Hiện thực hóa các chỉ tiêu tăng trưởng

Nhằm cụ thể hóa và triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12/4/2022 của Chính phủ; hình thành cơ cấu hợp lý, hiệu quả trong từng ngành, lĩnh vực; giữa các ngành, lĩnh vực và các nền kinh tế; phát triển nhiều sản phẩm dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao gắn với chỉ dẫn địa lí trên địa bàn tỉnh; tạo bứt phá về cạnh tranh của một số ngành kinh tế chủ lực và chuyển biến thực chất, rõ nét về mô hình tăng trưởng, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, nâng cao tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã giao các sở, ngành, UBND cấp huyện triển khai thực hiện các nhiệm vụ, kế hoạch Tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2024 triên địa bàn tỉnh.

Quá trình triển khai thực hiện, với nhiều giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp, ngành, đến hết tháng 9/2024 có 17/40 chỉ tiêu đã đạt kế hoạch (đạt 42,5%), 20/40 chỉ tiêu có khả năng hoàn thành trong giai đoạn (đạt 47,5%), 3/40 chỉ tiêu được đánh giá là khó hoàn thành (chiếm 7,5%).

Cụ thể: Tổng sản lượng lương thực có hạt đến năm 2025 đạt 280 nghìn tấn; ước thực hiện năm 2024 đạt 282,981 nghìn tấn; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đến năm 2025 đạt 24.700 tỷ đồng; ước thực hiện năm 2024 đạt 26.000 tỷ đồng; phấn đấu đến năm 2025 đón khoảng 1,3 triệu lượt khách du lịch; ước năm 2024 đạt 1,850 triệu lượt khách…

Bên cạnh kết quả đạt được, chúng ta cũng còn những khó khăn và theo phân tích, đánh giá của cơ quan chuyên môn là khó hoàn thành. Như đến năm 2025, GRDP bình quân đầu người đạt 60 triệu đồng/người/năm, ước thức hiện năm 2024 đạt 46,51 triệu đồng; tốc độ giá trị sản xuất công nghiệp tăng từ 10 - 12%/năm, ước thực hiện đến năm 2024 tăng 7,48%; trên 90% dân số được quản lý sức khỏe, ước thực hiện năm 2024 đạt 51,7%.

Nguyên nhân là do tỉnh miền núi, hạ tầng giao thông còn yếu kém, nhiều khu vực khó tiếp cận các dịch vụ hiện đại do địa hình hiểm trở. Điều này làm giảm khả năng kết nối, lưu thông hàng hóa và thu hút đầu tư bên ngoài. Hạ tầng công nghệ thông tin cũng chưa phát triển đủ mạnh để hỗ trợ kinh tế số hay các hoạt động công nghiệp hiện đại khác nên khó thu hút các nhà đầu tư lớn.

Cùng với đó, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Phần lớn lao động vẫn làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Tỷ lệ người lao động được đào tạo chuyên môn còn thấp, làm hạn chế khả năng dịch chuyển cơ cấu lao động…

Phân tích, đánh giá một cách khoa học về thuận lợi, khó khăn, từ đó đưa ra các giải pháp để lãnh đạo, chỉ đạo kế hoạch Tái cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 theo Nghị quyết 54/NQ-CP của Chính phủ là rất cần thiết và cấp bách.

Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế tỉnh Điện Biên nằm trong nhóm cao các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc. Điều đó cho thấy, sự dịch chuyển nền kinh tế, cơ cấu kinh tế của 3 khu vực (nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ) tăng trưởng, phát triển đúng hướng. Tỷ trọng cơ cấu vốn đầu tư theo khu vực nhà nước năm 2024 giảm 2,57% so với năm 2023; cơ cấu vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước tăng 2,57%. Chứng tỏ chủ trương cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân của tỉnh đã phát huy hiệu quả. Khi nền kinh tế có xu hướng cởi mở và linh hoạt hơn thì việc huy động nguồn lực từ nhiều thành phần kinh tế sẽ tăng dần qua từng năm, là dấu hiệu cho thấy các chính sách tái cơ cấu đầu tư của tỉnh đã từng bước phát huy hiệu quả.

Tái cơ cấu nền kinh tế, lựa chọn ngành, lĩnh vực kinh tế thế mạnh, có tiềm năng để tập trung khai thác, đầu tư cho phát triển, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân là chủ trương xuyên suốt của cấp ủy Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị tỉnh Điện Biên trong thời gian tới.

Làm tốt điều đó, trước mắt cần tập trung chỉ đạo hoàn thiện các chỉ tiêu đạt thấp như đã nêu ở trên. Để tăng thu nhập lên 60 triệu đồng/người/năm vào năm 2025, giải quyết tốt việc làm cho lao động nông thôn, trong bối cảnh phần lớn người dân sống dựa vào nông nghiệp thì cần chú trọng thực hiện hiệu quả các dự án sản xuất nông - lâm nghiệp kết hợp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh trồng rừng kinh tế, trồng cây mắc ca, cao su, cà phê, cây quế, cây dược liệu dưới tán rừng, lâm sản ngoài gỗ… đã được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, ban hành kế hoạch, lộ trình thực hiện.

Một mặt, đẩy nhanh tiến độ giao đất giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho người dân. Có tư liệu sản xuất, được hỗ trợ vốn, tập huấn khoa học kỹ thuật từ các chương trình mục tiêu quốc gia, được đào tạo nghề, giải quyết việc làm sau đào tạo; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau sẽ giúp người dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Là tiền đề hoàn thiện kế hoạch xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; cơ quan, làng bản văn hóa…

Tùng Lĩnh

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/kinh-te/218989/hien-thuc-hoa-cac-chi-tieu-tang-truong
Zalo