Hiện thực hóa đường sắt cao tốc Bắc - Nam: Kế hoạch lớn của các ông 'lớn'
Hiện có ít nhất 2 doanh nghiệp lớn của Việt Nam khẳng định quan tâm đến Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đó là Tập đoàn Đèo Cả và Tập đoàn Hòa Phát
Thường trực Chính phủ vừa tổ chức hội nghị với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Tại hội nghị này, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát, đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp liên quan đến các giải pháp phát triển kinh tế, trong đó có việc huy động doanh nghiệp tư nhân tham gia các dự án lớn, trong đó dành sự quan tâm đến dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Doanh nghiệp lớn quan tâm
Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, ông Trần Đình Long mong muốn Tập đoàn Hòa Phát được tham gia đấu thầu cung cấp thép cho dự án. "Hòa Phát đủ năng lực để sản xuất thép cho dự án đường ray tốc độ cao tại Việt Nam " - ông Long khẳng định.
Trước đó, tại đại hội cổ đông thường niên 2024 của Tập đoàn Hòa Phát diễn ra vào tháng 4, ông Long chia sẻ tham vọng sản xuất đường ray cho đường sắt tốc độ cao trong giai đoạn 2 của dự án Dung Quất 2. Thời điểm đó, ông Long cho biết Dung Quất 2 đã hoàn thành hơn nửa chặng đường với nhiều hạng mục quan trọng đang dần được hoàn thiện. Đây cũng là thời điểm mà Hòa Phát bắt đầu triển khai nghiên cứu và sản xuất những thanh ray đầu tiên để phục vụ cho dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.
Bên cạnh loạt dự án đường bộ rốt ráo được triển khai thực hiện, Tập đoàn Đèo Cả cũng đã chính thức góp mặt trong lĩnh vực hạ tầng đường sắt. Tháng 12-2023, Ban Quản lý đường sắt, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã công bố Liên danh CTCP Tập đoàn Đèo Cả - CT TNHH Xây dựng IL Sung là nhà thầu Gói thầu XL01 thi công xây dựng 2 hầm đường sắt của Dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét (Quảng Bình) thuộc tuyến đường sắt Hà Nội - TP HCM với giá trúng thầu hơn 554 tỉ đồng. Để trúng thầu, Liên danh Tập đoàn Đèo Cả - Xây dựng IL Sung đã vượt qua 2 liên danh nhà thầu Hàn Quốc và Việt Nam khác.
Đáng chú ý, vào tháng 10-2023, Bộ GTVT có công văn chấp thuận liên danh Tập đoàn Đèo Cả - Công ty Thương mại Dầu khí Lào là nhà đầu tư đề xuất dự án đường sắt Việt - Lào đoạn Vũng Áng - Tấn Ấp - Mụ Giạ, thực hiện lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án theo phương thức PPP. Tuyến đường sắt Việt - Lào có tổng chiều dài 554,7 km, trải dài trên địa phận hai quốc gia Lào và Việt Nam. Dự án có quy mô đường đôi, khổ ray 1.435 mm, vận tốc 150 km/giờ, tổng mức đầu tư khoảng 149.550 tỉ đồng.
Tuyến đường sắt này sẽ kết nối Vientiane tới cảng Vũng Áng, kết nối với tuyến đường sắt Lào - Trung Quốc, kỳ vọng tạo ra tuyến vận tải hàng hóa mở rộng đến Bắc Lào và Nam Trung Quốc. Cần nói thêm, Tập đoàn Đèo Cả không phải đơn vị đầu tiên quan tâm tiếp cận tuyến đường sắt Vientiane - Vũng Áng.
Có thể thấy một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước sẵn sàng đầu tư vào hạ tầng đường sắt, cũng như có kế hoạch, sự chuẩn bị cần thiết để tham gia vào Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Đây cũng là cơ sở, tại cuộc họp của Chính phủ nghe báo cáo tình hình triển khai Dự án đường sắt tốc độ cao vào ngày 25-9, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã giao Bộ GTVT, Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, Bộ Công Thương phối hợp với một số doanh nghiệp... xây dựng và triển khai lộ trình tiếp nhận, chuyển giao, làm chủ công nghệ và phát triển công nghiệp đường sắt từ sản xuất trang thiết bị, vận hành, quản trị; bảo đảm đồng bộ, thống nhất về công nghệ, quy chuẩn, tiêu chuẩn.
Huy động nguồn lực trong nước
GS-TS Bùi Xuân Phong, nguyên Chủ tịch Hội Kinh tế và Vận tải đường sắt Việt Nam, cho rằng việc Tập đoàn Hòa Phát hay bất kỳ doanh nghiệp Việt nào có thể tham gia làm đường sắt cao tốc cũng rất đáng ủng hộ. "Chúng ta có chủ trương đẩy mạnh nội địa hóa, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân phát triển, không có lý do gì không ủng hộ" - ông Phong nói.
Theo Viện Chiến lược và phát triển GTVT (Bộ GTVT), nguồn nhân lực là một trong những yếu tố then chốt quyết định sự thành công của quá trình đầu tư xây dựng, vận hành, khai thác dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Nguồn nhân lực này với sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân cũng bảo đảm khả năng tiếp nhận chuyển giao, làm chủ công nghệ vận hành bảo trì, đặt mục tiêu nâng cao tỉ lệ nội địa hóa, khuyến khích phát triển công nghiệp để từng bước làm chủ công nghệ.
Kinh nghiệm thế giới cho thấy, các quốc gia tự nghiên cứu phát triển hệ thống đường sắt cao tốc như Nhật Bản, Pháp, Đức, Ý, kể cả các quốc gia nhận chuyển giao và tiến tới làm chủ công nghệ như Trung Quốc, Hàn Quốc, Tây Ban Nha đều xây dựng chương trình phát triển quốc gia về nguồn nhân lực từ rất sớm. Việc này được thực hiện khoảng 5-7 năm trước khi đầu tư xây dựng.
Viện Chiến lược và phát triển GTVT tính toán quá trình xây dựng dự án đường sắt tốc độ cao, cần nguồn lao động khoảng 263.700-332.300 người. Trong đó, giai đoạn 2025-2030 cần khoảng 111.280-160.000 người; giai đoạn 2030-2040 cần khoảng 152.420- 186.280 người và phần lớn phải có tay nghề cao. Giải pháp với nguồn lao động trên là tuyển dụng thông qua đào tạo trong nước, liên kết và đào tạo ở nước ngoài. Sau khi hoàn thành, dự án cần khoảng 13.880 người để khai thác vận hành, trong đó lao động trực tiếp là 11.050 người, kỹ sư cần khoảng 2.349 người.
Tuy nhiên, Viện Chiến lược và phát triển GTVT nhận định nguồn nhân lực cho đầu tư xây dựng cơ bản trong nước đáp ứng được 80% nhu cầu để phục vụ cho công tác xây dựng như nền, móng, công trình…; 20% nhân lực còn lại tập trung chủ yếu vào các chuyên ngành chuyên sâu của đường sắt tốc độ cao như hệ thống ray, thông tin tín hiệu... và cần có kế hoạch đào tạo chuyên sâu, đáp ứng yêu cầu công việc. Với số tiền và nhu cầu đào tạo nguồn lao động lớn như vậy, cơ quan này đề xuất Bộ GTVT sớm xây dựng và hoàn thiện chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với nguồn nhân lực chất lượng cao; tạo cơ chế phù hợp để thu hút nguồn vốn nước ngoài đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực.
Ông Uông Việt Dũng - Chánh Văn phòng, người phát ngôn của Bộ GTVT - cho biết dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ phức tạp, nguồn lực đầu tư đặc biệt lớn. Đây là dự án chưa có tiền lệ, lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam. Để bảo đảm mục tiêu, yêu cầu của dự án và phù hợp điều kiện thực tế của Việt Nam, đề án đề xuất huy động tối đa nguồn nhân lực trong nước kết hợp thuê tư vấn, nhà thầu nước ngoài tham gia thiết kế, thi công, quản lý, giám sát thực hiện dự án.
Phát huy nguồn lực trong nước với sự đồng hành của những tập đoàn, doanh nghiệp lớn có đủ năng lực về quy mô vốn, trình độ công nghệ và quản trị doanh nghiệp như Hòa Phát, Đèo Cả được kỳ vọng tạo ra những dự án mang tính biểu tượng, trong đó có dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam, góp phần đưa đất nước phát triển.
Đầu tư lĩnh vực đường sắt: Hướng đi mới
Ông Nguyễn Quang Vĩnh, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả, cho biết việc đầu tư vào hạ tầng đường sắt được xác định là hướng đi mới của Tập đoàn Đèo Cả trong giai đoạn 5-10 năm tới. Hội đồng cố vấn của Tập đoàn Đèo Cả tập hợp các nhà khoa học, chuyên gia, chính khách có kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực như kỹ thuật công trình, an ninh, kiểm toán, tài chính, pháp lý, giáo dục và chuyên gia đường sắt… đồng hành và tham mưu lãnh đạo tập đoàn với góc nhìn độc lập, đa chiều.
Để đón đầu các dự án đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, Tập đoàn Đèo Cả đã hợp tác với các trường đại học để tuyển sinh, đào tạo nhân lực chất lượng cao ngành đường sắt. Theo đó, vào tháng 1-2024, Viện Nghiên cứu - Đào tạo Đèo Cả khai giảng chương trình đào tạo chuyên ngành xây dựng đường sắt - metro, mở đầu cho chuỗi hoạt động của Tập đoàn Đèo Cả tham gia phát triển nhân lực cho ngành giao thông, "đón đầu" và đáp ứng nhu cầu cấp thiết về nguồn nhân lực, đặc biệt trong lĩnh vực đường sắt - metro. "Cùng với việc khẩn trương đào tạo nhân sự về xây dựng hạ tầng đường sắt, Đèo Cả đã hợp tác với các đơn vị quốc tế có kinh nghiệm… chuyên về thiết bị thi công hạ tầng giao thông và tư vấn đường sắt để học tập công nghệ, củng cố năng lực, nâng cao nguồn lực chất lượng cao" - ông Vĩnh chia sẻ.