Hiểu đúng về giáo dục sớm
PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội cho rằng, giáo dục sớm cần được hiểu một cách khoa học hơn.
Đúng thời điểm và đúng cách
Giáo dục sớm là giáo dục tố chất. Nhấn mạnh điều này, PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, cha mẹ và người lớn tác động đến trẻ ngay từ sớm, biết cách tác động một cách khoa học để phát huy tối đa tố chất của trẻ, tạo nền tảng cho sự phát triển, giúp trẻ phát triển tốt hơn khi trưởng thành.
Khi có nền tảng tố chất tốt thì trẻ mới có hứng thú, say mê, tích cực khi học kiến thức, kĩ năng sau này. Nói cách khác, trẻ có khả năng học được thì trẻ mới có hứng thú và say mê học tập. Ngược lại, khi có hứng thú say mê học tập sẽ giúp cho trẻ tích cực học tập hiệu quả.
Lưu ý thứ hai, theo PGS.TS Trần Thành Nam, giáo dục sớm giúp trẻ phát triển tự nhiên, toàn diện thông qua các hoạt động trải nghiệm thực tiễn gắn với cuộc sống của trẻ có định hướng giáo dục.
Cách giáo dục sớm tốt nhất với trẻ là dạy trẻ học thông trải nghiệm. Khi cha mẹ dạy con quả bóng, cần có quả bóng thật, đá được và cho trẻ cảm nhận bằng các giác quan, trẻ biết được tác dụng, chức năng của nó và liên hệ với thực tế xung quanh.
Hãy để cho trẻ tự biết mình muốn gì, hiểu gì với quả bóng đó và cha mẹ là người hỗ trợ để giúp trẻ hiểu sâu sắc về quả bóng. Trẻ chơi và trải nghiệm cuộc sống là cách học tốt nhất đối với trẻ.
Thứ 3, giáo dục sớm là giáo dục đúng thời điểm và đúng cách. PGS.TS Trần Thành Nam khẳng định: Giai đoạn quan trọng nhất của sự phát triển não bộ là từ 0- 6 tuổi, nếu bỏ qua giai đoạn này sẽ đánh mất đi những tiềm năng của trẻ. Đây là quá trình kích thích chức năng của não bộ phát triển trong thời kì sinh trưởng mạnh nhất.
Tuy nhiên, giáo dục sớm là giáo dục đúng thời điểm và đúng phương pháp chứ không phải bắt ép trẻ học quá nhiều thứ, tạo sức ép và căng thẳng với trẻ. Điều cần làm là trẻ hoạt động một cách vừa sức, thoái mái và tự nhiên, giúp cho trẻ hình thành các giá trị, cảm xúc tích cực, chủ động và sáng tạo.
Làm được điều này sẽ là quá trình giáo dục nhằm khai thác tối đa tiềm năng trí lực của con người và “giai đoạn vàng, cửa sổ của cơ hội” là từ 0 - 6 tuổi.
Một số hướng tiếp cận, phương pháp giáo dục sớm trên thế giới
PGS.TS Trần Thành Nam đưa ra một số hướng tiếp cận, phương pháp giáo dục sớm trên thế giới như sau:
Mô hình HighScope của Mỹ: Đây là một mô hình giáo dục mầm non nhằm mục đích phát triển toàn diện và chú trọng phát triển nhận thức, coi trọng yếu tố cá nhân, “cá nhân học tập chủ động”, nhấn mạnh hoạt động chủ động tích cực của cá nhân đứa trẻ.
Học tập chủ động được hiểu là trẻ có những trải nghiệm trực tiếp với con người, sự vật, sự kiện và cả các ý tưởng, trẻ chỉ học tập hiệu quả nhất khi trẻ được tự lập kế hoạch, thực hiện và đánh giá kết quả thực hiện.
Phương pháp Reggio Emilia tại Ý: Phương pháp này bắt nguồn từ niềm tin cho rằng trong mỗi trẻ đều chứa đựng một tiềm năng lớn và tiềm năng đó sẽ được phát triển nhờ chính trí tò mò vốn có của trẻ.
Trẻ cố gắng tìm hiểu thế giới xung quanh và tự đưa ra cách riêng của mình để giải thích sự vận động của thế giới xung quanh trẻ. Trẻ được khuyến khích và tạo điều kiện để tự giải quyết vấn đề và thể hiện ý tưởng, cảm xúc của bản thân. Môi trường học tập được thiết kế để thể hiện tính linh hoạt, thẩm mỹ.
Montessori ra đời từ gần thế kỷ nay là phương pháp tôn trọng yếu tố cá nhân trẻ. Phương pháp thực hiện với nguyên tắc: học tập là một nhu cầu tự phát của trẻ, phụ thuộc vào môi trường mà trẻ học tập. Môi trường phải được trang bị bởi hệ thống các học cụ nhằm giúp trẻ có cơ hội được tương tác, trải nghiệm, trong đó giáo viên chỉ là người hỗ trợ trẻ, quan sát để hiểu trẻ.
Phương pháp Glenn Doman ra đời vào những năm 1950 tại Ý. Phương pháp căn cứ vào tầm quan trọng của giai đoạn trẻ từ 0-6 tuổi đối với sự phát triển và cân bằng hai bán cầu, đặc biệt chú trọng phát triển não phải để xây dựng cách thức giúp trẻ phát triển toàn diện, trong đó giúp phát triển các loại trí tuệ, trí thông minh.
Phương pháp giáo dục Shichida của Nhật, hướng đến sự phát triển não bộ, đặc biệt giúp phát triển tối ưu chức năng não phải trong giai đoạn sớm đồng thời giúp phát triển nhận thức cho đối tượng trẻ mầm non và học sinh.
Tại Trung Quốc, “Phương án 0 tuổi” do Phùng Đức Toàn và cộng sự đã nghiên cứu và triển khai tập trung vào việc phát triển ngôn ngữ cho trẻ từ khi mới sinh cũng là một chương trình được nhiều nhà khoa học quan tâm và tiến hành đánh giá hiệu quả tác động.