Hiệu quả công việc là 'thước đo' đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

Bộ Công Thương đã triển khai nhiều khóa đào tạo, bồi dưỡng, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành Công Thương.

Thực hiện các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, thời gian qua, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức gắn với yêu cầu thực tế của nhiệm vụ quản lý nhà nước.

Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng góp phần quan trọng đối với xây dựng và phát triển nguồn nhân lực ngành Công Thương có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, tinh thông nghiệp vụ, từng bước chuyên nghiệp hóa, đáp ứng yêu cầu mỗi thời kỳ phát triển.

Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Thanh Mỹ - Phó Chánh Văn phòng Bộ Công Thương.

Bà Trần Thị Thanh Mỹ - Phó Chánh Văn phòng Bộ Công Thương

Bà Trần Thị Thanh Mỹ - Phó Chánh Văn phòng Bộ Công Thương

Trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, việc lựa chọn cử cán bộ tham gia sẽ thực hiện như thế nào, thưa bà? Bà có thể chia sẻ thêm về kết quả các chương trình đào đạo, bồi dưỡng do chính đơn vị tổ chức hoặc phối hợp với cơ sở giáo dục tổ chức?

Đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, tập thể lãnh đạo Văn phòng Bộ luôn nhận thức rằng, đây là một nhiệm vụ rất quan trọng và then chốt trong việc thực thi công vụ. Do đó, chúng tôi rất chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức gắn với yêu cầu vị trí việc làm, gắn với công tác sử dụng, quản lý công chức; đồng thời phù hợp với các kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực của đơn vị.

Chúng ta đều biết, khi có một đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo bài bản, chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng và am hiểu về pháp luật, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước..., đó sẽ là những yếu tố cực kỳ quan trọng tạo nên bộ máy làm việc mạnh, tinh nhuệ để thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Về tiêu chí cử người đi đào tạo, bồi dưỡng, chúng tôi cho rằng, có 2 tiêu chí:

Thứ nhất, căn cứ vào việc đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, phục vụ cho hiệu quả cho các công việc hằng ngày.

Thứ hai, đào tạo, bồi dưỡng cho các đối tượng thuộc cán bộ nguồn hay cán bộ thuộc diện kế hoạch sẽ chú trọng thêm việc đào tạo về trình độ lý luận chính trị, trình độ quản lý.

Văn phòng Bộ là đơn vị thực hiện trực tiếp các nhiệm vụ giúp việc cho lãnh đạo Bộ, phối hợp với các đơn vị của Bộ Công Thương để vận hành các hoạt động của Bộ. Căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chúng tôi không được trực tiếp tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng.

Tuy nhiên, để hỗ trợ, giúp các đơn vị thực hiện tốt các nhiệm vụ trong công tác văn phòng - những lĩnh vực chúng tôi được giao phụ trách; thời gian qua, Văn phòng Bộ đã xin lãnh đạo Bộ duyệt. Trên cơ sở được duyệt, chúng tôi đã phối hợp với đơn vị tổ chức các lớp chuyên môn, nghiệp vụ sâu ngắn hạn liên quan đến các lĩnh vực văn phòng.

Cụ thể, tổ chức thường niên các lớp, khóa đào tạo ngắn về công tác bảo vệ bí mật nhà nước, văn thư, lưu trữ, công tác truyền thông, công tác về ISO, hệ thống quản lý chất lượng... Thời gian qua, lãnh đạo các đơn vị đã quan tâm, rất sát sao đối với việc cử cán bộ tham gia các hoạt động này.

Bà đánh giá như thế nào về chất lượng công chức trước và sau đào tạo, bồi dưỡng?

Việc đầu tiên, phải khẳng định, sau khi được cử đi tham gia các lớp, khóa đào tạo, bồi dưỡng, chắc chắn các công chức sẽ được trang bị tốt hơn về kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ để phục vụ cho công việc.

Văn phòng Bộ có cử các cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng, hiệu quả công việc của cán bộ cũng tốt hơn. Tuy nhiên, chúng tôi cũng luôn phải đôn đốc, nhắc nhở rằng: Các kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ ở các khóa đào tạo hiện nay đang cung cấp chỉ là một phần; bản thân cán bộ phải hiểu rằng việc chủ động nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tự rèn luyện về phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị vững vàng để đáp ứng tình hình nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay là cực kỳ quan trọng.

Bộ Công Thương tổ chức hội nghị tập huấn công tác chuyên sâu về công tác văn thư lưu trữ năm 2024

Bộ Công Thương tổ chức hội nghị tập huấn công tác chuyên sâu về công tác văn thư lưu trữ năm 2024

Từ công tác đào tạo theo các chương trình của Bộ, bà nhận thấy có những khó khăn nào phát sinh thực tế?

Ngoài những mặt tích cực và hiệu quả mà các chương trình đào tạo, bồi dưỡng mang lại, từ góc độ đơn vị thụ hưởng, tôi thấy, hiện vẫn còn một số hạn chế nhất định.

Với Văn phòng Bộ, các vị trí việc làm đều liên quan phục vụ cho các hoạt động của lãnh đạo Bộ, của Bộ và hoạt động tương đối độc lập. Các cán bộ, công chức đi học, đặc biệt khóa học dài ngày tương đối khó khăn trong việc bố trí thời gian tham gia khi phải cân đối giữa thời gian học và công việc.

Thực tế hiện nay, nhiều vị trí của Văn phòng Bộ do đặc thù công việc khó có thể vắng mặt tại cơ quan Bộ trong thời gian dài để tham gia các khóa đào tạo. Mặt khác, tiêu chuẩn cho các vị trí chức danh này ngày càng được nâng cao nên việc bố trí tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng theo chương trình của Bộ, vừa thực thi công vụ đôi khi có sự bất cập.

Về lý do khách quan, một bộ phận công chức chưa nhận thức được quan trọng, đặc biệt chưa thấy sự cần thiết của việc tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng được khuyến khích.

Tâm lý chủ yếu sẽ muốn tham gia các lớp bắt buộc liên quan đến công tác duy trì hay chuyển ngạch.

Về phía đơn vị, chúng tôi sẽ cố gắng tạo điều kiện cho các công chức tham gia nhiều hơn. Đồng thời, sẽ cố gắng tìm ra giải pháp để các khóa học được khuyến khích, cán bộ cũng tích cực tham gia. Bởi vì những khóa học đấy chắc chắn sẽ hiệu quả trong việc nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng để phục vụ hiệu quả cho công việc.

Để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian tới, theo bà, cần điều chỉnh nội dung gì để phù hợp hơn với tình hình thực tiễn, chức năng, nhiệm vụ của đơn vị? Bà có khuyến nghị gì thêm về vấn đề này?

Các khuyến nghị tôi nêu ra trên cơ sở những khó khăn đã chia sẻ.

Thứ nhất, phía cơ sở đào tạo cận tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển, trau dồi đội ngũ giảng viên, báo cáo viên có đủ năng lực, chuyên môn để đảm đương giảng dạy các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là đối với những chương trình yêu cầu về chuyên môn cao, chuyên sâu.

Thứ hai, cần đa dạng hóa các hình thức đào tạo, thiết kế chương trình đào tạo để học viên có nhiều cơ hội, có nhiều lựa chọn hơn phù hợp với thực tiễn công việc. Về phía lãnh đạo các đơn vị cũng sẽ có nhiều lựa chọn hơn khi cử cán bộ đi học nhưng vẫn đảm bảo công việc.

Xin cảm ơn bà!

Nguyên Thảo

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hieu-qua-cong-viec-la-thuoc-do-danh-gia-chat-luong-dao-tao-boi-duong-can-bo-363925.html
Zalo