Hiệp hội Dệt May kiến nghị Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp
Trước việc Mỹ dự kiến áp dụng thuế đối ứng 46% đối với Việt Nam, ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam kiến nghị Chính phủ nhanh chóng đàm phán với Mỹ. Đồng thời, đàm phán nhanh một số hiệp định thương mại tiềm năng để hỗ trợ doanh nghiệp.
Tham dự buổi họp khẩn do Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc chủ trì để bàn về các giải pháp xử lý vấn đề sau thông tin về mức thuế đối ứng 46% mà Mỹ dự kiến áp dụng lên hàng hóa Việt Nam, ngày 4/4, ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã đề xuất một số giải pháp cho ngành dệt may.
Ông Cẩm cho rằng, Mỹ là thị trường xuất khẩu trọng điểm của hàng dệt may Việt Nam, chiếm tỷ trọng 38% kim ngạch xuất khẩu. Thuế đối ứng 46% mà Mỹ dự kiến áp dụng đối với Việt Nam là rất cao và bất ngờ.
“Doanh nghiệp rất lo lắng và có tâm lý bất an do biên lợi nhuận của dệt may rất mỏng, hiện tại đã phải cạnh tranh gay gắt với các nước xuất khẩu dệt may khác. Đặc biệt khó khăn khi mức thuế áp cho Việt Nam (46%) cao hơn nhiều so các nước cùng cạnh tranh xuất khẩu vào Mỹ”, ông Cẩm nói.

Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam kiến nghị Chính phủ thúc đẩy các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
Lĩnh vực dệt may Việt Nam hoàn toàn không cạnh tranh với Mỹ mà có xu hướng lấn dần tỷ trọng xuất khẩu dệt may của Trung Quốc. Năm 2019, Trung Quốc chiếm tỷ trọng 32,8% của thị trường Mỹ, năm 2024 chỉ còn 24,62%. Trong khi cùng thời điểm này, tỷ trọng xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ từ 12,98% tăng lên 15,07%.
Mức thuế cao sẽ anh hưởng lớn đến thu hút đầu tư vào nguồn cung thiếu hụt của dệt may Việt Nam là dệt vải, nhuộm để đáp ứng quy tắc xuất xứ các hiệp định thương mại tự do (FTA). Các doanh nghiệp Việt Nam phải đa dạng hóa thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường đã ký FTA. Đồng thời, đàm phán các đơn hàng tiếp theo với cách thức chia sẻ lợi ích, rủi ro trong toàn chuỗi cung ứng.
Để hỗ trợ doanh nghiệp dệt may, ông Cẩm kiến nghị Chính phủ nhanh chóng đàm phán với Mỹ để giảm mức thuế quá cao, đưa ra các giải pháp cụ thể giảm dần thâm hụt thương mại với Mỹ.
Đồng thời, kiến nghị Chính phủ đàm phán nhanh 1 số FTA để khai thác thị trường rất tiềm năng tiềm năng như Canada. Cụ thể là FTA ASEAN - Canada hoặc FTA Việt Nam – Canada. Chính phủ ban hành mới, duy trì các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để giảm chi phí như tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu, thuế đất, thuế thu nhập doanh nghiệp.
Tiếp tục giảm lãi vay, khoanh nợ, giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho doanh nghiệp. Giảm tỷ lệ các khoản đóng góp như kinh phí công đoàn 2%, bảo hiểm xã hội; giảm phí đường bộ, phí hạ tầng cảng biển…
Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam kiến nghị cơ quan đại diện Mỹ tại Việt Nam chuyển tải thông điệp tới Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đề nghị dừng áp dụng từ 2 – 3 tháng để có cơ hội cho Việt Nam đàm phán và đưa ra các giải pháp giảm bớt thâm hụt thương mại với Mỹ.