Hiếu học - nét văn hóa đẹp của người Hà Nội
Trong bài viết 'Học tập suốt đời' mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, đất nước đang đứng trước thời cơ, vận hội mới để vươn mình, để sánh vai với thế giới như ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và khát vọng của toàn dân tộc. Trong bối cảnh đó, học tập suốt đời trở thành một quy luật sống, là chìa khóa quan trọng để nâng cao dân trí và đào tạo nhân lực, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Với hơn một nghìn năm lịch sử, là Thủ đô văn hiến, Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người, Hà Nội có truyền thống hiếu học lâu đời, được gìn giữ, phát huy cho tới ngày nay, trở thành nét văn hóa đẹp của người Tràng An.
Bài 1: Tự hào đất học Thăng Long
Thăng Long - Hà Nội là nơi hội tụ tinh hoa cả nước, chốn “địa linh, nhân kiệt” nên có sự phát triển sớm nhất cả nước về sự nghiệp giáo dục - đào tạo. Đây là nơi thường xuyên tổ chức những cuộc tuyển chọn “hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, là nơi có Quốc Tử Giám - trường đại học đầu tiên của đất nước. Từ xa xưa, người Thăng Long - Hà Nội đã có ý thức cao về học tập, phát triển tài năng, trí tuệ, vươn lên khẳng định bản thân và đóng góp cho quốc gia.
Nơi hội tụ nhân tài
Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc từng nhận định rằng, Hà Nội trở thành một trung tâm tôi luyện những nhân tài cho đất nước. Qua sông nước và qua các nẻo đường, Hà Nội nhận nhân tài, vật lực từ bốn phương về, rồi đào luyện, nâng cao gửi lại cho bốn phương. Như phân tích của nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, tính trung tâm và tụ hội của Thăng Long - Hà Nội tạo nên một trong những đặc trưng xuyên suốt lịch sử của mảnh đất này là nó không chỉ đón những người từ các vùng lân cận tới sinh sống mà còn tiếp thu văn hóa, văn minh của các vùng khác nhau.
Tính chất hội tụ, tiếp biến và sáng tạo văn hóa cũng khiến cho văn hóa Thăng Long - Hà Nội trở thành tâm điểm của những sáng tạo, phát triển văn hóa. Với những ưu thế của một khu vực kinh đô, nơi tập trung những cơ quan quản lý và điều hành đất nước, Thăng Long - Hà Nội cũng là nơi sản sinh và phát triển xu hướng hàn lâm, bác học trong văn hóa. Nó thực sự là mảnh đất đào tạo và tôi luyện ra những nhân tài cho đất nước. Về phương diện này, chính môi trường Thăng Long - Hà Nội cũng tạo cho con người sống ở đây có điều kiện thuận lợi hơn những khu vực khác trong học tập và sáng tạo. Dường như trong lịch sử phát triển của dân tộc, tất cả những thánh hiền, anh hùng, nghệ sĩ, danh nhân nổi tiếng của dân tộc đều ít nhiều có quan hệ tới mảnh đất địa linh nhân kiệt này. Họ hoặc sinh ra lớn lên tại đây hoặc học hành đỗ đạt, hoặc lập nghiệp, công thành danh toại tại đây.

Sĩ tử chụp ảnh kỷ yếu lưu niệm tại Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Theo GS.TS Đặng Cảnh Khanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thanh niên, Thăng Long xưa luôn được coi là mảnh đất của những người sáng tạo, những thần đồng, thiên tài. Các cậu học trò xứ Thăng Long xưa hay chữ đã đành, nhưng ngoài việc vận dụng chữ nghĩa văn chương như thần - trường hợp của “Thần Siêu” (Nguyễn Văn Siêu), “Thánh Quát” (Cao Bá Quát), họ còn là những người uyên thâm bác học, hỏi đâu biết đấy. Không có một mảnh đất thuận lợi một môi trường học vấn cao như Thăng Long.
“Ngày xưa, sống ở đất Kinh kỳ Thăng Long mà không học hành, rèn luyện, lao động miệt mài là khó có thể tồn tại được. Văn hóa Thăng Long dường như không chấp nhận những sự dễ dãi. Công tử bậc nhất kinh thành như cậu Chiêu Bảy (Nguyễn Du), cha là Nguyễn Nghiễm làm đến Tể tướng, anh Nguyễn Khản là Tả thị lang Bộ Hình, đều là quan đại thần, học vấn tri thức đầy mình, thế mà thuở nhỏ vẫn phải ngày ngày qua đò sang sông để học tập thêm” - GS.TS Đặng Cảnh Khanh chia sẻ.
Còn theo PGS.TS Lê Quý Đức - nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, từ thời quân chủ phong kiến, bia tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội đã ghi lại nhận thức của Nhà nước quân chủ Việt Nam về vai trò của tri thức đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh và hưng thịnh. Nguyên khí suy thì thế nước yếu và thấp kém. Vì thế các vị đế vương thánh minh không ai không coi việc kén chọn kẻ sĩ, bồi dưỡng nhân tài, vun trồng nguyên khí quốc gia là việc cần kíp” (bia dựng năm 1484).
Với những chính sách đúng đắn, Nhà nước phong kiến Việt Nam đã biến Thăng Long - Hà Nội thành một trung tâm giáo dục đứng đầu cả nước gần 800 năm, tạo ra cho kinh đô một tiềm lực tri thức, học vấn dồi dào. Nếu tính từ năm 1075 với khoa thi Minh kinh bác học đầu tiên đến năm 1919 kết thúc nền giáo dục Nho học, cả nước tổ chức 183 kỳ thi Hội, lấy đỗ 2.898 vị đại khoa thì ở Thăng Long tổ chức 144 kỳ, lấy đỗ 2.340 vị đại khoa. Riêng người Thăng Long - Hà Nội đỗ đại khoa trên dưới 640 vị, chiếm tỷ lệ 1/5 của cả nước, số trạng nguyên chiếm tỷ lệ 1/6 (7/46 vị). Cả nước có 21 làng khoa bảng (có từ 10 người đỗ tiến sĩ trở lên) thì Thăng Long - Hà Nội có 5 làng, chiếm 1/2 tổng số đó.
Những nhân tài của Thăng Long - Hà Nội xưa do nền giáo dục Nho học đào tạo đã đóng góp tài năng, trí tuệ cho sự phát triển của đất nước, của chế độ như: Lý Nhân Tông, Lý Thường Kiệt, Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo, Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Phan Phu Tiên, Lê Quý Đôn, Nguyễn Quý Đức, Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn An và Hồ Nguyên Trừng...
Trong thời đại ngày nay, phát huy truyền thống hiếu học của Thăng Long - Hà Nội, cùng với các chính sách giáo dục đào tạo của Nhà nước ta, của chính quyền TP đã tạo ra một nguồn lực tri thức, học vấn, khoa học to lớn để đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô. Theo tài liệu của Bộ GD&ĐT, số giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, tiến sĩ khoa học công tác tại các trường đại học, viện nghiên cứu, cơ quan hành chính, sự nghiệp... ở Hà Nội chiếm 65% của cả nước.
Dấu xưa còn đó
Hiếu học là truyền thống đẹp của dân tộc Việt Nam nói chung, Thủ đô Hà Nội nói riêng. Mạch nguồn hiếu học luôn được vun bồi, chăm chút và lan tỏa cho tới ngày nay, trở thành niềm tự hào của biết bao thế hệ người dân Hà Nội. Trong cuốn sách “Các làng khoa bảng Thăng Long Hà Nội”, tác giả Bùi Xuân Đính và Nguyễn Viết Chức (đồng chủ biên) đã đúc rút rằng, xuyên suốt gần 10 thế kỷ, các triều đại phong kiến Việt Nam hết sức coi trọng việc giáo dục, khoa cử và lấy đó làm cơ sở chủ yếu để chọn nhân tài.
Một trong những di tích tiêu biểu cho văn hóa hiếu học của người Hà Nội là Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Theo tư liệu lịch sử, năm 1070, vua Lý Thánh Tông cho xây dựng Văn Miếu thờ Khổng Tử, các vị hiền triết và làm nơi học tập của Hoàng Thái tử. Năm 1076, nhà vua cho lập Quốc Tử Giám, “chọn quan viên văn chức, người nào biết chữ cho vào Quốc Tử Giám học tập”. Từ đó về sau, trải qua các triều đại, chính sách về giáo dục, thi cử tuyển chọn nhân tài ở nước ta ngày càng được hoàn thiện: triều đình cho tổ chức thi Hương, thi Hội, thi Đình để tuyển chọn hiền tài cho bộ máy chính quyền của Nhà nước quân chủ. Bắt đầu từ năm 1484, vua Lê Thánh Tông xuống chiếu dựng bia đề danh Tiến sĩ để vinh danh những bậc đỗ đại khoa tại Văn Miếu, thể hiện tinh thần trọng thị hiền tài, khuyến khích học tập.
Trên các bài văn bia đề danh Tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, các soạn giả văn bia cũng luôn nhắc nhở kẻ sĩ về tinh thần hiếu học, trau dồi đạo đức. Văn bia Tiến sĩ khoa Bính Tuất (1466) đã ghi: “Các sĩ tử ngước mắt nhìn lên cũng sẽ hăng hái lòng trung nghĩa, trau dồi học hành, đức hạnh để mong có ngày hiển dương đặc dụng. Như thế là để đợi chờ bậc tuấn kiệt theo nhau mà đến, kẻ tài năng, chân chính xuất hiện tiếp nhau, văn chương đủ để giúp nước, đạo đức đủ để giúp đời…”. Vì sự học chính là cái gốc, là căn cốt của mọi thành công, giúp cho xã hội hưng thịnh, là cơ sở để con người có thể trở nên tử tế.
Ngày nay, Văn Miếu - Quốc Tử Giám là địa chỉ văn hóa, du lịch nổi tiếng, thu hút sự quan tâm của nhiều du khách trong và ngoài nước. Hằng năm, nhiều dòng họ cùng hàng chục nghìn học sinh, sinh viên trong cả nước về đây tổ chức lễ dâng hương - khuyến học và tôn vinh truyền thống của cha ông. Di tích, cùng di sản tư liệu thế giới 82 bia Tiến sĩ mãi mãi là nơi lưu giữ, bảo tồn và lan tỏa truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, tôn trọng nhân tài của đất nước.
Cùng với Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội hiện nay vẫn còn lưu giữ nhiều các làng khoa bảng nổi tiếng như Đông Ngạc (Bắc Từ Liêm); làng Cót (phường Yên Hòa, Cầu Giấy); Tả Thanh Oai, Nguyệt Áng (Thanh Trì); Phú Thị, Bát Tràng (Gia Lâm); Đại Phùng (Đan Phượng); Hương Ngải (Thạch Thất)… Trong đó, Đông Ngạc là một làng Việt cổ nổi tiếng của Thăng Long bởi có nhiều người đỗ đạt làm quan. Với 22 người đỗ Tiến sĩ qua các triều đại phong kiến (21 Tiến sĩ văn, 1 Tiến sĩ võ). Những dòng họ lớn trong làng, dòng họ nào cũng có người đỗ đại khoa như dòng họ Phạm, họ Phan, họ Đỗ… Với công lao to lớn đóng góp trong nhiều lĩnh vực nên nhiều người đã trở thành danh nhân của dân tộc, thành những tấm gương về nhân cách, có ảnh hưởng tích cực đến nhiều thế hệ trí thức Việt Nam như cụ Phan Phu Tiên, cụ Đỗ Thế Giai, Hoàng Tăng Bí, Phan Văn Trường, Hoàng Minh Giám… “Hiếu học và có nhiều hình thức khuyến học từ lâu đã trở thành truyền thống của Đông Ngạc” - Chủ tịch UBND phường Đông Ngạc Nguyễn Văn Cường cho biết.
Trích dẫn
Trích dẫn 1
Truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo là phẩm chất nổi trội của người Thăng Long - Hà Nội. Truyền thống hiếu học trước hết được biểu thị trên con số người đỗ đạt trong các kỳ thi Nho học, hình thành nhiều làng khoa bảng, nhiều dòng họ và gia đình khoa bảng nổi tiếng. Truyền thống trọng học, hiếu học ở Thăng Long - Hà nội được biểu thị rất tập trung, đậm nét và đi liền là truyền thống “tôn sư, trọng đạo”, mà thầy giáo Chu Văn An đời Trần trở thành tấm gương muôn đời về đạo làm thầy và quan hệ thầy trò Hà Nội - Việt Nam.
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc -
Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam
(Còn nữa)