Hiến kế để xe buýt, metro Thủ đô thêm hút khách
Tại tọa đàm 'Cách nào để xe buýt, metro Thủ đô thêm hút khách?' do Báo Giao thông tổ chức sáng 26/9, các chuyên gia, cơ quan quản lý Nhà nước đã trao đổi, tìm ra giải pháp để xe buýt, metro Hà Nội thêm hút khách.
Vận tải hành khách công cộng đáp ứng khoảng 19,5% nhu cầu đi lại
Phát biểu tại tọa đàm, ông Phạm Đình Tiến, Trưởng phòng Kế hoạch - Vận hành (Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông TP Hà Nội) cho biết, vận tải hành khách công cộng của Thủ đô đã và đang có những chuyển biến đáng kể.
Mạng lưới tuyến đã phủ khắp các quận, huyện. Cùng với đường sắt đô thị, mạng lưới xe buýt đã dần trở thành phương tiện nòng cốt, có nhiều chính sách thu hút người dân vượt trội hơn so với các hình thức khác.
Hình thức vé cũng đa dạng, bao gồm cả vé điện tử số phi vật lý trên ứng dụng điện thoại thông minh, tạo thuận lợi cho người dân. Người dân không nhất thiết phải đến địa điểm mua vé để giao dịch. Chất lượng phương tiện cũng luôn đổi mới, phương tiện xanh sạch thân thiện môi trường. Hiện nay, số lượng xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch chiếm khoảng 18,5%.
"Qua theo dõi, sản lượng vận tải hành khách công cộng phục hồi, tăng trưởng trung bình 8,4-9,5% so với tháng trước. Ước đến hết tháng 9/2024, tỷ lệ đáp ứng vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) tại Hà Nội đạt 19,5% tổng nhu cầu đi lại của người dân.
Trong số này này, lượng hành khách đi lại thường xuyên (học sinh, sinh viên, người đi làm, đối tượng ưu tiên - người cao tuổi) chiếm 70% sản lượng.
Nhấn mạnh tỷ lệ hành khách đi lại bằng phương tiện công cộng có sự chuyển biến, song ông Tiến cũng chưa này "vẫn cách xa chỉ tiêu kỳ vọng".
"Theo mục tiêu đặt ra, đến năm 2024, VTHKCC đáp ứng 22.25% nhu cầu đi lại. Con số này phải đạt tối thiểu 30% vào năm 2025. Đây là con số rất thách thức", ông Tiến thông tin.
Nguyên nhân, theo ông Tiến trước tiên là do đại dịch Covid-19 kéo dài từ 2020 đến gần cuối năm 2022 tác động nghiêm trọng đến VTHKCC.
Cùng đó, việc đưa hệ thống đường sắt đô thị vào vận hành chưa đạt như kỳ vọng, đến nay mới chỉ có tuyến 2A và đoạn trên cao Nhổn - ga Hà Nội được đưa vào khai thác cũng là nguyên nhân quan trọng.
Các nguyên nhân khác được ông Tiến chỉ rõ là việc thành phố đang triển khai một số công trình trọng điểm, thời gian vận hành của xe buýt vì thế bị ảnh hưởng; Cơ sở hạ tầng giao thông, ùn tắc giao thông diễn biến phức tạp, thời gian đi lại của hành khách chưa đáp ứng được yêu cầu...
Ở góc độ chuyên gia, ông Phan Lê Bình - Trưởng đại diện Văn phòng tư vấn OCG, Nhật Bản tại Hà Nội cho rằng, nếu xét khách quan, con số 19,5% trong tổng lưu lượng hành khách khá ấn tượng, nhất là so với vài năm trước khi thị phần hành khách công cộng chỉ chiếm 9-10%.
"Con số này có được là nhờ có đóng góp lớn từ hai tuyến metro cũng như việc chất lượng các tuyến buýt ngày càng tốt hơn", ông Bình nhấn mạnh.
Xây dựng đề án kết nối 2 tuyến metro Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - ga Hà Nội
Nói về thái độ của nhân viên phục vụ trên xe buýt, ông Phạm Đình Tiến cho biết, chất lượng dịch vụ VTHKCC bằng xe buýt được đánh giá trên nhiều yếu tố trong đó thái độ phục vụ của nhân viên bán vé là một trong yếu tố có tác động trực tiếp đến lựa chọn hành khách.
"Những năm qua, Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông TP Hà Nội không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ và thái độ phục vụ của nhân viên bán vé, thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến quán triệt về phong cách phục vụ hành khách đối với nhân viên, lái xe trên các tuyến buýt.
Đặc biệt, Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) cũng thường xuyên phát động phong trào thi đua, đánh giá chấm điểm thi đua từng tuyến. Doanh nghiệp này cũng là đơn vị tiên phong không ngừng nâng cao chất lượng bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện, thường xuyên tổ chức các cuộc thi bảo dưỡng, nâng cao chất lượng dịch vụ phương tiện; Tổ chức hội thi đánh giá, hội thi nhân viên phục vụ thân thiện với hành khách, hội thi lái xe an toàn giao thông...
Theo TS Vũ Hồng Trường - TGĐ Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội, để xe buýt, metro hút khách hơn, giai đoạn tới xe buýt cần tập trung cạnh tranh với phương tiện cá nhân trên phương diện chi phí đi lại, tính an toàn và thái độ phục vụ.
Hiện giá cả đã có chỉ cần tăng cường hơn tính an toàn như khi tiếp cận nhà ga, thay đổi từ phương thức này sang phương thức khác, khi đi trên xe buýt.
Nhấn mạnh một khi cả hệ thống vào cuộc thì chắc chắn làm được, ông Trường chia sẻ lại câu chuyện phát triển metro tại Moscow (Nga).
"Năm 2010, Moscow tắc nghẽn kinh hoàng. Ngay lập tức, thành phố triển khai 8 dự án metro và khi tôi quay trở lại vào giữa tháng 8/2024, họ đã làm mới 16 tuyến metro tương đương số metro Nga xây dựng trong 80 năm, trở thành nước giải quyết vấn đề giao thông tốt nhất thế giới", ông Trường chia sẻ và cho biết thêm, với xe buýt, phương tiện này có hai ưu điểm là tính linh hoạt luồng tuyến, đa dạng hóa hình thức phục vụ rất cần phát huy.
Về 2 tuyến metro của Thủ đô, ông Trường tiết lộ cơ quan chức năng đang xây dựng đề án kết nối 2 tuyến metro, trước mắt sẽ bằng xe buýt đi theo 2 cánh cung.
"Đối với phương tiện vận tải công cộng, không có phương tiện nào ra đời triệt tiêu phương tiện khác. Các phương tiện vận tải công cộng là một gia đình nếu phối hợp với nhau thì sẽ giúp cả hệ thống cùng khỏe", ông Trường nhấn mạnh.
Góp ý cho cơ quan quản lý, chuyên gia Phan Lê Bình cho rằng chỉ có thể rút ngắn được thời gian đi lại nếu dành làn đường riêng cho xe buýt công cộng như các tuyến BRT.
"Tôi nhiều lần đề xuất cần phải mở rộng thêm đường dành riêng cho xe buýt. Nhiều người cho rằng khó thực hiệ, mặt đường 4-5 làn xe mới dành riêng làn cho xe buýt được. Tuy nhiên, theo tôi dù có 10 làn xe mà chúng ta không dành riêng làn cho xe buýt thì vẫn tắc như thường. Đơn cử khu vực ở nút giao đầu Trần Duy Hưng dù đường rất rộng nhưng vẫn tắc", ông Bình nói thêm.
Một biện pháp khác, ông Bình nhận thấy rất khả thi nhưng đến nay chưa thực hiện đó là những tuyến đường do thành phố bỏ chi phí đầu tư mở rộng làm thêm làn đường thì làn đó không dành cho ô tô xe máy mà phải dành cho phương tiện công cộng.