Hiến kế hút vốn đầu tư trong kỷ nguyên mới

Năm 2024 là năm đánh dấu sự thành công của nền kinh tế và thị trường vốn Việt Nam với tổng mức vốn huy động đạt gần 930 nghìn tỉ đồng, cao gấp 1,3 lần so với năm 2023, tương đương 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Nhiều khó khăn với thị trường vốn

Thông tin về thị trường vốn của Việt Nam trong năm 2024 tại Hội nghị "Quỹ đầu tư và đầu tư nước ngoài trong kỷ nguyên phát triển mới của Việt Nam" diễn ra vào ngày 28.3, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết 2024 là năm đánh dấu sự thành công của nền kinh tế và thị trường vốn Việt Nam với tổng mức vốn huy động đạt gần 930 nghìn tỉ đồng, cao gấp 1,3 lần so với năm 2023, tương đương 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng tại Hội nghị "Quỹ đầu tư và đầu tư nước ngoài trong kỷ nguyên phát triển mới của Việt Nam" ngày 28.3.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng tại Hội nghị "Quỹ đầu tư và đầu tư nước ngoài trong kỷ nguyên phát triển mới của Việt Nam" ngày 28.3.

Năm 2024, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 62,5% GDP; dư nợ thị trường trái phiếu đạt 31,5% GDP. Nhà đầu tư nước ngoài đã mở gần 48.000 tài khoản đầu tư với tổng giá trị giao dịch gần 1,1 triệu tỉ đồng. Cùng với sự tăng trưởng của vốn đầu tư gián tiếp, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện năm 2024 đạt 25,4 tỉ USD, tăng 9,4% so với năm trước, đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Những kết quả này đã đóng góp tích cực cho tăng trưởng GDP đạt 7,09%, đưa quy mô nền kinh tế Việt Nam lên 476,3 tỉ USD, đứng thứ 33 trên thế giới.

Mặc dù đạt được những kết quả rất tích cực trong năm 2024, nhưng trong bối cảnh đầy thách thức của địa chính trị, kinh tế toàn cầu, tư lệnh ngành Tài chính cho rằng vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức phía trước đối với việc phát triển thị trường vốn.

Trong đó phải kể đến hoạt động của hệ thống quỹ đầu tư chứng khoán chưa tương xứng với tiềm năng phát triển. Cụ thể, hiện nay tổng giá trị tài sản ròng của các quỹ đến cuối năm 2024 tương đương 1,2% vốn hóa thị trường chứng khoán; tổng giá trị tài sản quản lý của công ty quản lý quỹ tương đương 3,4% tổng tài sản của tổ chức tín dụng; trên thị trường chứng khoán số lượng nhà đầu tư liên tục tăng nhưng tài khoản giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài chỉ chiếm 0,5%.

Đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), bên cạnh những kết quả đạt được, theo nhìn nhận của các nhà đầu tư và tổ chức quốc tế vẫn tồn tại một số vướng mắc trong quá trình thực thi về đất đai, xây dựng, thuế, hải quan, thủ tục hành chính và ngoại hối...

"Để đạt được các mục tiêu này, bên cạnh những giải pháp của Chính phủ về sắp xếp, tinh gọn nâng cao hiệu quả hiệu lực của bộ máy hành chính, chúng tôi đặt trọng tâm vào việc huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước, trong đó có nguồn vốn đầu tư thông qua các quỹ đầu tư và nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Hiến kế hút vốn từ các quỹ đầu tư

Nhìn nhận về giải pháp thu hút vốn từ các quỹ đầu tư và đầu tư nước ngoài trong kỷ nguyên phát triển mới của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết ngành quỹ ở Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn so với một số nước trong khu vực.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi trả lời báo chí bên lề Hội nghị "Quỹ đầu tư và đầu tư nước ngoài trong kỷ nguyên phát triển mới của Việt Nam" ngày 28.3

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi trả lời báo chí bên lề Hội nghị "Quỹ đầu tư và đầu tư nước ngoài trong kỷ nguyên phát triển mới của Việt Nam" ngày 28.3

Trong những năm qua, Bộ Tài chính đã hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm đa dạng hóa các loại hình quỹ; mở rộng hệ thống phân phối chứng chỉ quỹ; cho phép giao dịch chứng chỉ quỹ trực tuyến giúp nhà đầu tư dễ dàng tiếp cập các sản phẩm quỹ; không giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài vào các chứng chỉ quỹ nhằm thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài; đơn giản hóa thủ tục chào bán...

Mặc dù vậy, tổng giá trị tài sản quản lý tại các công ty quản lý quỹ hiện chỉ chiếm khoảng 6% GDP, còn rất khiêm tốn so với một số nước trong khu vực như: Thái Lan, Malaysia, Singapore. Do vậy, có thể thấy tiềm năng phát triển của ngành quỹ còn rất lớn.

Theo ông Don Lam, Tổng giám đốc và cổ đông sáng lập Tập đoàn VinaCapital, các quỹ đầu tư tại Việt Nam hiện đang phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào việc huy động vốn và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn bị chi phối chủ yếu bởi các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ. Đa số trong nhóm này tham gia thị trường theo hướng tự mua bán, lướt sóng ngắn hạn thay vì đầu tư vào các quỹ chuyên nghiệp. Thực trạng này khiến thị trường thiếu tính ổn định, dễ bị tác động bởi tâm lý đám đông và không đảm bảo định hướng đầu tư dài hạn.

Để nâng cao tính bền vững của thị trường tài chính, ông Don Lam cho rằng cần thay đổi nhận thức và hành vi của nhà đầu tư cá nhân, khuyến khích họ tham gia vào các quỹ đầu tư chuyên nghiệp. Việc đầu tư vào quỹ giúp giảm thiểu rủi ro, tận dụng được chuyên môn của các nhà quản lý quỹ, đồng thời mang lại lợi nhuận dài hạn cao hơn so với việc giao dịch ngắn hạn theo cảm tính.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết thời gian tới bộ sẽ cho rà soát, xem xét điều chỉnh chính sách thuế đối với các loại hình quỹ đầu tư chứng khoán nhằm khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tăng cường tham gia thị trường chứng khoán thông qua các quỹ đầu tư; đồng thời nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về thúc đẩy phát triển ngành quỹ thông qua chính sách thuế để đề xuất phương án hiệu quả, phù hợp với quy định và nhu cầu thực tiễn tại Việt Nam.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ nghiên cứu để đa dạng hóa các loại hình quỹ đầu tư, các bộ chỉ số chứng khoán và sản phẩm phù hợp với nhu cầu và khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư, qua đó thu hút sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; mở rộng hạn mức đầu tư để tạo điều kiện cho các quỹ đại chúng phát triển linh hoạt hơn, chủ động hơn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các quỹ.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi còn cho biết bộ sẽ từng bước nghiên cứu áp dụng mô hình tài khoản giao dịch tổng đối với các quỹ đầu tư nước ngoài nhằm thu hút hơn nữa sự tham gia vào thị trường chứng khoán, trong đó, hướng tới cho phép công ty quản lý quỹ có thể thực hiện giao dịch mua, bán chứng khoán đồng thời đối với các quỹ mà công ty quản lý; đơn giản hóa việc đặt lệnh cho các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, các công ty quản lý quỹ. Cùng với đó là đa dạng hóa các kênh phân phối chứng chỉ quỹ trực tiếp và gián tiếp, tăng khả năng tiếp cận sản phẩm của các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân, nhằm phát triển nhu cầu đầu tư vào các sản phẩm quỹ và tạo động lực cho các công ty quản lý quỹ thành lập quỹ đầu tư mới trên thị trường.

Bên cạnh các quỹ đầu tư chứng khoán trong nước, các quỹ đầu tư nước ngoài cũng đã có những đóng góp nhất định đối với sự tăng trưởng và phát triển của thị trường chứng khoán và các doanh nghiệp Việt Nam. Việt Nam luôn kiên định với chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư trực tiếp và gián tiếp vào Việt Nam.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cũng cho biết, trong năm nay, Bộ Tài chính đã chỉ đạo tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn vốn theo hướng khuyến khích dòng vốn dài hạn, ổn định, duy trì được lòng tin của nhà đầu tư. Trong đó, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường chứng khoán, tạo lập một hệ thống pháp lý chặt chẽ, thống nhất để thị trường hoạt động minh bạch, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.

Cùng với đó là cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục hành chính về đầu tư để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài nhanh chóng tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam; từng bước áp dụng các chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS), chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS), góp phần nâng cao tính minh bạch và tăng hiệu quả cung cấp thông tin cho nhà đầu tư...

Tuyết Nhung

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/hien-ke-hut-von-dau-tu-trong-ky-nguyen-moi-230901.html
Zalo