Hiện thực hóa giấc mơ căn nhà khang trang
Với mục tiêu đến tháng 4-2025, TPHCM sẽ xóa toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát, thời gian qua chính quyền các địa phương đã chung tay hỗ trợ nhiều hộ dân có chỗ ở khang trang hơn.
Địa phương hỗ trợ tiền sửa nhà
Ông Nguyễn Văn Dung là hộ cận nghèo ở ấp Giồng Ao, thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, TPHCM, sống bằng nghề làm lưới. Người vợ nay ốm mai đau, nguồn thu nhập chính của cả nhà chỉ trông chờ vào tiền làm lưới của ông. Căn nhà của ông Dung đã xuống cấp nhiều năm qua, bức tường xuất hiện nhiều vết nứt toét lớn, sâu vào phần gạch.
Những năm trước, mỗi lần trời mưa hay triều cường, nhà ông bị ngập gần 10cm. Chịu không nổi cảnh ngập lụt, ông vay mượn tiền, nâng nền. Thoát cảnh ngập lụt thì nhà bắt đầu xuất hiện nhiều vết nứt lớn, muốn sửa nhà nhưng tiền vay nâng nền còn chưa trả hết...
Đáng mừng là ông được Nhà nước hỗ trợ kinh phí sửa chữa nhà trong chương trình “Chung tay xóa nhà tạm, dột nát trên địa bàn TPHCM năm 2025”. Ngày 31-12-2024, căn nhà ông Dung được khởi công sửa chữa với 70 triệu đồng được hỗ trợ.
Ông Dung xúc động: “Số tiền này đối với gia đình tôi là cả gia tài. Sắp tới, nhà tôi thoát cảnh phải dùng thau hứng nước mỗi khi mưa”.
Cùng cảnh ngộ, anh Ngô Văn Anh, ngụ ấp An Hòa, xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ, bao nhiêu năm qua sống trong căn nhà lá xập xệ, cũ nát. Đây là tài sản lớn nhất mà vợ chồng anh có được sau 20 năm chung sống. Anh thổ lộ, hai vợ chồng không có công việc ổn định, ai thuê gì làm nấy từ phụ hồ, làm lưới, may vá… thu nhập cả ngày chỉ 200.000-300.000 đồng, phải thật khéo mới vun vén đủ lo 2 đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn.
“Có được căn nhà mới là ước mơ cả đời của vợ chồng tôi. Vừa rồi, nghe chuyện được Nhà nước hỗ trợ kinh phí sửa nhà, cả nhà mừng lắm. Với số tiền này, vợ chồng tôi sẽ vay mượn thêm để xây mới căn nhà, các con tôi sẽ có chỗ ăn, chỗ ngủ khang trang, học hành thuận tiện hơn”, anh Ngô Văn Anh phấn khởi.
Đi sâu vào con hẻm trên đường Thích Quảng Đức, phường 5, quận Phú Nhuận, chúng tôi tìm đến căn nhà khang trang của bà Nguyễn Thị Thu Hà (73 tuổi) vừa được địa phương hỗ trợ sửa chữa.
Không giấu được niềm hạnh phúc, bà Hà chia sẻ, cách đây 2 tháng, nhà bà chịu cảnh những tấm la phông rớt từng mảnh, khi trời mưa phải dùng thau hứng nước. Nhờ phường hỗ trợ 40 triệu đồng và tiền tích lũy, nhà bà được “thay áo” với sàn gạch mới, la phông, mái chắc chắn...
Gỡ vướng mắc thủ tục
Ông Đặng Xuân Bình, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Cần Giờ, cho biết, huyện còn khoảng 250 căn nhà tạm, dột nát cần được sửa chữa. Tiêu chí xét duyệt hỗ trợ huyện thực hiện theo hướng dẫn của Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM. Sau khi cấp kinh phí cho các hộ sửa chữa nhà, huyện giám sát để số tiền này được sử dụng đúng mục đích.
Theo bà Trần Thị Mai Lý, Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận Phú Nhuận, thực hiện chương trình chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát, trong tháng 11 và 12-2024, quận đã xây dựng, sửa chữa được 5 căn, kinh phí khoảng 250 triệu đồng. Trong quá trình xét duyệt, có những trường hợp thật sự khó khăn về nhà ở nhưng lại không có giấy tờ hoặc nhà đồng thừa kế có tranh chấp.
Khi đó, các cơ quan chức năng của địa phương trực tiếp vận động, thuyết phục để các chủ thể đồng thừa kế đồng ý cho sửa chữa. Quận cũng hỗ trợ các hộ dân làm thủ tục xin giấp phép xây dựng, miễn phí bản vẽ... Số tiền hỗ trợ 50 triệu đồng/căn chưa đủ sửa chữa căn nhà khang trang hơn, nên địa phương vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ thêm kinh phí.
Bên cạnh hỗ trợ vật chất, việc tháo gỡ các thủ tục cũng đóng vai trò quan trọng. Một đại diện Ủy ban MTTQ quận 4 cho hay, theo quy định hiện nay, thủ tục sửa chữa, xây mới nhà phải có giấy phép xây dựng hoặc giấy phép sửa chữa, cải tạo công trình. Tuy nhiên, với một số hộ dân, việc thực hiện các thủ tục này là không đơn giản. Vì thế, các địa phương nên có sự hỗ trợ và rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ. Có như thế, chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát mới đạt được mục tiêu và về đích đúng tiến độ.
TPHCM xóa toàn bộ nhà tạm, dột nát trước ngày 30-4-2025
Theo báo cáo của UBND TPHCM, thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025” của Thủ tướng Chính phủ, qua rà soát, TPHCM có 325 hộ nghèo, hộ cận nghèo đang gặp khó khăn về nơi ở, có nhu cầu xây dựng, sửa chữa.
Theo quy định của Ban Vận động, quản lý và sử dụng Quỹ Vì người nghèo TPHCM, thống nhất chi phí xây dựng nhà tình nghĩa là 80 triệu đồng/căn (huyện Cần Giờ, Nhà Bè là 90 triệu đồng/căn); xây dựng nhà tình thương là 60 triệu đồng/căn (huyện Cần Giờ, huyện Nhà Bè là 70 triệu đồng/căn). Chương trình được thực hiện trong năm 2024 và 2025.
Chương trình triển khai theo 2 đợt: đợt 1 thực hiện cải tạo, xây dựng mới 100 căn nhà tình thương từ ngày 23-12-2024 đến 22-1-2025; đợt 2 thực hiện cải tạo, xây dựng mới 223 căn nhà. TPHCM phấn đấu xóa toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, khó khăn trước ngày 30-4-2025.