Hiệu quả phối hợp 6 bên trong phát triển nông nghiệp
Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Sở Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh An Giang, Hội Nông dân tỉnh, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh đã phối hợp thực hiện nhiều hoạt động đạt kết quả. Mục tiêu nhằm phát triển ngành nông nghiệp, gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Định kỳ trước mỗi mùa vụ, Sở NN&PTNT cung cấp kế hoạch sản xuất mùa vụ, gửi đến các sở, ngành liên quan, đặc biệt là Sở Công Thương và các doanh nghiệp (DN) kinh doanh xuất khẩu để có kế hoạch sản xuất phù hợp. Đồng thời, tích cực hỗ trợ các DN kinh doanh xuất khẩu gạo và nông sản tiêu thụ các mặt hàng nông sản kịp thời cho nông dân.
Theo Sở NN&PTNT, trên địa bàn tỉnh có 21 DN tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, với 29 HTX, 2 liên hiệp HTX, nông dân. Hơn 10 DN, 1 nông trại và 4 hộ thu mua liên kết sản xuất và tiêu thụ rau màu các loại. 13 DN, HTX liên kết sản xuất và tiêu thụ cây ăn trái. Trong chăn nuôi, tỉnh có 8 xã thuộc 5 huyện, thị xã, thành phố tham gia nuôi gia công heo thịt, gà thịt và vịt thịt cho Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam. Đầu năm 2024 đến nay, đã xuất chuồng hơn 10.100 con heo thịt, 470.000 con gà thịt, 150.000 con vịt. Trong lĩnh vực thủy sản, diện tích liên kết tiêu thụ cá tra gần 1,1ha. Riêng chương trình OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), toàn tỉnh có 108 sản phẩm được đánh giá và phân hạng đạt chứng nhận “Sản phẩm OCOP”, trong đó có 2 sản phẩm đạt 5 sao, 10 sản phẩm đạt 4 sao...
Để mời gọi đầu tư về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Sở NN&PTNT đã phối hợp các đơn vị xây dựng biên bản ghi nhớ 4 bên giữa Sở NN&PTNT, Hội Nông dân tỉnh, Liên minh HTX tỉnh và Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An. Phối hợp hỗ trợ các DN, như: Công ty Antesco, Công ty TNHH XNK Đại Dương Xanh, Công ty TNHH Lương thực Tấn Vương, Công ty TNHH Angimex Kitoku, Công ty Thiện Phát… liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa màu, cây ăn trái.
Nổi bật trong công tác tổ chức các sự kiện quảng bá sản phẩm, Sở NN&PTNT phối hợp Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (thuộc Bộ NN&PTNT) và Công ty TNHH Công nghệ TikTok Việt Nam tổ chức thành công Chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên nền tảng TikTok. “Chương trình có sự tham gia của 12 nhà sáng tạo nội dung trên TikTok, trực tiếp giới thiệu 125 sản phẩm của 22 DN, chủ thể OCOP. Kết quả, sau 4 giờ livestream đã thu hút 31,6 triệu lượt tiếp cận, nhận được 17.800 đơn hàng, doanh thu hơn 3 tỷ đồng. Đây là một kỷ lục không chỉ của An Giang, mà là kỷ lục đối với tất cả các phiên chợ bán nông sản trên nền tảng TikTok Shop đã tổ chức trong hơn 1 năm qua trên toàn quốc” - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang Lê Trung Hiếu chia sẻ.
Các đơn vị còn tổ chức thành công Hội chợ Thương mại quốc tế Tịnh Biên - An Giang, quy mô trên 300 gian hàng của hơn 120 DN các tỉnh, thành phố trong cả nước và DN của Vương quốc Campuchia, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tham dự. Tham dự các sự kiện hội chợ - triển lãm, hội nghị - tập huấn, hội thảo, diễn đàn trong, ngoài tỉnh. Phối hợp trong công tác xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả.
Ngành nông nghiệp tỉnh còn phối hợp triển khai Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL”. Triển khai các chính sách tín dụng hỗ trợ nông nghiệp, giải quyết khó khăn, vướng mắc, triển khai cơ chế chính sách liên quan tiền tệ giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận.
Theo Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh An Giang Trần Minh Chánh, dư nợ tín dụng trên địa bàn đến cuối tháng 6/2024 là 119.154 tỷ đồng, tăng 5,89% so cuối năm 2023. Trong đó, dư nợ cho vay lĩnh vực ưu tiên phát triển nông nghiệp, nông thôn đến cuối tháng 6/2024 dư nợ cấp tín dụng đạt 75.781 tỷ đồng (dư nợ cho vay phục vụ sản xuất, thu mua xuất khẩu lúa gạo 17.887 tỷ đồng, dư nợ cho vay nuôi trồng, thu mua và chế biến thủy sản xuất khẩu 15.897 tỷ đồng). Dư nợ cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp của Ngân hàng Agribank An Giang 183,8 tỷ đồng, với doanh số cho vay từ đầu chương trình là 790 tỷ đồng. Dư nợ cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg là 5,15 tỷ đồng, số khách hàng còn dư nợ là 32 khách hàng, doanh số cho vay từ đầu chương trình 9.231 tỷ đồng. Dư nợ cho vay hỗ trợ DN nhỏ và vừa 11.210 tỷ đồng.
Phát huy kết quả đạt được, tới đây, 6 đơn vị tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phối hợp liên ngành; thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy về phát triển ngành nông nghiệp gắn với tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển các ngành hàng có lợi thế so với các vùng, miền trong nước và trên thế giới. Quan tâm phát triển sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ, lấy DN làm trọng tâm của quá trình tái cấu trúc các ngành hàng. Phối hợp các sở, ban, ngành tỉnh tiếp tục xây dựng, gắn kết các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ đối với các sản phẩm chủ lực, sản phẩm tiềm năng và các sản phẩm OCOP của tỉnh, như: Lúa, rau màu, xoài, cá tra, giống tôm càng xanh, lươn, cá lóc và các đối tượng khác.