Hiệu quả trong thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi dành cho đồng bào dân tộc thiểu số
Triển khai đồng bộ các giải pháp về thực hiện Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Nghị định số 28), đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS tỉnh Đắk Nông đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Trong những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh đã phối hợp tốt với các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tổ chức triển khai thực hiện cho vay đúng đối tượng thụ hưởng, đảm bảo công khai, minh bạch. Tổng dư nợ cho vay đến đầu năm 2024 đạt 20.800 triệu đồng, với 364 hộ còn dư nợ. Cụ thể, cho vay hỗ trợ nhà ở dư nợ đạt 6.600 triệu đồng với 164 hộ vay còn dư nợ; cho vay hỗ trợ đất ở 50 triệu đồng với 01 hộ còn dư nợ; cho vay hỗ trợ đất sản xuất đạt 5. 723 triệu đồng với 84 hộ còn dư nợ; cho vay hỗ trợ chuyển đổi nghề đạt 8.427 triệu đồng với 115 hộ còn dư nợ.
Hầu hết các địa phương đều bám sát nội dung Nghị định số 28 để triển khai rà soát, tổng hợp phân loại, lập danh sách đăng ký theo từng nội dung nhà ở, đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề theo quy định. Các Điểm giao dịch, Tổ Tiết kiệm và Vay vốn cho vay đúng đối tượng, hộ giao dịch sau khi vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, bước đầu đã mang hiệu quả, đặc biệt là 164 hộ vay vốn hỗ trợ nhà ở đã thực hiện xây dựng nhà ở theo đúng quy định.
Để nâng cao hiệu quả thực hiện Nghị định số 28, Ban Dân tộc tỉnh, các địa phương và Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Đắk Nông cùng mạng lưới: tổ tiết kiệm và vay vốn, điểm giao dịch; thực hiện ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội đã triển khai công tác tuyên truyền về chính sách tín dụng ưu đãi bằng nhiều hình thức khác nhau: Phối hợp với Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh thực hiện tuyên truyền, phát thanh trên sóng phát thanh của Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, trên hệ thống truyền thanh của các xã, thôn… để các cá nhân, tổ chức có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn được tiếp cận nhanh chóng, thuận lợi.
Cùng với đó, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh đã kịp thời tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ ngân hàng, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, Ban quản lý Tiết kiệm và Vay vốn; đồng thời chỉ đạo Phòng Giao dịch chủ động tham mưu, báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp với tổ chức chính trị - các cấp thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, triển khai cho vay kịp thời đến đúng đối tượng thụ hưởng. Hồ sơ, thủ tục vay vốn được thiết kế đảm bảo đơn giản, dễ thực hiện. Cùng với đó, thường xuyên cập nhật thông tin các chương trình tín dụng, đối tượng, lãi suất, mức vay, thời hạn, quy trình, thủ tục vay vốn… trên website Chi nhánh và niêm yết công khai trên bảng thông báo chính sách tại UBND cấp xã để các đối tượng thụ hưởng biết, thực hiện và giám sát.
Việc tổ chức triển khai thực hiện các điểm giao dịch tại trụ sở của 71/71 UBND cấp xã vừa tạo điều kiện thuận lợi trong việc giao dịch, tiếp cận các chính sách tín dụng ưu đãi của Chính Phủ, vừa giảm được mọi chi phí cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố, các phòng, ban có liên quan đã chủ động phối hợp với các phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh huyện, cùng các đơn vị nhận ủy thác, ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn tổ chức rà soát nhu cầu, kế hoạch 2024-2025. Theo đó, dự kiến nhu cầu vốn giai đoạn 2024-2025 là 19.085 triệu đồng (năm 2024: 10.190 triệu đồng và năm 2025: 8.895 triệu đồng; nhu cầu vay hỗ trợ: nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề).
Tuy nhiên, mức cho vay hỗ trợ đất ở và đất sản xuất còn thấp trong khi kinh phí chuyển nhượng đất hiện nay khá cao. Mặt khác, mức hỗ trợ vay vốn cho các đối tượng theo Nghị định số 28 bị khống chế bởi hạn mức cho vay đối với hộ nghèo (không vượt quá 100 triệu đồng/hộ) nên nhiều hộ không được vay các nội dung hỗ trợ theo Nghị định 28 nếu đã vay các gói của chương trình, dự án khác; hoặc được vay hỗ trợ nội dung này nếu có nhu cầu vay nội dung khác cũng không thể vay vì vượt hạn mức. Đây cũng là nguyên nhân làm hạn chế việc tiếp cận nguồn vốn chính sách ưu đãi giúp hộ nghèo vùng đồng bào DTTS phát triển kinh tế, thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Thời gian tới, để đẩy mạnh hiệu quả thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi dành cho đồng bào DTTS, UBND tỉnh đã kiến nghị với Ngân hàng Chính sách xã hội nâng hạn mức cho vay đối với hộ nghèo hoặc tách đối tượng được vay vốn theo Nghị định số 28 riêng, để các đối tượng thụ hưởng Chương trình được tiếp cận nguồn vốn nhiều hơn, ổn định cuộc sống. Đồng thời, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ban Dân tộc, UBND các huyện tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách theo Nghị định số 28; rà soát, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện Nghị định số 28.
Bên cạnh đó, chỉ đạo các phòng, ban có liên quan tích cực phối hợp, thực hiện rà soát tổng thể, kịp thời xác nhận, phê duyệt danh sách đối tượng đủ điều kiện thụ hưởng chính sách theo Nghị định 28 làm cơ sở để Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân vốn. Đối với hai nội dung hỗ trợ để đối tượng thụ hưởng tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi.