Hiệu quả kinh tế từ loại cây cho tinh dầu cay thơm ở Nông Thượng

Nhờ chủ động tìm tòi và khai thác tiềm năng đất đai, anh Triệu Phúc Ngân, thôn Tân Thành, xã Nông Thượng, thành phố Bắc Kạn đã mạnh dạn mở rộng diện tích trồng quế, dày công chăm sóc tạo nên những đồi quế xanh tốt, đem lại nguồn thu nhập bền vững cho gia đình.

Theo chân anh Ngân len lỏi vào những đồi quế xanh mướt, chúng tôi như lạc vào khu rừng “cổ tích”. Những nhát dao sắc bén liên tục hạ xuống, tách lớp vỏ quế nâu sẫm ra khỏi thân cây, cùng với đó là tiếng cười nói rộn ràng vang vọng khắp khu rừng. Có thể cảm nhận rõ niềm vui, sự háo hức của người nông dân khi thu hoạch thành quả lao động của mình.

 Đồi quế của gia đình anh Triệu Phúc Ngân đang khai thác tỉa cành

Đồi quế của gia đình anh Triệu Phúc Ngân đang khai thác tỉa cành

Vào khoảng tháng 9 là thời điểm thân cây quế dễ dóc vỏ và cũng là thời điểm "vàng" để gia đình anh Ngân có thể tập trung tiến hành khai thác quế hiệu quả, đem về lợi nhuận cao nhất trong năm. Thông thường cây quế sẽ cho thu hoạch 2 vụ/năm, mỗi vụ kéo dài từ hai đến ba tháng. Về cơ bản, tất cả các bộ phận của cây quế đều được thương lái thu mua, từ vỏ, thân cây đến cành, lá. Một cây có thể thu từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng. Và 1ha quế ở nơi đất tốt có thể cho thu nhập trên dưới 300 triệu đồng.

Chị Bàn Thị Hà, chủ cơ sở thu mua quế, thôn Khuổi Chang, xã Nông Thượng cho biết:Thời điểm hiện tại vỏ quế tươi được thu với giá 18.500 đồng/kg, vỏ quế khô giá 35.000 đồng/kg, cành 2.000 đồng/kg. Mức giá vỏ quế đã giảm từ 5.000 đến 10.000 đồng so với các năm trước.

Quế tươi sau khi thu mua sẽ được bóc tách tại xưởng.

Từ những năm 2010, cây quế được gia đình anh Ngân trồng thử nghiệm trên diện tích nhỏ. Ban đầu, anh gặp không ít khó khăn trong việc chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh. Nhưng với sự giúp đỡ của các cán bộ nông nghiệp và kinh nghiệm học hỏi, tích lũy được, anh Ngân đã dần khắc phục được khó khăn. Nhờ phù hợp với điều kiện đất đai và khí hậu, quế phát triển nhanh chóng và cho năng suất cao. Nhận thấy tiềm năng kinh tế lớn từ cây quế, anh quyết định mở rộng diện tích trồng.

Theo anh Ngân, cây quế có ưu điểm dễ trồng, ít sâu bệnh, ưa khí hậu mát mẻ, chỉ mất công 3 năm đầu chăm sóc, từ năm thứ 7 trở đi là có thể khai thác tỉa thưa. Đến nay, gia đình anh đã sở hữu hơn 5ha quế, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi vụ. Riêng năm 2023, anh Ngân đã mua thêm gần 1ha diện tích đất đồi quế. Cây quế không chỉ giúp gia đình anh ổn định kinh tế để sửa sang nhà cửa và mua sắm phương tiện đi lại. "Không những vậy, nhờ thu nhập từ quế, chúng tôi đã có thể đầu tư mua thêm ruộng, đa dạng hóa sản xuất", anh Ngân cho hay.

Nhờ mô hình trồng quế thành công của anh Ngân, nhiều hộ dân khác ở thôn Tân Thành và các thôn lân cận cũng đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, góp phần nâng cao thu nhập, tiêu biểu như các hộ ông Triệu Phúc Phẩm, Nông Văn Cường…

Ông Hoàng Văn Sinh, Trưởng thôn Tân Thành, xã Nông Thượng cho biết: Thôn có 87 hộ với 407 nhân khẩu; diện tích đất canh tác trên 300ha, trong đó đất lâm nghiệp chiếm 90%. Hiện thôn có hơn 200ha quế, trong đó diện tích trồng mới năm 2023 khoảng 12ha. Quế là cây có giá trị kinh tế cao, dễ trồng, dễ chăm sóc. Nhờ trồng quế, nhiều hộ dân trong thôn đã thoát nghèo, mua sắm được những vật dụng sinh hoạt và sản xuất có giá trị. Không những vậy, cây trồng này còn giúp thay đổi nhận thức của bà con, đa dạng hóa cơ cấu cây trồng tại địa phương.

Mặc dù mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần cải thiện đời sống người dân Nông Thượng, nhưng việc trồng cây quế vẫn còn một số hạn chế. Người dân trồng tự phát, không theo chương trình, dự án nào nên phải tự túc trong việc ươm giống và trồng cây. Do thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật, chất lượng cây giống và hiệu quả sản xuất chưa cao như mong muốn.

Lãnh đạo xã Nông Thượng đánh giá về hiệu quả kinh tế của cây quế và mong muốn của người dân.

Ông Triệu Văn Nhúc, Chủ tịch UBND xã Nông Thượng cho biết: Để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và nâng cao đời sống người dân, Nông Thượng đang đặt mục tiêu mở rộng diện tích trồng cây quế. Tuy nhiên, việc thiếu hụt giống cây chất lượng và kiến thức khoa học kỹ thuật đang là trở ngại lớn. Chính vì vậy, chính quyền địa phương rất mong muốn các cấp, ngành địa phương sẽ có những chính sách hỗ trợ kịp thời như: Cung cấp giống, tổ chức tập huấn kỹ năng trồng và chăm sóc cây giống, nhằm đưa cây quế thành cây trồng giúp người dân xã Nông Thượng thoát nghèo bền vững./.

Hồng Anh

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/hieu-qua-kinh-te-tu-loai-cay-cho-tinh-dau-cay-thom-o-nong-thuong-post66100.html
Zalo