'Hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả của tinh gọn bộ máy nằm ở cấp xã'

Các đại biểu Quốc hội cho rằng việc tinh gọn bộ máy đạt được hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hay không phụ thuộc rất lớn vào tổ chức và hoạt động của chính quyền cấp xã. Vì vậy, đại biểu đề xuất tăng cường nhân sự chuyên trách tại cấp xã.

Nội dung liên quan đến nhân sự sau khi sắp xếp bộ máy nhận được nhiều ý kiến khác nhau của các đại biểu Quốc hội khi thảo luận tại Nghị trường sáng 14/5 về góp ý dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Đồng tình với chủ trương phân cấp, phân quyền mạnh mẽ từ cấp tỉnh xuống xã, song đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đề nghị tăng số lượng phó chủ tịch HĐND và UBND cấp tỉnh theo quy mô dân số, diện tích. Theo đại biểu, sau sắp xếp, sáp nhập các tỉnh, nhiệm vụ chỉ đạo điều hành rất lớn, nên việc tăng thêm số lượng phó chủ tịch cấp tỉnh là cần thiết.

Đại biểu cũng đề nghị bỏ quy định "cấp xã được thành lập Trung tâm hành chính công", nên đổi thành các Trung tâm hành chính công liên khu vực trực thuộc UBND tỉnh. Đại biểu lấy ví dụ mô hình tại Hà Nội đang triển khai rất tốt, nếu mỗi xã đều thành lập là không cần thiết, bởi có xã không sáp nhập, quy mô nhỏ sẽ gây lãng phí.

Cùng đó, đại biểu tỉnh Đồng Tháp cho rằng, không nên quy định "Chủ tịch UBND cấp xã ủy quyền cho phòng, ban cấp xã", bởi đây là cấp thấp nhất, không nên giao quyền mà có thể ủy quyền cho các phòng chuyên môn. Ngoài các phòng chuyên môn cấp xã, đại biểu đề nghị gộp chung 3 văn phòng: Đảng ủy, HĐND, UBND cấp xã để đảm bảo hoạt động hiệu quả và tinh giản bộ máy cán bộ.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: quochoi.vn

Trong khi đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH TP HCM cho rằng việc tinh gọn bộ máy đạt được hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hay không phụ thuộc rất lớn vào tổ chức và hoạt động của chính quyền cấp xã. Trong mô hình mới, cấp xã giữ vai trò là nơi thực thi chính sách phục vụ người dân, giải quyết các vấn đề của cộng đồng dân cư và cung cấp dịch vụ công thiết yếu.

Vì vậy, đại biểu đề xuất tăng cường nhân sự chuyên trách tại cấp xã, trong đó cần bổ sung số lượng phó chủ tịch HĐND và đại biểu chuyên trách ở cấp này.

Đồng thời, đại biểu kiến nghị cần sửa đổi quy định pháp luật hiện hành theo hướng rõ ràng, linh hoạt hơn. Cụ thể, tại Điều 39, việc xác định số lượng phó chủ tịch UBND cấp xã nên giao cho Chính phủ căn cứ vào yếu tố dân số, diện tích, tính chất đô thị - nông thôn, yêu cầu an ninh quốc phòng… để quyết định phù hợp.

Tương tự, số lượng phó chủ tịch và đại biểu chuyên trách HĐND cấp xã nên do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định, nhằm đảm bảo sự phù hợp với điều kiện từng địa phương.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH TP HCM. Ảnh: quochoi.vn

Cũng liên quan đến số lượng nhân sự, đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai đề xuất tiếp tục rà soát các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của HĐND, UBND, Chủ tịch UBND các cấp nhằm để thể hiện rõ nét hơn chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền bảo đảm phân định một cách hợp lý nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp xã.

Đặc biệt, cần tăng cường số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách, cũng như tăng cường hoạt động giám sát của HĐND, nhất là cấp địa phương. Bởi, khối lượng nhiệm vụ của UBND cấp xã sau sáp nhập là rất lớn, nếu không tăng cường cơ chế giám sát của HĐND thì sẽ khó phát huy quyền và nghĩa vụ của cơ quan dân cử ở địa phương.

Theo đại biểu, hiện nay chỉ có 3 đại biểu HĐND cấp xã chuyên trách là chưa phù hợp với nhiệm vụ, công việc rất lớn của UBND cấp xã; cần tăng lên 4-5 đại biểu.

Kiều Chinh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/hieu-nang-hieu-luc-hieu-qua-cua-tinh-gon-bo-may-nam-o-cap-xa-41498.html
Zalo