Hiệu quả ấn tượng của Thượng Hải trong phân loại rác sinh hoạt
Thượng Hải, một trong những thành phố lớn nhất và phát triển nhanh nhất Trung Quốc, không chỉ nổi bật với sự tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa mạnh mẽ mà còn với những nỗ lực cải cách trong quản lý và phân loại rác thải. Quy trình phân loại rác thải ở Thượng Hải đã phát triển qua nhiều giai đoạn, từ những ngày đầu khi thành phố trở thành trung tâm thương mại quốc tế vào thế kỷ XIX, cho đến khi thành phố đưa ra quy định bắt buộc phân loại rác sinh hoạt vào năm 2019.
Quản lý rác thải những ngày đầu
Quá trình chuyển đổi của Thượng Hải từ một quận lỵ khiêm tốn thành một đô thị hiện đại bắt đầu vào năm 1843, khi cảng của thành phố này được mở cửa cho hoạt động thương mại nước ngoài. Kể từ đó, trong hơn 180 năm qua, hoạt động quản lý chất thải trong thành phố đã phải thay đổi theo thời gian.
Trong những ngày đầu, rác thải sinh hoạt trong thành phố chủ yếu được vận chuyển ra ngoại ô bằng xe kéo và thuyền, mà không có hệ thống phân loại rõ ràng. Mãi đến cuối thế kỷ XIX, khi dân số ngày càng tăng dẫn đến sự gia tăng lớn về rác thải sinh hoạt, vấn đề vệ sinh mới được chú trọng, với việc thuê những lao động đặc biệt quét dọn đường phố - những người vệ sinh đường phố chuyên nghiệp đầu tiên của thành phố và lắp đặt các thùng rác công cộng tại các khu vực dân cư.
Trong suốt những năm 1950, Thượng Hải đã thử nghiệm việc phân loại rác thải sinh hoạt, chủ yếu là phân loại các chất hữu cơ như lá rau, xương cá, nội tạng gia cầm và tro than thành phân bón cho nông dân. Tuy nhiên, việc phân loại chưa hiệu quả vì rác thải không được phân loại rõ ràng và còn lẫn nhiều chất thải công nghiệp. Vào những năm 1980, Thượng Hải tiếp tục thử nghiệm phân loại rác tại một số khu vực, nhưng sự thiếu sót trong quy trình và hạ tầng khiến các nỗ lực này chưa thành công.
Bước ngoặt lớn trong phân loại rác
Bước ngoặt lớn trong việc phân loại rác ở Thượng Hải bắt đầu từ năm 2000 khi trở thành một trong 8 thành phố thí điểm về phân loại rác và đẩy mạnh việc tái chế, đặc biệt là đối với các vật liệu như thủy tinh và pin. Khi thành phố chuẩn bị đăng cai tổ chức một cuộc họp cấp cao của Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2001, chính quyền đã ban hành một loạt yêu cầu để cải thiện diện mạo của Thượng Hải, bao gồm hướng dẫn phân loại rác thải mới cho các khách sạn, danh lam thắng cảnh, đường phố và khu dân cư xung quanh địa điểm họp. Khi có thể, các cộng đồng đã thiết lập các trạm xử lý sinh học để xử lý rác thải nhà bếp của cư dân tại chỗ. Đến tháng 12 năm đó, hơn 30% các khu vực đô thị trung tâm đã phân loại rác thải, 75 cộng đồng mẫu đã được thành lập để thu gom rác thải đã phân loại và 39 trạm xử lý sinh học cho rác thải hữu cơ đã được xây dựng…
Đến 1.4.2002, Thượng Hải ban hành các quy định về phân loại và thu gom rác thải sinh hoạt tại các khu vực dịch vụ lò đốt rác và mở rộng các chương trình thí điểm để xử lý rác thải nhà bếp. Sau khi hai nhà máy đốt rác thải sinh hoạt quy mô lớn mới đi vào hoạt động tại Yuqiao và Jiangqiao, khoảng 2.000 tấn rác thải đã được xử lý mỗi ngày. Năng lượng do lò đốt rác tạo ra đã được bán cho lưới điện, mang lại lợi ích về mặt xã hội, môi trường và kinh tế. Đến giai đoạn này, các văn bản chính thức về quản lý rác thải đã trở nên chuẩn hóa hơn và giám sát toàn diện hơn.
Đến tháng 12.2007, 100 cộng đồng dân cư tại 19 quận và huyện trên toàn thành phố đã được chọn để thí điểm phân loại rác thải sinh hoạt thành 4 loại: rác thải nguy hại, thủy tinh, rác thải tái chế và rác thải khác. Các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp tư nhân và các tổ chức cũng bắt đầu lắp đặt các thùng màu cho các loại rác thải khác nhau vào cuối năm 2009: xanh lam (có thể tái chế), đỏ (nguy hại) và đen (rác thải khác). Vào thời điểm này, toàn bộ quy trình phân loại và hậu cần đã được thiết lập, với việc thành phố thiết lập 63 điểm trung chuyển rác thải nguy hại và thủy tinh, phân bổ 65 xe thu gom đặc biệt và phân loại gần 2% tổng lượng thủy tinh, vật liệu nguy hại và vật liệu tái chế từ rác thải sinh hoạt.
Triển lãm Thế giới Thượng Hải năm 2010 tiếp tục đánh dấu bước ngoặt khác, với việc chính quyền thành phố sử dụng hai văn bản quan trọng xác định phân loại rác thải là ưu tiên. Vào thời điểm đó, ưu đãi “tài khoản xanh” cũng được chính thức triển khai để khuyến khích người dân tham gia phân loại rác thải bằng cách tặng họ điểm có thể đổi lấy hàng hóa và dịch vụ.
Một loạt biện pháp được công bố vào năm 2014 đã phác thảo các tiêu chuẩn phân loại rác thải sinh hoạt thành có thể tái chế, nguy hại, ướt và khô. Điều này đánh dấu việc chính thức đưa hoạt động phân loại rác thải của Thượng Hải vào danh sách các văn bản luật chính thức.
Sau đó, các dự án như trung tâm sử dụng năng lượng tái tạo và bãi chôn lấp toàn diện đã được xây dựng ở các khu vực ngoại ô như Jinshan, Pudong, Fengxian, Chongming và Songjiang. Đến cuối năm 2017, hơn 60% khu dân cư của thành phố đã có dịch vụ phân loại rác thải và khoảng một nửa trong số đó cung cấp tài khoản xanh cho cư dân. Trong khi đó, tỷ lệ xử lý rác thải sinh hoạt không gây nguy hại của Thượng Hải đạt 100% và là một trong những nơi đầu tiên đạt chuẩn quốc gia về xử lý toàn diện rác thải nông thôn.
Năm 2018, Thượng Hải ban hành kế hoạch hành động 3 năm để xây dựng hệ thống phân loại rác thải rắn trên toàn thành phố, nêu bật việc phân loại rác thải là một nhiệm vụ quan trọng đối với chính quyền đô thị và tích hợp đầy đủ vào các kế hoạch quản lý chung của thành phố.
Năm 2019, Đại hội đại biểu nhân dân thành phố Thượng Hải, cơ quan lập pháp của thành phố, chính thức bắt buộc phân loại rác thải đối với tất cả các hộ gia đình trong thành phố. Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ phân loại 95% lượng rác sinh hoạt, tái chế 45% và không chôn lấp bất kỳ rác sinh hoạt nào.
Có thể nói, phân loại rác thải sinh hoạt ở Thượng Hải không chỉ là yêu cầu quản lý môi trường, mà còn là một phần trong chiến lược xây dựng thành phố thông minh và bền vững.