Hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách tại Nghĩa Hưng
Từ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương và sự đồng hành của các tổ chức chính trị - xã hội, những năm qua nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Nghĩa Hưng đã trở thành “đòn bẩy” quan trọng giúp nhiều hộ nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Từ vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, gia đình chị Đinh Thị Xuân ở xóm 7, xã Nghĩa Trung đã đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ.
Ngay từ đầu năm 2025, Ngân hàng CSXH huyện đã tích cực tham mưu UBND huyện bổ sung nguồn vốn từ ngân sách địa phương và tiếp nhận nguồn vốn Trung ương giao để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đồng thời, thực hiện điều chỉnh nguồn vốn nhanh chóng, kịp thời, phù hợp giữa các địa bàn, giữa các chương trình theo quy định tạo điều kiện cho nguồn vốn được giải ngân nhanh giúp hàng nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách có vốn phát triển sản xuất kinh doanh, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, cải thiện và dần ổn định cuộc sống, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện tiếp tục học tập. Bên cạnh đó, Ngân hàng CSXH huyện chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, hội, đoàn thể các cấp triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng hoạt động mọi mặt ngay từ đầu năm; đảm bảo an toàn cho hoạt động theo chỉ đạo của Chính phủ, ngành Ngân hàng và chính quyền địa phương.
Không chỉ giải ngân kịp thời, ngân hàng còn phối hợp với các hội, đoàn thể địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng. Việc quản lý nguồn vốn chặt chẽ từ cấp thôn, xóm thông qua các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK và VV) đã giúp đảm bảo vốn vay đến đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích, hạn chế tình trạng nợ xấu. Đến hết ngày 26/2/2025, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn huyện đạt hơn 694 tỷ đồng với 15.349 khách hàng còn dư nợ. Các chương trình tín dụng đều có tỷ lệ giải ngân đạt và vượt mức kế hoạch được giao như: cho vay hộ mới thoát nghèo; giải quyết việc làm; học sinh, sinh viên, nhà ở xã hội, hộ cận nghèo… Tổng nợ quá hạn toàn huyện là 320 triệu đồng, chỉ chiếm 0,05% tổng dư nợ, chất lượng tín dụng tiếp tục được duy trì ổn định. Vốn tín dụng chính sách chủ yếu được giải ngân tập trung vào các chương trình cho vay hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, giải quyết việc làm. Toàn huyện có 323 tổ TK và VV với số dư tiết kiệm 29,6 tỷ đồng, các tổ đều duy trì 100% tổ viên tham gia gửi tiết kiệm định kỳ đều hàng tháng với mức gửi 100 nghìn đồng.
Tại xã Nghĩa Trung, nguồn vốn tín dụng chính sách được giải ngân nhanh chóng, kịp thời đã tạo động lực mạnh mẽ giúp các hộ đầu tư các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống. Đến hết ngày 7/2/2025, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn xã đạt 36,1 tỷ đồng với 701 khách hàng còn dư nợ. Số dư tiết kiệm tại 19 tổ TK và VV đạt 1,26 tỷ đồng. Nguồn vốn được tập trung cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh; việc cho vay bảo đảm đúng đối tượng. Đa số người lao động vay vốn đều sử dụng vào mở rộng mô hình chăn nuôi, trồng trọt, phát triển ngành nghề. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh đầu tư mua sắm trang thiết bị, mở rộng sản xuất, thu hút thêm nhiều lao động vào làm việc có mức thu nhập khá. Nhiều hộ được vay từ 2-3 chương trình như giải quyết việc làm; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; học sinh, sinh viên đã tạo lập cuộc sống ổn định kinh tế, con cái được học đầy đủ, nâng cao chất lượng cuộc sống rõ rệt. Chị Đinh Thị Xuân ở xóm 7 cho biết: “Hiện tại, gia đình chúng tôi đang vay Ngân hàng CSXH huyện theo 3 chương trình: vay giải quyết việc làm, nước sạch và vay vốn cho cháu lớn học Đại học Dược Hà Nội. Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, cuộc sống gia đình tôi đã cải thiện rất nhiều, kinh tế dần ổn định”. Cuối năm 2024, được Hội Phụ nữ xã tạo điều kiện, gia đình chị tiếp tục được cho vay 100 triệu đồng theo chương trình cho vay giải quyết việc làm để đầu tư mở rộng xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ cùng các máy móc hiện đại như máy đục CNC, máy xẻ, máy mài… Mỗi tháng, xưởng gia đình chị xuất bán hơn chục bộ bàn ghế, giường, đồ gỗ gia dụng phục vụ khách hàng tại Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… Đối với bà Tạ Thị Hoa ở xóm 12, vốn tín dụng chính sách là đòn bẩy giúp gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững. Bà Hoa phấn khởi cho biết: “Từ 90 triệu đồng vốn vay giải quyết việc làm, tôi đã đầu tư nuôi bò sinh sản. Đến nay, đàn bò của gia đình phát triển được 12 con. Mỗi năm gia đình tôi thu được hơn chục triệu đồng từ bán bò. Nhờ vốn tín dụng của Ngân hàng CSXH huyện tiếp lực, gia đình tôi đã từ hộ cận nghèo vươn lên hộ mới thoát nghèo”.
Thời gian tới, Ngân hàng CSXH huyện Nghĩa Hưng tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tự kiểm tra; thường xuyên rà soát, phân tích số liệu giám sát từ xa nhằm thực hiện tốt công tác cảnh báo, phòng ngừa những sai sót nghiệp vụ. Tập trung giải ngân các chương trình tín dụng chính sách theo chỉ tiêu kế hoạch tín dụng năm 2025 đã được giao. Tích cực phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền địa phương tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền về hoạt động tín dụng chính sách, các chương trình cho vay mới. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn; nâng cao chất lượng hoạt động của những tổ TK và VV có chất lượng thấp, tổ xếp loại trung bình. Tập trung xử lý kịp thời đến hạn, đôn đốc thu hồi nợ quá hạn, quan tâm đến công tác xử lý nợ rủi ro. Tiếp tục triển khai dịch vụ VBSP Mobile Banking, VBSP Quản lý tín dụng chính sách đến các thành viên Ban đại diện HĐQT, cán bộ hội nhận ủy thác, tổ trưởng tổ TK và VV để nâng cao quản lý chất lượng tín dụng chính sách. Tuyên truyền huy động tiền gửi qua tổ TK và VV; các nguồn vốn, tiền gửi của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức để làm tốt công tác huy động vốn dân cư tại điểm giao dịch xã đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch được giao trong năm 2025.