Hiệu quả hoạt động ngân hàng Việt dẫn đầu ASEAN
Có 6 ngân hàng Việt Nam lọt vào Top 10 ngân hàng hoạt động hiệu quả nhất ASEAN của S&P Global Market Intelligence.

Ngày 23/6/2025, S&P Global Market Intelligence công bố báo cáo xếp loại hiệu quả hoạt động của 50 ngân hàng niêm yết lớn nhất khu vực Đông Nam Á, bao gồm Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Phillipines và Việt Nam. Theo đó, các ngân hàng Việt Nam và Indonesia đang dẫn đầu bảng xếp hạng dựa trên hiệu quả kinh doanh trong năm 2024, trong đó có đến 6 ngân hàng Việt Nam lọt vào Top 10 xếp hạng.
Bảng xếp hạng của S&P Global Market Intelligence được xây dựng dựa trên 7 chỉ số tài chính trọng yếu, bao gồm tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROAE), biên lãi ròng trên tài sản có lãi (NIM), tỷ lệ thu nhập ngoài lãi trên tổng tài sản, tỷ lệ chi phí trên tổng thu nhập hoạt động (CIR), tỷ lệ nợ xấu (NPL), khả năng thanh khoản và tỷ lệ an toàn vốn (CAR). Trong đó, S&P áp dụng tỷ trọng 16% đối với các tiêu chí liên quan đến hiệu quả như ROAE, NIM, CIR, NPL và tỷ lệ thu nhập ngoài lãi trên tổng tài sản, áp dụng tỷ trọng 10% đối với 2 tiêu chí còn lại.
Vượt trội ở nhiều chỉ số hiệu quả hoạt động
Chẳng hạn, xét theo ROAE, HDBank và LPBank là 2 ngân hàng dẫn đầu trong số 50 ngân hàng được xếp loại trong khu vực với kết quả trên 25%. Các ngân hàng ACB, MB, Sacombank, BID và Vietcombank cũng đều nằm trong Top10 ngân hàng về hiệu quả sử dụng vốn. Trung bình ROAE% của các ngân hàng Việt Nam được xếp hạng ở mức 19,3% - cao hơn đáng kể so với Singapore (14,4%) và Indonesia (12,6%).
Về NIM, các ngân hàng bán lẻ Indonesia và Philippines đang khai thác các tài sản sinh lời tốt hơn với tỷ lệ trung bình lần lượt là 5,2% và 4,3%, trong khi NIM trung bình của các ngân hàng Việt Nam là 3,9%. NIM trung bình của Malaysia và Singapore ở mức thấp nhất khu vực 2,1%, cho thấy thị trường tài chính của 2 quốc gia này đang ở mức phát triển cao với đa dạng kênh dẫn vốn, đồng thời nhu cầu vốn của nền kinh tế không chỉ phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng.

Nhiều ngân hàng Việt Nam đã đa dạng hóa nguồn thu nhập đồng thời quản lý chi phí hiệu quả dựa trên năng lực số hóa. MB, TPBank và Techcombank lần lượt là 3 ngân hàng được S&P đánh giá cao về nỗ lực tăng nguồn thu nhập ngoài hoạt động cho vay truyền thống.
Theo các chuyên gia S&P, các ngân hàng có nền tảng khách hàng doanh nghiệp vững mạnh và năng lực số hóa cao sẽ có lợi thế lớn trong việc mở rộng tín dụng và nâng cao hiệu quả hoạt động. Việc áp dụng công nghệ số giúp các ngân hàng cải thiện trải nghiệm khách hàng, tăng tốc độ xử lý giao dịch và quản lý rủi ro tốt hơn. Điều này thể hiện qua việc cải thiện chỉ số CIR qua các năm và theo đó, 7 ngân hàng Việt Nam lần lượt là SHB, VPBank, LPBank, VietinBank, MB, ACB và Techcombank đều nằm trong Top 10 điểm cao về năng lực quản trị chi phí hoạt động.
Bộ đệm vốn: Chỉ tiêu cần cải thiện
Trong 3 năm gần đây, hệ thống ngân hàng Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng khoảng 15-16% mỗi năm, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng trung bình của khu vực, điều này cũng tạo áp lực lên nợ xấu và tỷ lệ an toàn vốn. Tuy nhiên, với sự giám sát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng đã luôn nâng cao năng lực quản trị rủi ro, kết quả thể hiện qua trung bình nợ xấu của hệ thống năm 2024 ở mức 2%, chỉ cao hơn so với Singapore (1,2%) và Malaysia (1,8%). Nợ xấu ở Thái Lan và Phillipines đang cao nhất khu vực, với trung bình lần lượt là 3,9% và 3,6%, thậm chí nhiều ngân hàng ở Phillpines có tỷ lệ nợ xấu trên 7%.
Tuy nhiên, bộ đệm vốn vẫn là điểm cần cải thiện của các ngân hàng Việt Nam, khi tỷ lệ an toàn vốn (CAR) trung bình chỉ ở mức 12,3%, thấp nhất trong khu vực. Hầu hết các ngân hàng Việt đều bị trừ điểm khi xét về tiêu chí vốn. Theo các chuyên gia S&P, các ngân hàng Việt Nam đã chủ động tăng vốn điều lệ, thu hút các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài để cải thiện các chỉ số vốn cấp 1 và tỷ lệ an toàn vốn, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và nâng cao khả năng chống chịu rủi ro tài chính.

Trong diễn biến có liên quan, từ cuối năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Thông tư quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Được biết, dự thảo được xây dựng trên cơ sở Thông tư số 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (đã sửa đổi, bổ sung) và cập nhật những quy định mới tại Chuẩn mực Basel III năm 2017, đảm bảo phù hợp với đặc thù hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Theo đó, dự thảo quy định tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu ở mức 10,5%; trong đó đảm bảo vốn cấp 1 tối thiểu 6%, vốn lõi cấp 1 là 4,5%, tổng vốn cấp 1 và vốn cấp 2 là 8%, vốn đệm bảo toàn vốn là 2,5%.
Hiện dự thảo đã hết hạn lấy ý kiến. Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp Ngân hàng Nhà nước cho biết: “Thông tư quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ ban hành trong khoảng 1 tháng tới. Hiện chỉ còn các thủ tục nội bộ của Ngân hàng Nhà nước”.
Tổng hợp các yếu tố, có tới 6 ngân hàng Việt Nam lọt vào Top 10 xếp hạng các ngân hàng hiệu quả nhất khu vực, lần lượt là LPBank, MB, Techcombank, TPBank, HDBank và ACB.
S&P cũng cho rằng, hiệu quả hoạt động phần nào tác động đến thị giá cổ phiếu của các ngân hàng trên thị trường chứng khoán. Theo đó, cổ phiếu LPB của LPBank tăng giá tốt nhất khu vực trong năm 2024, đạt gần 132%; tiếp theo là cổ phiếu HDB của HDBank (+55%) và TCB của Techcombank (+50%). Nhiều cổ phiếu khác cũng ghi nhận mức tăng từ 30-40% như STB của Sacombank (+32%), VAB của Viet A Bank (+34%), MBB của MB (+38%), CTG của VietinBank (+39%)…
Triển vọng ngân hàng Việt được đánh giá cao
Theo S&P, một trong những yếu tố nền tảng giúp các ngân hàng Indonesia và Việt Nam phát triển vượt trội là nền kinh tế 2 nước tăng trưởng ổn định và cao hơn nhiều so với mức trung bình khu vực. Năm 2025, GDP của Indonesia được dự báo tăng 4,6%, trong khi Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% với quy mô nền kinh tế vượt 500 tỷ USD. Sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ này tạo điều kiện thuận lợi cho nhu cầu tín dụng và các dịch vụ tài chính phát triển nhanh chóng, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của các ngân hàng. Việt Nam và Indonesia đều đang trong giai đoạn thay đổi thể chế mạnh mẽ, quyết liệt thúc đẩy các chính sách hỗ trợ khu vực tư nhân và đầu tư hạ tầng, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng mở rộng cho vay và các dịch vụ tài chính khác.
Ngoài ra, các ngân hàng Indonesia được đánh giá là ít chịu ảnh hưởng từ các chính sách thuế quan của Mỹ do nền kinh tế không phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu (chỉ khoảng 2,5%). Điều này giúp họ duy trì sự ổn định và lợi nhuận cao, trong khi nhiều ngân hàng khác trong khu vực, như ở Singapore, đang chịu áp lực giảm biên lãi do lãi suất thấp và khó khăn kinh tế toàn cầu.
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nêu quan điểm: “Sự xuất hiện của nhiều ngân hàng Việt Nam trong nhóm dẫn đầu cho thấy môi trường vĩ mô trong nước ổn định sẽ hỗ trợ cho ngành ngân hàng phát triển mạnh mẽ. Đồng thời, các ngân hàng có khả năng vận hành hiệu quả và chiến lược kinh doanh phù hợp sẽ tận dụng được lợi thế từ sự thay đổi xu hướng kinh tế”.