Hiệp hội Thanh long Bình Thuận: Kết nối để vươn xa
Với mục tiêu ấy, thời gian qua Hiệp hội Thanh long Bình Thuận đã vận động các thành viên hiệp hội liên kết sản xuất và tiêu thụ thanh long theo tiêu chuẩn Viet GAP, Global GAP, an toàn thực phẩm cho người dân…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh (giữa) chúc mừng tại đại hội (trước thời điểm sáp nhập tỉnh)
Theo ông Huỳnh Cảnh - Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận (tỉnh Lâm Đồng), với 153 hội viên, từ năm 2024 đến nay, hiệp hội đã kiểm tra, kiểm soát và thẩm định điều kiện, năng lực cấp mới và cấp lại quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý (CDĐL) quả thanh long cho 15 tổ chức, cá nhân. Qua đó, cấp giấy chứng nhận cho 10 tổ chức và cá nhân thuộc lĩnh vực sản xuất và kinh doanh thương mại…
Ngoài ra, hiệp hội đã theo dõi, quản lý việc dán tem chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” trên trái thanh long khi lưu thông thị trường trong nước và xuất khẩu để tăng giá trị. Bên cạnh, phối hợp với các sở, ngành liên quan thường xuyên cập nhật thông tin, nắm bắt tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa, thông quan mặt hàng nông sản, trong đó có thanh long. Qua đó, thông báo kịp thời đến các doanh nghiệp, hợp tác xã, hội viên để chủ động sản xuất, thu hoạch, điều chỉnh tiến độ vận chuyển hàng lên biên giới phù hợp với năng lực thông quan, hạn chế hàng ùn ứ, hư hỏng, gây thiệt hại kinh tế…
Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận cho biết, những tháng đầu năm 2025, hoạt động của hiệp hội nhìn chung ổn định nhưng vẫn gặp khó khăn về thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại. Mặt khác, tên “Hiệp hội Thanh long Bình Thuận” hiện đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở 13 quốc gia. Nếu sau sáp nhập tỉnh phải đổi tên khác, cần phải đăng ký bảo hộ lại, rất tốn kém, khó khăn. Vì vậy, ông Cảnh mong muốn vẫn giữ lại tên gọi và thương hiệu thanh long Bình Thuận vốn có. Mặt khác, hiệp hội hy vọng chính quyền sau sáp nhập tiếp tục quan tâm hơn đến lĩnh vực thanh long của tỉnh. Thúc đẩy quá trình sản xuất sạch của bà con theo chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Bởi thực tế hiện nay nhu cầu của những thị trường thanh long sạch rất cao nhưng không đủ đáp ứng.
Như lời phát biểu của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh, đối với Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, đó là hiệp hội cần tận dụng cơ chế, chính sách có liên quan để hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển cây thanh long, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh và năng lực cạnh tranh. Đồng thời, chủ động phát triển thị trường, giao thương xúc tiến thương mại mở rộng xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Tham gia chuỗi liên kết, hợp tác, hỗ trợ với nhau trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm thanh long. Song song, huy động nguồn lực để đầu tư sản xuất, đổi mới công nghệ, sáng tạo nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo bắt kịp xu thế phát triển…
Đó cũng là những nhiệm vụ quan trọng mà Hiệp hội Thanh long Bình Thuận đang nỗ lực thực hiện trong năm 2025 với sứ mệnh “Kết nối để vươn xa”.
Hiệp hội Thanh long Bình Thuận thành lập vào tháng 2/2010. Đây là một tổ chức nghề nghiệp mang tính chất kinh tế của những người sản xuất, nhà kinh doanh, chế biến xuất khẩu thanh long thuộc mọi thành phần kinh tế, được thành lập theo nguyên tắc tự nguyện. Mục đích của hiệp hội là liên kết hợp tác, hỗ trợ nhau về kinh tế, kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh có hiệu quả nhằm tăng thu nhập cho hội viên, đại diện và bảo vệ lợi ích hợp pháp của hội viên. Trụ sở Văn phòng của Hiệp hội hiện nay tại số 17 Thủ Khoa Huân (phường Phú Thủy, tỉnh Lâm Đồng).