm, thu nhập, mua sắm, chi tiêu, tiết kiệm và ứng phó với các tình huống bất ngờ… để đạt được mục tiêu cuối cùng là mang đến chất lượng cuộc sống tốt nhất.

Tham gia thuyết trình với chủ đề về tiết kiệm, em Lê Tưởng Bảo Hoàng, học sinh lớp 10A7 Trường THPT Nguyễn Huệ, cho biết: Em cùng các bạn trong nhóm đã đưa ra khá nhiều phương án để có thể tiết kiệm được tiền. Ví dụ như từ tiền tiêu vặt được cha mẹ cho, tiền lì xì đầu năm… Nhờ thầy cô hướng dẫn, em hiểu được để làm ra đồng tiền lo cho chúng em đến trường, mua sắm quần áo…, ba mẹ đã phải lao động vất vả. Không có đồng tiền nào tự nhiên đến với chúng ta nếu chúng ta không lao động, không nghiên cứu, học hỏi. Thông qua chương trình, em hiểu được ý nghĩa của việc tiết kiệm chi tiêu.

Còn theo Trần Khánh An, học sinh lớp 10A3, với những kiến thức cơ bản về tài chính được thầy cô truyền đạt, em khá hào hứng trình bày ước muốn trở thành một doanh nhân. An chia sẻ: Em mong ước thành lập một doanh nghiệp để thỏa ước mơ kinh doanh của mình. Em đang cố gắng rèn luyện, học tập để tích lũy kiến thức và cũng đã bắt đầu tìm hiểu về tài chính, hoạt động doanh nghiệp thông qua các tài liệu tham khảo trên mạng. Ở lứa tuổi học sinh, em thấy quản lý tài chính là cần thiết, có thể giúp mình biết cách sử dụng đồng tiền hợp lý.

Hiểu để ứng xử đúng

Trong bối cảnh nền kinh tế phát triển nhanh chóng, việc quản lý tài chính cá nhân và gia đình ngày càng trở nên quan trọng. Vì thế, trang bị kỹ năng quản lý tài chính cá nhân cho học sinh sẽ là bước đệm vững chắc cho tương lai các em. Thông qua chia sẻ từ các giảng viên của BAP tại buổi học tập trải nghiệm, học sinh được cung cấp kiến thức về lịch sử đồng tiền Việt Nam, giá trị của tiền; cách xây dựng kế hoạch tài chính cá nhân khi bước vào môi trường đại học; tài chính số và các kỹ năng quản lý tài chính trong thời đại công nghệ…

Cô Phạm Thị Lộc, giáo viên Trường THPT Nguyễn Huệ chia sẻ: Trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, giáo dục tài chính được tích hợp linh hoạt trong các môn học và hoạt động giáo dục thông qua các bài tập tình huống, gần gũi hơn là thông qua các hoạt động trải nghiệm. Đây là một kỹ năng mềm cần thiết đối với học sinh nhằm phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực cho học sinh. Đồng thời, chương trình sẽ giúp học sinh biết giá trị của đồng tiền, biết cách tiêu tiền, biết quý công sức, hiểu những vất vả của cha mẹ trong việc kiếm tiền để có cách ứng xử đúng đắn.

Theo ThS Nguyễn Thị Mỹ Dung, Phó Trưởng khoa Tài chính (BAP), sự phối hợp giữa đơn vị và Trường THPT Nguyễn Huệ không chỉ hướng đến việc nâng cao nhận thức tài chính cho học sinh mà còn tạo nền tảng kết nối mạnh mẽ giữa giáo dục phổ thông và giáo dục đại học. Đây là chương trình được thực hiện thường xuyên của BAP trong việc mang lại những giá trị thiết thực, phục vụ cộng đồng nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức và kỹ năng quan trọng, hỗ trợ các em xây dựng nền tảng tài chính cá nhân vững chắc ngay từ giai đoạn còn ngồi trên ghế nhà trường.

Nhà trường sẽ tiếp tục triển khai các chương trình giáo dục tài chính tại các trường THPT trên địa bàn tỉnh và các khu vực lân cận. Chúng tôi đặt mục tiêu tích hợp thêm các nội dung về công nghệ tài chính (Fintech) và phương pháp quản lý tài chính hiện đại, để phù hợp hơn với nhu cầu của thế hệ trẻ trong thời đại số hóa. Đây không chỉ là một phần trong sứ mệnh phục vụ cộng đồng mà còn thể hiện cam kết lâu dài trong việc xây dựng nền tảng tài chính bền vững cho thế hệ trẻ.

ThS Nguyễn Thị Mỹ Dung, Phó Trưởng khoa Tài chính (BAP)

NHƯ THANH

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/79/324737/hieu-qua-tu-chuong-trinh-giao-duc-tai-chinh-cho-hoc-sinh.html
Zalo