Hiệu quả truyền thông giảm nghèo ở một huyện miền núi
Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, thời gian qua, bên cạnh phát huy hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước, huyện Đakrông còn đẩy mạnh công tác truyền thông giảm nghèo. Điều này đã góp phần nâng cao nhận thức, từng bước xóa bỏ tâm lý trông chờ, ỷ lại của người dân; nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Dù được tổ chức trong thời gian ngắn song hội thi “Truyền thông về giảm nghèo” do huyện Đakrông tổ chức trong năm 2024 đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng các thí sinh lẫn khán giả.
Tại đây, bằng tài năng, vốn hiểu biết của mình, 9 đội thi đến từ các địa phương trên địa bàn toàn huyện đã tranh tài qua 3 phần thi gồm: văn nghệ, trả lời kiến thức và tiểu phẩm truyền thông về nội dung giảm nghèo; tuyên truyền về công tác cải cách hành chính, các tiện ích và ứng dụng dịch vụ công. Nhiều tiểu phẩm được xây dựng từ thực tiễn đời sống của các địa phương nhận được sự đánh giá cao từ phía Ban giám khảo.
Hội thi “Truyền thông về giảm nghèo” được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, của người nghèo, cận nghèo và cộng đồng dân cư trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, với mục đích khơi dậy ý thức tự lực vươn lên thoát nghèo. Đồng thời, nhân rộng các gương điển hình giảm nghèo bền vững, tạo sự lan tỏa sâu rộng, hiệu quả trong cộng đồng.
Qua đó, truyền tải những thông điệp ý nghĩa, sáng tạo, góp phần tích cực trong việc thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo tại các địa phương trong huyện.
Là thành viên của đội đoạt giải Nhất tại hội thi, chị Phan Thị Thanh Nhàn, công chức văn hóa - xã hội, phụ trách lĩnh vực văn hóa, thông tin, thể thao xã Ba Lòng cho hay: “Tôi cảm thấy rất vui, không chỉ vì đoạt giải cao mà còn vì có cơ hội tiếp thu thêm nhiều kiến thức bổ ích. Sau cuộc thi, tôi cũng áp dụng thành công những cách làm hay mà bản thân lĩnh hội được về tuyên truyền cho người dân địa phương, qua đó, giúp họ mạnh dạn phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng trên quê hương”.
Song song với hội thi “Truyền thông về giảm nghèo” năm 2024, thời gian qua, huyện Đakrông cũng đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm thực hiện hiệu quả Dự án 6 “Truyền thông và giảm nghèo về thông tin”, thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025.
Là cơ quan được phân công triển khai nhiệm vụ này, Phòng Văn hóa và Thông tin (VH&TT) đã tham mưu UBND huyện ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, người dân về Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.
Đồng thời, xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn, chủ động lồng ghép việc tuyên truyền thông tin giảm nghèo cho người dân địa phương thông qua loa phát thanh, các buổi họp, ngày hội đại đoàn kết... Đáng chú ý là trong năm 2024, phòng VH&TT huyện đã phối hợp với Báo Quảng Trị thực hiện sản xuất 15 bài viết và 10 video clip đăng tải trên báo in, báo điện tử.
Đó là các sản phẩm tuyên truyền về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bài phản ánh về kỹ năng, kinh nghiệm, mô hình sản xuất, kinh doanh của người dân trên địa bàn. Thông qua các bài viết, video, người dân không chỉ có thêm thông tin, kiến thức mà còn học hỏi kinh nghiệm về trồng trọt và chăn nuôi, những mô hình kinh tế hiệu quả, kiến thức hữu ích để áp dụng, từ đó có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững, từng bước tiếp cận, hòa nhịp chuyển đổi số. Anh Hồ Văn Tri, sống tại thôn Klu, xã Đakrông nói: “Nhờ nghe đài, đọc báo mà tôi học hỏi thêm nhiều kiến thức chăn nuôi để áp dụng trong chăn nuôi bò. Bò không chỉ phát triển khỏe mạnh mà còn sinh sản tốt, giúp vợ chồng tôi cải thiện được cuộc sống”.
Với nhiều hình thức tuyên truyền, vận động thiết thực đã tạo nên sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong công tác giảm nghèo; nhiều hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đã có sự thay đổi và chuyển biến nhận thức đối với mục tiêu giảm nghèo của Đảng và Nhà nước đã đề ra; khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo và sử dụng có hiệu quả các chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo.
Nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể và Nhân dân về công tác giảm nghèo có nhiều chuyển biến tích cực; nhiều hộ nghèo có ý thức, ý chí chủ động vượt khó, vươn lên thoát nghèo.
Không những thế, thông qua hoạt động truyền thông, các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước được triển khai kịp thời, đầy đủ đến tận người dân, có hiệu quả và đúng quy định; người nghèo được tiếp cận nhanh chóng, thuận lợi, phát huy tác dụng của các chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục, tín dụng, thông tin, điện, nước sạch vệ sinh môi trường, giải quyết việc làm, nhà ở ...
Trưởng phòng VH&TT huyện Đakrông Phan Xuân Liệu cho biết: “Mục tiêu của Dự án 6 là hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống. Qua đó, đảm bảo hiệu quả công tác giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo. Qua các nguồn vốn được lồng ghép từ những chương trình, dự án, Phòng VH&TT huyện đã chủ động phối hợp với các địa phương, đơn vị trong và ngoài huyện tăng cường tuyên truyền về công tác giảm nghèo. Trọng tâm là xây dựng và lan tỏa các tin, bài, phóng sự, chuyên đề, chuyên mục... về các mô hình sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Từ đây, góp phần thay đổi nhận thức của người dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số về công tác giảm nghèo. Phòng sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND huyện triển khai toàn diện công tác truyền thông giảm nghèo về thông tin đến người dân, đảm bảo đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung”.
Trong năm 2025 và những năm tiếp theo, các cơ quan, đơn vị, ngành, địa phương trên địa bàn huyện tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong công tác truyền thông và giảm nghèo về thông tin nhằm giúp người nghèo, hộ nghèo và cận nghèo chủ động hơn trong tiếp cận chính sách, tìm kiếm nguồn hỗ trợ cũng như học hỏi kinh nghiệm, giải pháp để thoát nghèo bền vững, từng bước tiếp cận, sử dụng các nền tảng, dịch vụ số của tỉnh đang triển khai.