Hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại Hà Quảng

Huyện Hà Quảng đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) bằng nhiều giải pháp tích cực. Qua đó, giúp LĐNT có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần giảm nghèo tại địa phương.

Dù gia đình đã có truyền thống chăn nuôi trâu, bò lâu đời nhưng chị Hoàng Thị Điệp, xóm Hồng Việt, xã Trường Hà (Hà Quảng) vẫn gặp nhiều khó khăn trong chăn nuôi, phòng trị bệnh cho trâu, bò. Năm 2023, khi có thông tin về lớp học chăn nuôi, phòng trị bệnh cho trâu, bò được mở tại xóm, chị Điệp thu xếp mọi công việc để tham gia. Chị Điệp chia sẻ: Lớp học diễn ra trong 3 tháng giúp tôi có thêm nhiều kiến thức mới trong chăn nuôi và phòng trị bệnh cho trâu, bò; ngoài ra tôi được cập nhật thêm những tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng vào thực tế. Sau khi kết thúc lớp học nghề tôi phát triển nuôi bò tại gia đình hiệu quả hơn, biết trồng cỏ voi để chủ động nguồn thức ăn. Nhờ nắm được kỹ thuật phòng và trị bệnh cho trâu, bò, tôi chủ động trong phòng bệnh và kịp thời điều trị một số bệnh thường gặp trên đàn bò, đem lại thu nhập ổn định hơn cho gia đình.

Xác định đào tạo nghề cho LĐNT là một trong những yếu tố quan trọng giúp tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động và hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững, bằng nhiều giải pháp tích cực, huyện đẩy mạnh công tác dạy nghề, đặc biệt là dạy nghề cho LĐNT, góp phần giúp người dân có điều kiện tiếp cận những kỹ thuật sản xuất hiệu quả, từ đó nhiều hộ có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Người dân xóm Hồng Việt, xã Trường Hà (Hà Quảng) phát triển chăn nuôi trâu, bò hiệu quả nhờ tham gia lớp đào tạo nghề chăn nuôi bò.

Người dân xóm Hồng Việt, xã Trường Hà (Hà Quảng) phát triển chăn nuôi trâu, bò hiệu quả nhờ tham gia lớp đào tạo nghề chăn nuôi bò.

Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hà Quảng Nông Văn Dẫn cho biết: Để công tác đào tạo nghề đạt hiệu quả cao, trung tâm tham mưu huyện ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc các xã, thị trấn tập trung thông tin, tuyên truyền, khảo sát nhu cầu đào tạo nghề tại địa phương, phân loại đối tượng đào tạo nghề hợp lý. Huy động sự vào cuộc tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể ở địa phương tuyên truyền về công tác đào tạo nghề nhằm nâng cao nhận thức của người lao động về vị trí, vai trò của giáo dục nghề nghiệp với công tác dạy nghề. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch dạy nghề đảm bảo hiệu quả, thiết thực gắn với nhu cầu thực tế của người dân nhằm phát huy được ngành nghề đã đào tạo.

Với các đối tượng tham gia học nghề chủ yếu là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo và một số đối tượng khác, từ đầu năm đến nay, Trung tâm mở 6 lớp dạy nghề cho 209 LĐNT, mỗi lớp 35 học viên tại các xóm, xã khó khăn. Chủ yếu là các lớp đào tạo về nông nghiệp như sửa chữa máy nông nghiệp, nghề nuôi và phòng, trị bệnh cho trâu, bò, nghề chăn nuôi lợn, chăn nuôi gà, lợn hữu cơ…

Nhiều học viên sau khi học nghề mạnh dạn đầu tư vốn mở rộng sản xuất, áp dụng kiến thức, khoa học kỹ thuật vào phát triển kinh tế, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, từ đó tăng nguồn thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống.

Từ triển khai có hiệu quả công tác đào tạo nghề cho LĐNT góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện. Hằng năm, huyện giảm từ 4 - 6% hộ nghèo, đời sống của người dân chuyển biến tích cực, an sinh xã hội cơ bản đảm bảo. Đến nay, toàn huyện còn hơn 33% hộ nghèo, hộ cận nghèo chiếm 9,67%.

Việc đào tạo nghề cho LĐNT đem lại hiệu quả rõ rệt khi làm thay đổi nhận thức, tư duy sản xuất của một bộ phận người dân. Mục tiêu năm 2025, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện phấn đấu mở 8 - 10 lớp dạy nghề cho LĐNT với 280 - 350 học viên. Qua đó, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Hoài An

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/hieu-qua-dao-tao-nghe-cho-lao-dong-nong-thon-tai-ha-quang-3174479.html
Zalo