Hiệu quả tầm nhìn chuyển đổi số

Chuyển đổi số quốc gia Việt Nam luôn được Đảng và Nhà nước xác định lấy người dân, doanh nghiệp (DN) làm trung tâm, chủ thể, động lực, nguồn lực, mục tiêu của sự phát triển. Thực tế thời gian qua đã chứng minh các chính sách, chương trình đã phát huy giá trị sâu sắc, hiệu quả cao, để người dân, DN thụ hưởng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Ngày 12/10/2024 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì chương trình chào mừng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024 (10/10).

Chính phủ đã có Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và cả hệ thống chính trị đã vào cuộc hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân.

Chuyển đổi số ở đất nước ta đang như một cuộc cách mạng số, làm thay đổi nhận thức, tạo ra bước ngoặt thay đổi vô cùng lớn. Nhiều năm trước, văn hóa dùng tiền mặt từng là thói quen, nếp sống; thì nay đã thay đổi hoàn toàn. Ngày nay, với nhiều người, từ ăn một bát phở sáng, uống một ly cà phê… đều trả tiền bằng quét mã QR. Đó là một trong những sự nhận diện về “cách mạng số” gần gũi nhất. Chuyển đổi số ở nước ta đã “đến từng ngõ, gõ từng nhà, qua mỗi người”.

Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số đã và đang hình thành, tạo ra những bước chuyển biến mới trong xã hội. Đảng và Chính phủ đã có nhiều cơ chế, chính sách đầu tư hạ tầng số; tạo thuận lợi cho người dân và DN mở rộng kinh doanh; các tổ chức chính trị - xã hội được tham gia sâu và hiệu quả hơn trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Trong quá trình này, Việt Nam bước đầu đã có những DN công nghệ số có năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm từng có bài viết, trong đó nhận định chuyển đổi số là “động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng cùng quan điểm và đánh giá dù còn không ít khó khăn, thách thức nhưng “công cuộc chuyển đổi số khó bằng những khó khăn, thử thách mà dân tộc ta đã vượt qua trong lịch sử”.

Tầm nhìn đến năm 2030 của Việt Nam là trở thành quốc gia số, phát triển thịnh vượng, tiên phong ứng dụng các công nghệ mới và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện phương thức quản lý, điều hành; chuyển đổi phương thức sản xuất, kinh doanh của DN; lối sống, làm việc và học tập của người dân; phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, bao trùm, rộng khắp.

Để thực hiện được mục tiêu, Chính phủ đã, đang tập trung vào 4 ưu tiên chính: 1. Ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông; 2. Ưu tiên số hóa các ngành kinh tế gắn với tăng năng suất lao động xã hội, sản lượng, quản lý và đổi mới sáng tạo; 3. Ưu tiên quản trị số; 4. Ưu tiên phát triển dữ liệu số.

Chuyển đổi số quốc gia Việt Nam luôn được Đảng và Nhà nước xác định lấy người dân, DN làm trung tâm, chủ thể, động lực, nguồn lực, mục tiêu của sự phát triển. Thực tế thời gian qua đã chứng minh các chính sách, chương trình đã phát huy giá trị sâu sắc, hiệu quả cao, để người dân, DN thụ hưởng.

Ngô Đức Hành

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/hieu-qua-tam-nhin-chuyen-doi-so-post528471.html
Zalo