Hiệp định Genève - Thành công mang tính bước ngoặt của nền ngoại giao Việt Nam
Hiệp định Genève về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký vào ngày 21/7/1954. Tại hội nghị này, chúng ta đã thực hiện sách lược ngoại giao mềm dẻo, khôn khéo để các nước lớn công nhận và tôn trọng các quyền cơ bản của nhân dân Việt Nam, công nhận độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Đông Dương, không can thiệp vào công việc nội bộ của mỗi nước. Kết quả đó là một thành công mang tính bước ngoặt của nền ngoại giao Việt Nam, giữa cuộc đua tranh lợi ích tính toán của các nước lớn. Chúng tôi đã phỏng vấn Thiếu tướng, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự, Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam để hiểu rõ hơn những vấn đề xoay quanh Hiệp định Genève.
- Thưa Thiếu tướng, Hiệp định Genève được ký kết sau khi chúng ta giành thắng lợi to lớn ở Điện Biên Phủ. Lúc đó, chúng ta đứng trên tư cách là người chiến thắng. Nhưng vì sao tại Hội nghị Genève, chúng ta chưa phát huy được hết thế thắng để đạt được hòa bình trên phạm vi cả nước?
- Trước hết, cần nói rõ là việc triệu tập Hội nghị Genève đã được các nước lớn quyết định trước khi chúng ta giành thắng lợi vang dội ở Điện Biên Phủ. Còn về phía Pháp, nước này đồng ý triệu tập Hội nghị quốc tế tại Genève, vì lúc đó tướng Nava đang rất tự hào về tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và tin tưởng vào sự viện trợ của Mỹ đang rót vào Đông Dương. Ngoài ra, các nước lớn tham gia hội nghị với mục tiêu và toan tính khác nhau. Như vậy, có thể khẳng định rằng, sáng kiến triệu tập Hội nghị Genève là do các nước lớn đưa ra và Hội nghị Genève thảo luận về vấn đề Đông Dương nên thế thắng ở Việt Nam chưa được phát huy một cách cao nhất.
- Như vậy, hội nghị này là cuộc chơi của các nước lớn và chúng ta cũng không có nhiều sự lựa chọn. Thế nhưng, một số đối tượng xét lại lịch sử lại cho rằng, chúng ta đã nhân nhượng nên đã dẫn đến sự chia cắt đất nước ra làm hai miền. Thiếu tướng bình luận như thế nào về quan điểm này?
- Thực tế lúc đó, đúng là chúng ta không có nhiều lựa chọn và buộc phải nhân nhượng. Nhưng đó là sự nhân nhượng có nguyên tắc, chứ không phải là hoàn toàn bị động trước sức ép từ bên ngoài. Xu thế quốc tế lúc đó đang là hòa hoãn với nhau. Bản thân Liên Xô, Trung Quốc cũng không muốn chiến tranh ở Đông Dương kéo dài.
Thứ hai, về tương quan lực lượng, đúng là Pháp đang ở thế thua nhưng xét về quân số, thì lực lượng Pháp và ngụy còn lớn hơn ta. Hơn nữa, Pháp tiếp tục được tăng cường lực lượng với sự giúp đỡ và can thiệp của Mỹ. Xét về lực lượng trên bàn đàm phán thì chúng ta gặp nhiều khó khăn, khi không chỉ đương đầu với Pháp, với Anh, với Mỹ mà chúng ta còn phải đối phó với đoàn đại biểu của ba chính phủ quốc gia liên kết thân Pháp ở Việt Nam, Lào, Campuchia.
Thứ ba, sau 9 năm kháng chiến trường kỳ, nhân dân ta rất cần thời gian để nghỉ ngơi, để củng cố xây dựng miền Bắc. Với nhiều lý do, ta đã nhân nhượng để chấp nhận lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến tạm thời để có được hòa bình. Đổi lại, Pháp phải chấp nhận tổng tuyển cử để đi đến thống nhất ở đất nước ta. Tuy nhiên, sau đó, Pháp và Mỹ phá hoại Hiệp định Genève nên cuộc tổng tuyển cử thống nhất đất nước không được diễn ra như trong hiệp định đã nêu, dẫn đến việc đất nước chúng ta bị chia cắt làm hai miền.
- Như vậy là trong thời điểm lúc bấy giờ, chúng ta buộc phải chấp nhận những điều khoản mà chúng ta không mong muốn, nhưng chúng ta không thể làm khác được và không có chuyện là chúng ta mơ hồ như quan điểm của một số đối tượng đang tuyên truyền trên các trang mạng phản động?
- Đúng thế, trong thời điểm đó, chúng ta không thể làm khác được. Nhưng chắc chắn không có chuyện chúng ta mơ hồ. Như đã phân tích ở trên, Hội nghị Genève là hội nghị quốc tế với sự tham gia của 9 bên, các nước lớn đến hội nghị với những động cơ không giống nhau. Hội nghị đã diễn ra rất phức tạp, trong sự đấu tranh quyết liệt của chúng ta với sự dàn xếp của các nước lớn. Trải qua 75 ngày đàm phán gay go căng thẳng, với 31 phiên họp cùng với rất nhiều cuộc gặp tiếp xúc song phương và đa phương bên lề hội nghị, chúng ta phải chịu những áp lực rất lớn. Trong đó, có cả những áp lực đến từ chính đồng minh của chúng ta.
Quá trình diễn ra hội nghị, chúng ta đã từng bước nhận rõ được tình hình và xu thế trong quan hệ quốc tế phức tạp. Trong khi đó, Mỹ đang lăm le nhảy vào Đông Dương. Trong hoàn cảnh như vậy, ta không có nhiều lựa chọn và ta khó có thể đạt được kết quả lớn hơn. Tuy kết quả hội nghị không đáp ứng được tất cả những mục tiêu mà chúng ta đề ra lúc ban đầu, nhưng đó là thắng lợi vẻ vang của nền ngoại giao còn non trẻ của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
- So với Hiệp định Sơ bộ ngày 6/3/1946 thì Hiệp định Genève, chúng ta đạt được những thắng lợi to lớn như thế nào?
- So với Hiệp định Sơ bộ ngày 6/3/1946 thì Hiệp định Genève đã có bước tiến rất xa, là một văn bản mang tính quốc tế cho một giải pháp kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Nếu như trong Hiệp định Sơ bộ, Pháp chỉ công nhận Việt Nam là quốc gia tự do nằm trong khối Liên hợp Pháp và Pháp được đóng 15 nghìn quân ở miền Bắc, thì đến Hiệp định Genève, Pháp và các nước lớn đã phải thừa nhận độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam và Pháp buộc phải rút quân để lập lại hòa bình ở Đông Đương. Hiệp định Genève còn có ý nghĩa là sự thông báo chính thức và chính xác nhất cho nhân dân thế giới biết rằng, chủ nghĩa thực dân Pháp đã hoàn toàn thất bại ở Đông Dương.
- Theo Thiếu tướng, đâu là những bài học kinh nghiệm để chúng ta vận dụng trong công tác đối ngoại nhìn từ một sự kiện diễn ra cách đây 70 năm?
- Quá trình đàm phán của Hội nghị Genève đã để lại cho chúng ta những bài học rất quý giá, có thể nghiên cứu vận dụng cho công tác đối ngoại sau này. Thứ nhất là bài học về tăng cường thực lực của đất nước, tạo cơ sở vững chắc cho hoạt động đối ngoại. Trên thực tế, ở Hội nghị Genève, chúng ta chỉ có thể giành thắng lợi trên bàn đàm phán khi mà chúng ta giành thắng lợi quyết định trên chiến trường và thực tiễn thắng lợi của Hiệp định Paris sau này cũng đã chứng tỏ điều này. Thứ hai là đánh giá chính xác tình hình quốc tế, nhất là thái độ của các nước lớn, có tác động trực tiếp đến chúng ta. Thứ ba là hoạt động đối ngoại phải nhất quán quan điểm độc lập, tự chủ.
Ngoài ra, trong đàm phán thì phải kiên trì lợi ích quốc gia dân tộc, kiên định về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược, sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết xung đột trong quan hệ quốc tế. Đó chính là những kinh nghiệm quý và cũng là những nguyên tắc quan trọng trong hoạt động đối ngoại hiện nay.
- Xin trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!
Diệp Chi (thực hiện)