Hiện thực hóa giấc mơ nhạc kịch thuần Việt
Thời gian qua một số đơn vị nghệ thuật mạnh dạn đầu tư cho nhạc kịch thuần Việt mà thành công của vở 'Lửa từ Đất' chính là một minh chứng. Thành công này cũng cho thấy, những người làm nghề đã không ngại 'thử lửa' để đưa khán giả đến gần hơn với nhạc kịch, mở ra một chặng đường mới đầy hứa hẹn cho loại hình nghệ thuật này...
Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng NSƯT Cao Ngọc Ánh - Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ trong vai trò Tổng đạo diễn của 3 vở nhạc kịch thuần Việt. Trước “Lửa từ Đất” là “Sóng” và “Viên đá ngũ sắc”.

NSƯT Cao Ngọc Ánh.
PV: “Lửa từ Đất" không chỉ là một vở nhạc kịch, mà còn là một hành trình cảm xúc, một câu chuyện đầy tính nhân văn về con người, về lòng kiên định và khát vọng vươn lên. Vậy đâu là cảm hứng để bà xây dựng một vở nhạc kịch ý nghĩa như vậy? Liệu có phải vì là cháu ruột của ông Nguyễn Ngọc Vũ - nhân vật chính trong vở kịch?
NSƯT Cao Ngọc Ánh: Tôi có một lời hứa, rằng mình sẽ phải làm một điều gì đó để tri ân Hà Nội - Thủ đô ngàn năm văn hiến. Khi mẹ tôi biết ý định đó, bà đã đưa tôi cuốn nhật ký của gia đình. Trong tập nhật ký đó, tôi đã đọc những câu chuyện về ông Nguyễn Ngọc Vũ, đọc một mạch. Và đọc xong thì khóc, nghĩ ngay trong đầu rằng mình sẽ phải dựng thành một vở nhạc kịch.
Mất mấy tháng trời tôi cùng ê kíp đặt vào đó tất cả tâm huyết, từ kịch bản, âm nhạc, diễn viên... Kết quả là chúng tôi đã tái hiện được một câu chuyện xúc động về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của ông Nguyễn Ngọc Vũ - Bí thư Thành ủy chính thức đầu tiên của Đảng bộ Hà Nội.
Những phản hồi tích cực của khán giả chính là liều thuốc bổ hồi sức cho chúng tôi sau khoảng 3 tháng tổng lực. Tôi nói vậy là bởi vì, sau đêm diễn ngày 15, 16/3 chúng tôi như đổ gục vì mệt, cơ thể như được thả lỏng sau 50 ngày tập luyện căng thẳng, thậm chí không biết giờ nào là giờ ăn trưa, giờ nào ăn tối. Mỗi thành viên trong ê kip là một ngọn lửa nhỏ. Ai cũng khát khao sáng tạo và cống hiến. Nếu Giám đốc âm nhạc, nhạc sĩ Minh Đạo với những giai điệu được viết nên như một bản hùng ca đầy cảm xúc thì NSND Trần Ly Ly lại mang tới những màn vũ đạo đẹp mắt, góp phần làm nổi bật cảm xúc và nội dung của vở diễn.
Có thể nói trong “Lửa từ Đất” những yếu tố Việt được khai thác một cách sâu sắc để câu chuyện lịch sử trở nên sống động và đầy cảm xúc trên sân khấu.
Khi xem nhạc kịch “Lửa từ Đất”, nhiều khán giả như vỡ òa cảm xúc khi được thưởng thức một vở diễn là sự kết hợp đầy thăng hoa giữa nghệ thuật sân khấu và công nghệ hiện đại (hiệu ứng 3D Mapping)? Liệu đây có phải là một trong những yếu tố làm nên thành công cho vở diễn, thưa bà?
- Nhạc kịch kết hợp nhiều yếu tố. Đó là âm nhạc, hình thể thay hết cho thoại, dẫn dắt cảm xúc, dẫn dắt câu chuyện, vì vậy mỗi đơn nguyên vô cùng quan trọng. Ví như từng giai điệu trong vở nhạc kịch được viết nên như một bản hùng ca đầy cảm xúc, vừa mạnh mẽ, dữ dội, vừa sâu lắng, da diết. Hay như màn kịch múa, làm sao để miêu tả được hình ảnh anh dũng, kiên cường của những người chiến sĩ cách mạng trong nhà tù chỉ trong 8-10 phút. Một phần nữa chính là tuyến kịch. Từ các tài liệu trên sách vở làm thế nào đưa vào thành một câu chuyện, có tính kịch, có cao trào, có lắng đọng...
Có thể nói, nhạc kịch làm được nhưng điều tưởng như rất khó đó. Và tôi cũng có cảm giác rằng mình được trao sứ mệnh làm các đề tài khó như thế. Thể loại nhạc kịch dù đã xuất hiện ở Anh 300 năm, ở Mỹ cũng hơn 100 năm nhưng ở Việt Nam vẫn còn khá mới mẻ, nhiều khán giả còn chưa biết về loại hình nghệ thuật này nên đạo diễn chuyên sâu về nhạc kịch được đào tạo bài bản hầu như không có.

Cảnh trong vở nhạc kịch “Lửa từ Đất”. Ảnh: NVCC
Tôi không phủ nhận, hiệu ứng 3D làm cho vở diễn hấp dẫn và lôi cuốn hơn, nhất là với người trẻ. Thế nhưng, đó không phải là tất cả. Kỹ xảo, kỹ thuật trên sân khấu chỉ là những yếu tố mang tính hỗ trợ, trang trí. Như khi bạn xây nhà thì các cái đó sẽ làm cho nhà bạn đẹp hơn, sang trọng hơn, toát lên ý tưởng của nhà thiết kế, chứ không phải đó là yếu tố quyết định thành công.
Trước “Lửa từ Đất”, vở nhạc kịch “Sóng” và “Viên đá ngũ sắc” cũng rất thành công. Đặc biệt là “Viên đá ngũ sắc” lấy cảm hứng từ hành trình của “chú lính chì” Thiện Nhân. Có phải vì các vở diễn đó được dựng từ khát khao nhạc kịch thuần Việt, dành cho người Việt, thưa bà?
-Đúng vậy. Thời gian qua, sân khấu nhạc kịch khá sôi động, tuy nhiên đó là những vở diễn của nước ngoài, mua bản quyền âm nhạc, có vở mua bản quyền bản full, ê kíp dàn dựng cũng là người nước ngoài. Từ 3 vở nhạc kịch, với 3 đề tài, 3 bối cảnh xã hội khác nhau, tôi muốn chứng minh rằng, chúng ta hoàn toàn có thể hiện thực hóa giấc mơ nhạc kịch thuần Việt. Đó là những vở diễn kể câu chuyện của người Việt Nam, nói lên tâm tư nguyện vọng của người Việt, và được vang lên với những âm hưởng dân tộc Việt Nam ở một giai đoạn, một thời kỳ lịch sử nào đó. Ví dụ “Lửa từ Đất” là âm hưởng của những năm 1930 được vang lên. Hoặc trong “Viên đá ngũ sắc” tôi đã gửi gắm một thông điệp: “Nếu như bạn có niềm tin thì mọi ước mơ sẽ trở thành hiện thực”.
Bà có nghĩ một vở nhạc kịch với câu chuyện, hoàn cảnh, đất nước con người Việt Nam thì nó dễ chạm đến cảm xúc của khán giả hơn không, hay cứ nói đến nhạc kịch là phải những vở kinh điển của nước ngoài?
-Tôi nghĩ rằng, quan trọng là đề tài đó được chuyển tải lên sân khấu thế nào. Ví dụ khi chúng tôi làm “Lửa từ Đất” mọi người bảo khó đấy. Tư liệu về ông Vũ rất ít, làm sao để ra được 120 phút trên sân khấu. Nhưng thực tế là chúng tôi đã thành công. Hay trước đó, khi làm vở nhạc kịch “Sóng”, bạn bè bảo tôi, đề tài này khó lắm, đừng chọn. Nhưng tôi đọc thơ Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ thấy cũng không có gì là khó khi dựng vở này. Cũng giống như người họa sĩ, có người vẽ mặt trước, có người vẽ mặt sau. Mình là người sáng tạo thì mình phải có lựa chọn, và tôi chọn góc lãng mạn, vì đọc thơ của Xuân Quỳnh tôi thấy chứa chan lãng mạn, có cả lãng mạn cách mạng. Vì vậy, xuyên suốt phần âm nhạc trong vở diễn là những bài hát phổ thơ của Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh, các nhạc sĩ không phải đi tìm lời nữa, bởi thơ của họ đẹp quá rồi.
Trân trọng cảm ơn bà!