Hiện thực hóa khát vọng cao tốc trên quê hương cội nguồn cách mạng
Năm 2024, với sự chung sức, đồng lòng, niềm tin và quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và nhà đầu tư, đặc biệt là những quan điểm chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong thực hiện Dự án (DA) tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng), tỉnh đã từng bước hiện thực hóa khát vọng cao tốc trên quê hương cội nguồn cách mạng Cao Bằng.
3 lần Thủ tướng Chính phủ trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo thực hiện dự án
Những tháng cuối năm, mặc dù bộn bề công việc nhưng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến khảo sát thực địa DA và động viên cán bộ, kỹ sư, công nhân đang ngày đêm nỗ lực thi công công trình. Đây là lần thứ 3 và là lần thứ 2 trong năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có mặt tại DA trọng điểm của ngành giao thông - vận tải trên địa bàn tỉnh.
Tháng 1/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn công tác của Trung ương đến thăm, chúc tết, tặng quà đồng bào, chiến sĩ và làm việc tại tỉnh. Thủ tướng đã khảo sát thực địa và quán triệt quan điểm chỉ đạo, điều hành để thực hiện hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt chỉ đạo quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tập trung mọi nguồn lực, ưu tiên số 1 để khởi công thực hiện DA.
Đúng ngày đầu tiên của năm mới 2024, niềm hân hoan của Đảng bộ và nhân dân tỉnh khi tại huyện Thạch An, Thủ tướng phát lệnh khởi công tuyến cao tốc nối 2 tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn. DA xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông có quy mô lớn nhất được đầu tư tại Cao Bằng và là ước vọng nhiều đời nay của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. DA có tổng chiều dài 121 km được phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn với tổng mức đầu tư hơn 23.000 tỷ đồng; điểm đầu tại nút giao Cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng (Lạng Sơn), điểm cuối tại nút giao Quốc lộ 3 xã Chí Thảo (Quảng Hòa). Sau khi hoàn thành sẽ khơi thông điểm “nghẽn” về giao thông, rút ngắn thời gian di chuyển từ Cao Bằng đến Hà Nội và ngược lại từ 6 - 7 giờ xuống còn khoảng 3,5 giờ. Đây cũng là DA giao thông có tổng số hộ và diện tích đất phải thu hồi lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh.
Xác định rõ tầm quan trọng của khâu giải phóng mặt bằng liên quan đến tiến độ thực hiện DA, ngày 27/1/2024, UBND tỉnh tổ chức phát động động “Chiến dịch cao điểm 100 ngày đêm hoàn thành giải phóng mặt bằng DA cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh” tại huyện Thạch An, với mục tiêu thu hồi trên 41 km, diện tích hơn 260 ha, giải quyết tốt chế độ, chính sách cho 1.130 hộ bị ảnh hưởng, phải thu hồi. Phấn đấu đến ngày 15/6, bàn giao 100% mặt bằng sạch cho liên danh nhà đầu tư để triển khai thi công DA đúng kế hoạch và tiến độ. Phát huy cao nhất bản lĩnh, trí tuệ, ý chí quyết chiến, quyết thắng trong cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, thanh niên, đoàn viên các tổ chức hội... tham gia thực hiện DA, tạo hiệu ứng tích cực lan tỏa rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Với phương châm “gần dân, sát dân để tuyên truyền, vận động và giải quyết vướng mắc của người dân”, tiến độ giải phóng mặt bằng tại các địa phương được đẩy nhanh, đặc biệt 100% hộ bàn giao đất và cam kết bàn giao đất dù chưa nhận được tiền đền bù. Ông Nguyễn Quang Vĩnh, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh chia sẻ: Đây là DA có tiến độ giải phóng mặt bằng nhanh nhất trong các DA và DA giao thông nói riêng do Tập đoàn Đèo Cả thi công.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: “Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới; sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân, nhân dân làm nên lịch sử; đổi mới để bay cao, sáng tạo để vươn xa, hội nhập để tiến lên, phát triển”.
Với mục tiêu tạo khí thế thi đua, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, tuân thủ chỉ đạo “vượt nắng thắng mưa” của Thủ tướng Chính phủ, ngày 3/10/2024, Công ty cổ phần Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh và các nhà thầu phát động phong trào thi đua 525 ngày đêm thông tuyến DA, hướng tới kỷ niệm 525 năm thành lập tỉnh. Đại diện đơn vị tổng thầu thi công cam kết bám sát kế hoạch thi công chi tiết, đảm bảo tiến độ thông tuyến sau 525 ngày đêm, đảm bảo chất lượng và an toàn lao động tuyệt đối.
Chưa tròn 1 năm từ khi phát lệnh khởi công, ngày 14/11/2024, tiếp tục có mặt thực địa trên công trường DA cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vui mừng khi thấy “hình hài” công trình cao tốc đang dần hiện hữu, đặc biệt có 4 hầm đang triển khai thi công tích cực. Thủ tướng động viên khi biết các chuyên gia, kỹ sư, công nhân trực tiếp trên công trường luôn túc trực thi công phải tranh thủ làm “3 ca, 4 kíp”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương” mà vẫn giữ được tinh thần lạc quan và động lực tích cực làm việc. Khẳng định đó là kết quả đạt được từ sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Trung ương Đảng mà thường xuyên, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm, sự đồng hành của Quốc hội, sự nỗ lực, cố gắng, quyết tâm cao của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương liên quan, đặc biệt là 2 tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, trách nhiệm của nhà đầu tư, nhà thầu, nhà tư vấn, kỹ sư, công nhân, đặc biệt cảm ơn sự đồng lòng, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân vùng DA đi qua.
Tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh đi qua những địa điểm lịch sử của Cao Bằng - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước trực tiếp chỉ đạo cách mạng sau hơn 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, nơi cách đây 75 năm diễn ra Chiến thắng Đông Khê mở ra bước ngoặt mới để cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc thắng lợi với chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ… Thủ tướng cho rằng việc triển khai DA có 6 ý nghĩa quan trọng, đó là: góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; mệnh lệnh của trái tim; quyết tâm của khối óc; kỳ vọng của nhân dân; yêu cầu, đòi hỏi của sự phát triển; trách nhiệm trước nhân dân, trước đất nước. Đánh giá cao tầm quan trọng của thời gian, trí tuệ, quyết tâm, quyết liệt, tự lực, tự cường, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp để thực hiện DA trên tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, “không đùn đẩy, né tránh” với mục tiêu cuối năm 2025 thông xe toàn tuyến để nối thông toàn bộ tuyến đường bộ cao tốc từ Cao Bằng đến Cà Mau. Thống nhất về nguyên tắc đầu tư giai đoạn 2 DA với quy mô hoàn chỉnh 4 làn xe, theo hình thức PPP. Sau khi Luật PPP (sửa đổi) được ban hành; vì Cao Bằng, Lạng Sơn là vùng khó khăn nên đồng ý về nguyên tắc của DA được áp dụng cơ chế 70 - 30 (70% vốn Nhà nước - 30% vốn nhà đầu tư huy động) như đề nghị của tỉnh.
Vượt nắng, thắng mưa, thi công xuyên tết
Với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa, không thua bão gió”, “ăn tranh thủ ngủ khẩn trương”, “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”, thi công “3 ca, 4 kíp”, “làm việc xuyên lễ, tết, xuyên ngày nghỉ”, “chỉ tiến, không lùi”, “đã nói là làm và đã cam kết là phải thực hiện hiệu quả” như Thủ tướng chỉ đạo lan tỏa ngành giao thông - vận tải trong thời gian qua, các nhà đầu tư, doanh nghiệp DA, nhà thầu thi công đã huy động nhân lực thi công ngày đêm khi các phân đoạn mặt bằng được bàn giao. Tiếng máy móc rền vang, tiếng máy khoan hầm như xé toạc lòng đá núi. Ngày 7/12/2024, hầm Đông Khê dài gần 500 m chính thức được đào thông, vượt 2 tháng so với kế hoạch đề ra, các cây cầu trên tuyến hoàn thành nhiều trụ và xà mũ, đánh dấu cột mốc quan trọng của DA.
Những ngày đầu năm mới, trên công trường DA cao tốc, nhịp độ lao động diễn ra sôi động, nhộn nhịp tiếng máy móc, kỹ sư, công nhân làm việc khẩn trương với quyết tâm cao hướng tới mục tiêu về đích đúng hẹn, thông tuyến vào cuối năm 2025. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, ngành chuyên môn thường xuyên phối hợp với nhà thầu kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng, yêu cầu kỹ, mỹ thuật, an toàn lao động, vệ sinh môi trường trong vùng DA. Với 99,78% chiều dài tuyến được bàn giao mặt bằng trên địa phận tỉnh, tất cả các nhà thầu của tổng thầu bố trí khảo sát đường tiếp cận, triển khai thi công đường công vụ dọc tuyến, chiếm lĩnh mặt tại các vị trí bàn giao; thi công đào, đắp nền đường các phân đoạn tuyến đã có hồ sơ thiết kế được phê duyệt và khảo sát các mỏ vật liệu để phục vụ thực hiện DA. Nhà thầu tổ chức 27 mũi thi công đồng loạt 24/7, trên 370 đầu máy móc, thiết bị, gần 1.100 kỹ sư, công nhân trực tiếp làm việc tại công trường. Tổng giá trị thực hiện các gói thầu đạt 845 tỷ đồng, tương đương 8,4% giá trị hợp đồng; giải ngân vốn năm 2024 đến ngày 24/12/2024 đạt 56,93% kế hoạch.
Anh Hoàng Ngọc Luân (42 tuổi), ở thị trấn Đông Khê, công nhân lái máy ủi chia sẻ: Hiện giờ, khối lượng công việc đang được đẩy lên rất nhiều, ai cũng hiểu rằng DA có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của huyện, tỉnh và đất nước nên dù vất vả nhưng anh em vẫn hăng say, phấn khởi làm “3 ca, 4 kíp” để đảm bảo tiến độ. Trong dịp Tết Dương lịch, chúng tôi làm xuyên tết, xuyên trưa, tối tăng ca cố gắng đạt mục tiêu tốt nhất mà nhà thầu đã giao.
DA hoàn thành góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia. Đây là DA có tính chất, ý nghĩa rất quan trọng, góp phần triển khai chỉ đạo của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về phát triển hạ tầng giao thông với các tỉnh còn khó khăn. Đồng thời, là ước vọng nhiều đời nay của nhân dân các dân tộc tỉnh và là trăn trở của nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh. Xuất phát từ mệnh lệnh của trái tim với tinh thần “cùng lắng nghe, thấu hiểu”; cùng sẻ chia tầm nhìn và hành động; cùng làm, cùng thắng và cùng phát triển; cùng hưởng niềm vui, hạnh phúc và tự hào”, bằng trí tuệ với tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao độ, chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong thực tiễn, sự chung tay, góp sức, đoàn kết, thống nhất trong triển khai các nhiệm vụ, DA tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh sẽ sớm về đích trong niềm hân hoan, tự hào.
Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Trần Hồng Minh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng khẳng định: DA tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh là công trình trọng điểm của ngành giao thông - vận tải, góp phần thực hiện mục tiêu tới năm 2025, cả nước có 3.000 km và đến năm 2030 cả nước có 5.000 km đường bộ cao tốc. DA có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại, là công trình giúp Cao Bằng kết nối để vươn xa.